Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 0 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Khái quát lịch sử Ấn Độ thời phong kiến SVIP
1. Điều kiện tự nhiên
- Những nét chính về điều kiện tự nhiên của Ấn Độ.
- Tác động của điều kiện tự nhiên đối với sự phát triển kinh tế của Ấn Độ.
a) Điều kiện tự nhiên của Ấn Độ
- Lãnh thổ Ấn Độ thuộc khu vực Nam Á với diện tích rộng hơn 3 triệu km2.
- Ấn Độ có địa hình đa dạng, ba mặt (đông, tây, nam) giáp biển.
- Phía tây bắc và đông bắc là đồng bằng màu mỡ do phù sa của sông Ấn, sông Hằng bồi đắp.
- Dãy Hi-ma-lay-a cao như bức tường thành che chắn ở phía bắc.
- Cao nguyên Đê-can cùng hai dãy núi Gát Tây và Gát Đông ở phía nam có nhiều khu rừng nguyên sinh với nguồn lâm sản, hương liệu quý.
- Ấn Độ nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhưng do lãnh thổ rộng lớn và bức chắn địa hình làm cho khí hậu có sự khác biệt giữa các vùng. Sự đa dạng về điều kiện tự nhiên đã tác động lớn đến lịch sử Ấn Độ thời phong kiến.
b) Tác động của điều kiện tự nhiên đối với sự phát triển kinh tế của Ấn Độ
- Do có vị trí địa lí thuận lợi là nằm trên trục đường biển từ tây sang đông; lãnh thổ Ấn Độ có 3 mặt giáp biển nên hoạt động giao lưu thương mại ở Ấn Độ rất phát triển.
- Nền nông nghiệp ở Ấn Độ rất phát triển do các đồng bằng rộng lớn và nguồn nước với lượng phù sa dồi dào từ những con sông lớn như sông Ấn, sông Hằng,...
- Ở phía nam, nghề khai thác lâm sản, hương liệu có điều kiện phát triển do ở khu vực đó có nhiều cánh rừng nguyên sinh.
2. Sự ra đời của các vương triều: Gúp-ta, Hồi giáo Đê-li, Mô-gôn
Đọc thông tin và quan sát các hình dưới đây, hãy trình bày khái quát sự ra đời của các vương triều Gúp-ta, Hồi giáo Đê-li, Mô-gôn.
- Từ đầu thế kỉ IV, Ấn Độ bước vào thời kì phong kiến, trải qua nhiều triều đại khác nhau, nhưng nổi bật là các vương triều: Gúp-ta, Hồi giáo Đê-li, Mô-gôn.
+ Vương triều Gúp-ta do San-dra Gúp-ta I sáng lập năm 319. Gúp-ta có vai trò tổ chức, chống lại sự xâm lấn của các tộc người Trung Á vào Ấn Độ, thống nhất miền Bắc, sau đó tấn công chiếm cao nguyên Đê-can, làm chủ toàn bộ miền Trung Ấn Độ. Năm 467, Vương triều Gúp-ta sụp đổ, Ấn Độ lại rơi vào phân tán, loạn lạc kéo dài.
+ Vương triều Hồi giáo Đê-li ra đời năm 1206, gắn liền với cuộc chinh chiến, xâm lược của người Tuốc (theo Hồi giáo) vào miền Bắc Ấn Độ.
+ Vương triều Mô-gôn ra đời năm 1526, gắn liền với cuộc xâm lược của một bộ phận người Mông Cổ (theo Hồi giáo). Sau khi đánh chiếm Đê-li, họ lập ra Vương triều Mô-gôn. Giữa thế kỉ XIX, đế quốc Anh xâm lược và lật đổ Vương triều Mô-gôn.
3. Tình hình chính trị
Đọc thông tin, tư liệu và quan sát sơ đồ 8.2, các hình 8.1, 8.3 trong SGK, hãy khái quát tình hình chính trị của Ấn Độ dưới thời các vương triều Gúp-ta, Hồi giáo Đê-li, Mô-gôn.
a) Đặc điểm chung về tình hình chính trị-xã hội của Ấn Độ dưới thời các vương triều Gúp-ta, Hồi giáo Đê-li, Mô-gôn:
- Bộ máy cai trị được thiết lập theo chế độ quân chủ chuyên chế, đứng đầu nhà nước là vua, có quyền lực tuyệt đối, giúp việc cho vua là các quan lại, quý tộc, tướng lĩnh.
- Chính trị-xã hội thường bất ổn do: chế độ đẳng cấp và mâu thuẫn dân tộc.
b) Chính sách riêng của mỗi vương triều:
- Vương triều Gúp-ta: mở rộng thế lực và thống nhất phần lớn lãnh thổ Ấn Độ, tạo điều kiện cho sự phát triển về kinh tế, truyền bá văn hóa.
- Vương triều Hồi giáo Đê-li: xác lập sự thống trị của Hồi giáo, phân biệt sắc tộc, ưu tiên quyền lợi về kinh tế và chính trị cho người theo Hồi giáo, hạ thấp vai trò của Ấn Độ giáo,...
- Vương triều Mô-gôn: Thi hành nhiều chính sách tích cực để hòa hợp tôn giáo và dân tộc như liên kết các quý tộc gốc Mông Cổ, Hồi giáo, Ấn Độ giáo để xây dựng chính quyền mạnh, hạn chế đặc quyền của Hồi giáo,...(tiêu biểu là giai đoạn vua A-cơ-ba trị vì).
4. Tình hình kinh tế
Các vương triều vừa chú trọng xây dựng và củng cố quyền lực, vừa ban hành chính sách khôi phục đất nước nên nền kinh tế có bước phát triển mới.
a) Nông nghiệp
- Vẫn là ngành kinh tế chủ đạo của Ấn Độ, chế độ sở hữu ruộng đất có nhiều loại hình như ruộng của nhà nước, công xã, quý tộc, tăng lữ, địa chủ,..Ngoài ra còn trồng nhiều loại cây trồng và nuôi nhiều gia súc, gia cầm.
+ Thời kì Gúp-ta, công cụ lao động bằng sắt được sử dụng phổ biến nên diện tích canh tác mở rộng hơn, nhiều công trình thủy lợi được xây dựng.
+ Thời kì Đê-li, người dân trồng hàng chục giống lúa, canh tác đạt năng suất cao,...
+ Thời kì Mô-gôn, kinh tế nông nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Vua A-cơ-ba cho đo đạc ruộng đất, định mức thuế hợp lí với nông dân.
b) Sản xuất thủ công nghiệp và hoạt động thương nghiệp
- Có bước phát triển mới, các nghề thủ công như dệt, chế tác đồ trang sức, luyện kim, đóng thuyền,...được mở rộng với nhiều sản phẩm phong phú và tinh xảo.
+ Thời kì Gúp-ta. thông qua "Con đường Tơ lụa", thương nhân Ba Tư, Ả Rập, Trung Quốc đến Ấn Độ để trao đổi các loại hàng hóa nổi tiếng như tơ lụa, vàng, bạc, gia vị,...
+ Thời kì Đê-li, các nghề thủ công truyền thống tiếp tục phát triển và có sự phân hóa mạnh về ngành nghề (gắn liền với sự ra đời của chế độ Cax-ta) như vải in có hoa, đồ sứ tráng men,...
+ Thời kì Mô-gôn, sự phát triển của thủ công nghiệp thường gắn liền với các thành thị, trung tâm tôn giáo, bến cảng (vịnh Ben-gan, biển Ả Rập,...Sông Hằng tiếp tục là đường giao thông thủy quan trọng của Ấn Độ. Sản phẩm được người dân Ấn Độ và thương nhân nước ngoài trao đổi chủ yếu là hàng thủ công, hương liệu, gia vị,...
5. Tình hình xã hội
Từ các thế kỉ IV-V, tình trạng phân biệt chủng tộc ở Ấn Độ gảm bớt. Chế độ đẳng cấp Vác-na chuyển dần sang chế độ Cax-ta, theo đó xã hội Ấn Độ chia làm 4 đẳng cấp:
+ Đẳng cấp thứ nhất gồm: quý tộc, tăng lữ, quan lại, địa chủ,...Họ được tôn quý, nắm toàn quyền về chính trị, kinh tế, tinh thần và cai trị dân chúng.
+ Đẳng cấp thứ hai gồm: nông dân, thợ thủ công, thương nhân...Họ có nhiệm vụ đảm đương về kinh tế trong nước mua bán, trồng trọt, thu hoa lợi cho quốc gia.
+ Đẳng cấp thứ ba bao gồm: tiện dân và nô lệ. Họ phải làm những công việc nặng nhọc để phục vụ các đẳng cấp, giai cấp trên.
+ Đẳng cấp thứ tư là những người "nằm ngoài xã hội", có địa vị thấp kém nhất xã hội, bị đối xử như súc vật và phải làm những việc mà đương thời cho là hạ tiện nhất như: dọn vệ sinh, khiêng xác chết,...
Ngoài những mâu thuẫn của chế độ Cax-ta, xã hội Ấn Độ còn xuất hiện mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc, đặc biệt là giữa những người Ấn Độ giáo và người Hồi giáo.
Vận dụng: Hoàn thành bảng biểu về các vương triều ở Ấn Độ thời phong kiến (theo mẫu).
Tên vương triều | Thời gian tồn tại | Sự ra đời | Chính sách cai trị |
Gúp-ta | ? | ? | ? |
Hồi giáo Đê-li | ? | ? | ? |
Mô-gôn | ? | ? | ? |
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây