Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Học tập và trình bày báo cáo khoa học trong môn Khoa học tự nhiên 9 SVIP
I. Một số dụng cụ và hóa chất
1. Một số dụng cụ thí nghiệm
Lăng kính
- Được làm bằng thủy tinh có dạng lăng trụ tam giác.
- Được dùng để tiến hành thí nghiệm tìm hiểu về ánh sáng.
Đèn laser
- Được tạo từ một số đầu phát tia laser nối với nguồn điện.
- Được dùng để tạo ra chùm tia sáng trong một số thí nghiệm về ánh sáng.
Thấu kính
- Được làm từ các chất trong suốt như thủy tinh, nhựa,...
- Được dùng để thay đổi đường truyền ánh sáng trong các thí nghiệm.
Dây điện trở
- Được làm từ kim loại hoặc hợp kim có điện trở đủ lớn và ổn định.
- Được dùng trong các thí nghiệm về điện trở.
Cuộn dây
- Được tạo từ dây đồng có sơn cách điện quấn liên tiếp trên lõi bằng vật liệu cách điện.
- Được dùng để tiến hành các thí nghiệm về từ trường và cảm ứng điện từ.
Bộ ống dẫn khí bằng thủy tinh
- Gồm các ống thủy tinh có các đầu uốn khác nhau.
- Được dùng để lắp ráp các bộ thí nghiệm.
Bộ nút cao su
- Được làm từ cao su, có lỗ hoặc không có lỗ.
- Được dùng để nút các lọ hóa chất và dùng để lắp các bộ thí nghiệm.
Ống dẫn bằng cao su
- Được tạo từ vật liệu đàn hồi, có dạng ống dẫn.
- Được dùng để nối giữa các ống dẫn thủy tinh.
2. Một số hóa chất
Các hóa chất được đựng trong các lọ bằng nhựa hay thủy tinh, được dán nhãn ghi công thức hóa học, nồng độ của chất.
Các hóa chất bao gồm:
- Hóa chất rắn: một số kim loại như sodium (Na), đinh sắt, đồng phoi bào (Cu); một số muối như sliver nitrate (AgNO3), copper (II) sulfate dạng ngậm nước (CuSO4.5H2O); glucose, tinh bột, giấy phenolphthalein, giấy pH,...
- Hóa chất lỏng: dung dịch ammonia (NH3) đặc, dung dịch iodine (I2), nước bromine (Br2), dung dịch acetic acid (CH3COOH),...
|
|
- Hóa chất nguy hiểm: dung dịch sulfuric acid (H2SO4) 98%.
- Hóa chất dễ cháy: ethylic alcohol (C2H5OH).
|
|
II. Quy trình viết và trình bày báo cáo
1. Quy trình viết báo cáo khoa học
Bước 1: Xác định tên báo cáo và người thực hiện
Chọn một câu mô tả ngắn gọn nội dung nghiên cứu. Kèm theo là tên nhóm và tên người nghiên cứu.
Ví dụ: Tìm hiểu về mức độ hoạt động hóa học của một số kim loại.
Bước 2: Xác định mục đích nghiên cứu
Nêu điều cần đạt được của việc nghiên cứu.
Ví dụ: Thực hiện các thí nghiệm để tìm hiểu mức độ hoạt động hóa học của một số kim loại (Na, Mg, Fe, Cu, Ag), từ đó sắp xếp chúng thành một dãy theo mức độ hoạt động từ mạnh đến yếu.
Bước 3: Nêu câu hỏi nghiên cứu hay nhiệm vụ cần thực hiện
Xác định các câu hỏi cần trả lời hay các nhiệm vụ cần thực hiện.
Ví dụ: Khả năng và mức độ phản ứng của các kim loại với một số chất có sự khác nhau không? Tiến hành các thí nghiệm như thế nào để tìm hiểu được điều đó?
Bước 4: Nêu giả thuyết hay kiến thức lí thuyết cho vấn đề hay nhiệm vụ
Viết ở dạng một giả định cho kết quả nghiên cứu.
Nếu tiến hành được các thí nghiệm và so sánh được mức độ phản ứng của các kim loại với một số chất khác thì có thể sắp xếp được dãy hoạt động hóa học của kim loại theo chiều tăng hoặc giảm.
Bước 5: Đưa ra phương pháp và kế hoạch nghiên cứu
Mô tả các phương pháp nghiên cứu, các công việc chuẩn bị và các bước tiến hành.
Ví dụ: Thực hiện các thí nghiệm để đánh giá mức độ hoạt động hóa học của kim loại với một số chất. Lựa chọn các dụng cụ, hóa chất cần thiết để tiến hành thí nghiệm. Tiến hành ba thí nghiệm:
- Thí nghiệm 1: Kim loại tác dụng với dung dịch muối (chọn Cu với dung dịch muối AgNO3). So sánh mức độ hoạt động hoá học của Cu với Ag.
- Thí nghiệm 2: Kim loại tác dụng với dung dịch acid HCl (chọn Mg, Fe, Cu). So sánh tốc độ sủi bọt khí và sắp xếp dãy các kim loại đó và H theo chiều giảm dần của mức độ hoạt động hoá học.
- Thí nghiệm 3: Kim loại tác dụng với nước (chọn Mg, Na). So sánh mức độ hoạt động hoá học của Mg và Na.
Bước 6: Thực hiện nghiên cứu, thu thập thông tin số liệu, kết quả
Tiến hành thí nghiệm hay thực hiện khảo sát; mô tả các thông tin hay số liệu thu thập được.
Ví dụ: Mô tả kết quả thí nghiệm theo bảng sau:
Tên thí nghiệm | ? | ? | ? |
Mô tả hiện tượng thí nghiệm | ? | ? | ? |
Giải thích, viết PTHH | ? | ? | ? |
Nhận xét, kết luận | ? | ? | ? |
Bước 7: Xử lí kết quả và nêu các nhận xét
Nêu những nhận xét, phân tích các thông tin thu được; đánh giá tính đúng đắn của giả thuyết.
Ví dụ:
- Thí nghiệm 1: Cu đẩy được Ag ra khỏi dung dịch muối AgNO3, vậy Cu có mức độ hoạt động hoá học mạnh hơn Ag.
- Thí nghiệm 2: Xếp được dãy giảm dần mức độ hoạt động hoá học của kim loại và hydrogen: Mg, Fe, H, Cu.
- Thí nghiệm 3: Natri có mức độ hoạt động hoá học mạnh hơn magnesium.
Bước 8: Rút ra kết luận
Nêu kết luận về điều đã rút ra được cho nghiên cứu.
Ví dụ: Từ các kết quả trên, có thể xếp được mức độ hoạt động hoá học của một số kim loại theo thứ tự giảm dần như sau: Na, Mg, Fe, Cu, Ag.
2. Quy trình trình bày báo cáo khoa học
Hoạt động thuyết trình về một nghiên cứu khoa học có thể thực hiện theo các bước cơ bản như sau:
Bước 1: Trình bày
Người nghiên cứu giới thiệu các nội dung cơ bản trong báo cáo nghiên cứu như:
- Nêu đầy đủ mục đích nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, giả thuyết khoa học, phương pháp và kế hoạch nghiên cứu.
- Nêu cách thu thập thông tin (bảng khảo sát, điều tra hay thí nghiệm với những dụng cụ, hoá chất và bước làm cụ thể).
- Nêu kết quả thu được, cách xử lý các kết quả đó.
- Nêu những nhận xét, bình luận về kết quả, từ đó nêu ra kết luận.
Bước 2: Xin ý kiến trao đổi, góp ý
- Những người tham gia nêu các ý kiến cho từng nội dung, nêu các câu hỏi cần làm rõ. Sau đó, người nghiên cứu trả lời các câu hỏi, ghi nhận các ý kiến đóng góp.
Bước 3: Hoàn thiện báo cáo
- Dựa vào nội dung các trao đổi, người nghiên cứu hoàn thiện lại báo cáo hoặc thực hiện điều chỉnh hay mở rộng nghiên cứu.
Để trình bày bài báo cáo khoa học, cần chuẩn bị một bài thuyết trình. Bài thuyết trình nên được thiết kế dạng poster (áp phích) hoặc dạng trình chiếu PowerPoint, trong đó thể hiện nội dung nghiên cứu ở dạng đồ hoạ, sơ đồ, bảng biểu, hình ảnh với những câu mô tả ngắn gọn, làm nổi bật quá trình và kết quả nghiên cứu.
1. Một số dụng cụ thí nghiệm được sử dụng trong quá trình học tập môn Khoa học tự nhiên 9 như: đèn laser, lăng kính, thấu kính, dây điện trở, cuộn dây dẫn, bộ ống dẫn khí bằng thuỷ tinh, bộ nút cao su, ống dẫn cao su,... Bên cạnh đó, một số hoá chất cũng được sử dụng gồm: hoá chất rắn, hoá chất lỏng. Một số chất trong số đó là những hoá chất nguy hiểm, có thể cháy, nổ. Các hoá chất được dùng trong các lọ có nhãn dán ghi thông tin của hoá chất.
2. Khi thực hiện một nghiên cứu khoa học, để giới thiệu kết quả nghiên cứu, cần thực hiện:
- Viết một báo cáo khoa học với đầy đủ các phần theo quy định gồm: Tên báo cáo và người thực hiện; mục đích nghiên cứu; câu hỏi nghiên cứu; giả thuyết khoa học; phương pháp và kế hoạch nghiên cứu; kết quả thu được; những nhận xét, kết luận được rút ra.
- Trình bày báo cáo để làm nổi bật quá trình nghiên cứu. Sau đó trao đổi, bảo vệ và tiếp nhận các ý kiến đóng góp để hoàn thiện nghiên cứu.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây