Bài học cùng chủ đề
- Hệ sinh dục ở người và bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên (phần 1)
- Hệ sinh dục ở người và bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên (phần 2)
- Hệ sinh dục ở người và bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên (phần 3)
- Hệ sinh dục ở người và bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên
- Hệ sinh dục ở người và bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Hệ sinh dục ở người và bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên SVIP
1. Hệ sinh dục
➤ Tìm hiểu chức năng của hệ sinh dục
- Ở người, hệ sinh dục gồm các cơ quan thực hiện chức năng sinh sản và duy trì nòi giống thông qua các hoạt động:
- Tạo giao tử (tinh trùng và trứng).
- Giao phối.
- Sản xuất hormone sinh dục.
➤ Tìm hiểu cơ quan sinh dục nam
Bộ phận | Chức năng |
Ống dẫn tinh | Dẫn tinh trùng từ tinh hoàn lên túi tinh. Có đoạn hình thành ống phóng tinh. |
Tuyến tiền liệt | Tiết ra chất dịch góp phần hình thành tinh dịch. |
Tuyến hành | Tiết ra dịch nhầy làm bôi trơn dương vật hoặc chuẩn bị cho quá trình phóng tinh. |
Tinh hoàn | Sản xuất ra tinh trùng và tiết ra hormone sinh dục nam (testosterone). |
Bìu | Chứa tinh hoàn, đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho quá trình sinh tinh. |
Dương vật | Chứa ống dẫn nước tiểu (niệu đạo) để bài xuất nước tiểu và tinh trùng ra ngoài. |
Túi tinh | Nơi lưu trữ và nuôi dưỡng tinh trùng. |
Mào tinh hoàn | Nơi tinh trùng tiếp tục phát triển và hoàn thiện về cấu tạo sau khi được sinh ra. |
➤ Tìm hiểu cơ quan sinh dục nữ
2. Thụ tinh và thụ thai
➤ Tìm hiểu thụ tinh và thụ thai
- Trứng sau khi rụng, được phễu dẫn trứng tiếp nhận và đưa vào ống dẫn trứng. Mặt trong của ống dẫn trứng có các nhung mao rung động theo một chiều giúp trứng di chuyển về tử cung. Trong quá trình di chuyển, nếu gặp được tinh trùng, trứng và tinh trùng sẽ kết hợp với nhau tạo thành hợp tử, quá trình này được gọi là thụ tinh. Quá trình thụ tinh thường xảy ra ở khoảng 1/3 phía ngoài của ống dẫn trứng. Mặc dù số lượng tinh trùng được giải phóng trong một lần phóng tinh rất lớn, nhưng trứng chỉ thụ tinh với một tinh trùng duy nhất, các tinh trùng không được thụ tinh sẽ chết.
- Sau khi thụ tinh, hợp tử phải mất từ 3 - 4 ngày để di chuyển xuống tử cung. Trong quá trình di chuyển, hợp tử tiến hành phân chia tạo thành phôi. Khi đến tử cung, phôi bám vào lớp niêm mạc tử cung, làm tổ ở đây và phát triển thành thai. Quá trình này được gọi là thụ thai.
3. Hiện tượng kinh nguyệt và cách phòng tránh thai
➤ Tìm hiểu hiện tượng kinh nguyệt
- Dưới sự tác động của hormone GnRH (từ vùng dưới đồi), tuyến yên sản sinh hormone FSH và LH. Hai loại hormone này kích thích nang trứng phát triển, chín và gây rụng trứng. Buồng trứng sản xuất các hormone estrogen và progesterone kích thích lớp niêm mạc tử cung dày, xốp và phát triển nhiều mạch máu để chuẩn bị đón phôi làm tổ.
- Sau khi trứng rụng, nếu trứng không được thụ tinh, thể vàng sẽ bị thoái hoá dần làm cho lớp niêm mạc tử cung bong ra từng mảng, thoát ra ngoài cùng với máu và dịch nhầy gây nên hiện tượng kinh nguyệt. Hiện tượng này xảy ra theo chu kì từ 28 - 32 ngày. Nếu trứng được thụ tinh và diễn ra sự thụ thai thì trong suốt quá trình mang thai, lớp niêm mạc tử cung được duy trì nhờ hormone progesterone tiết ra từ thể vàng và nhau thai. Bên cạnh đó, progesterone kết hợp với estrogen kìm hãm hoạt động sản xuất hormone của tuyến yên nên trong thời kì mang thai không có trứng chín và rụng, do đó, không xảy ra hiện tượng kinh nguyệt.
➤ Tìm hiểu cách phòng tránh thai
- Việc có thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Sự gặp nhau giữa tinh trùng và trứng, sự phát triển của niêm mạc tử cung, phôi bám được vào niêm mạc tử cung,… Dựa trên cơ sở đó, người ta đưa ra một số nguyên tắc và biện pháp để phòng tránh thai:
- Ngăn cản quá trình chín và rụng trứng: Sử dụng thuốc tránh thai.
- Ngăn cản không cho tinh trùng gặp trứng để thụ tinh: Sử dụng bao cao su, thắt ống dẫn tinh (triệt sản nam), thắt ống dẫn trứng (triệt sản nữ), tính vòng kinh.
- Ngăn cản không cho phôi làm tổ và phát triển thành thai: Đặt vòng tránh thai (dụng cụ tử cung).
4. Một số bệnh lây truyền qua đường sinh dục
➤ Tìm hiểu một số bệnh lây truyền qua đường sinh dục và cách phòng tránh
- Bệnh lây truyền qua đường sinh dục là bệnh lây truyền từ người này sang người khác thông qua quan hệ tình dục.
- Lậu:
- Tác nhân gây bệnh: Lậu cầu khuẩn, khu trú trong tế bào niêm mạc của đường sinh dục.
- Con đường truyền bệnh: Qua quan hệ tình dục, truyền từ mẹ sang con.
- Giang mai:
- Tác nhân gây bệnh: Xoắn khuẩn giang mai, sống ở nơi có nhiệt độ thấp, độ ẩm cao.
- Con đường truyền bệnh: Qua quan hệ tình dục là chủ yếu, qua truyền máu, các vết xây xát, từ mẹ sang con.
- HIV/AIDS:
- Tác nhân gây bệnh: Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), có trong tinh dịch, dịch nhầy âm đạo,…
- Con đường truyền bệnh: Qua quan hệ tình dục, qua đường máu (truyền máu, tiêm chích,…), truyền từ mẹ sang con.
- Viêm gan B:
- Tác nhân gây bệnh: Virus viêm gan B (Hepatitis B virus - HBV), tồn tại trong máu và dịch tiết của người bệnh.
- Con đường truyền bệnh: Qua quan hệ tình dục, qua đường máu, truyền từ mẹ sang con.
5. Bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên
➤ Tìm hiểu ý nghĩa và biện pháp bảo vệ sức khoẻ sinh sản vị thành niên
- Vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp giữa độ tuổi trẻ em và tuổi trưởng thành, trong giai đoạn này, cơ thể có sự phát triển mạnh về nhiều mặt như thể chất, sinh lí, tâm tư tình cảm và khả năng hoà nhập với cộng đồng, xã hội.
- Việc bảo vệ sức khoẻ sinh sản vị thành niên đang là một vấn đề cấp thiết nhưng vẫn chưa được chú trọng, dẫn đến xảy ra nhiều hậu quả nghiêm trọng:
- Mang thai ngoài ý muốn; nạo phá thai.
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường sinh dục.
- Ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển tâm lí, nhân cách và khả năng duy trì nòi giống.
- Gây nên những gánh nặng cho gia đình và xã hội.
- Một số nhóm biện pháp chính nhằm bảo vệ sức khoẻ sinh sản vị thành niên gồm:
- Vệ sinh cá nhân: Vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài và cơ thể thường xuyên, không tiếp xúc với môi trường nước bị ô nhiễm.
- Trong sinh hoạt và lao động: Sử dụng quần lót được làm bằng vải mềm, có khả năng thấm nước; quần áo, khăn cần được thay giặt hằng ngày bằng xà phòng và phơi ở nơi khô thoáng, sạch sẽ; không mặc các loại quần bó sát người, gây khó chịu. Tránh hoạt động quá mạnh, tránh sự va chạm hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây tổn thương hệ sinh dục.
- Có lối sống lành mạnh: Giữ tinh thần thoải mái, rèn luyện sức khoẻ; thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ hệ sinh dục và sức khoẻ sinh sản vị thành niên; không quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành; tránh xa các hình ảnh, sách báo,… không lành mạnh và các chất kích thích và gây nghiện (rượu bia, thuốc lá, ma tuý,…).
- Chủ động tìm hiểu kiến thức liên quan đến sức khoẻ sinh sản từ những nguồn tin cậy để có hiểu biết và nhận thức đúng đắn về hành vi của bản thân.
- Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền trong nhà trường và tại địa phương; ban hành các chính sách nhằm chăm sóc, bảo vệ và tăng cường sức khoẻ sinh sản vị thành niên.
➤ Điều tra hiểu biết của học sinh trong trường về sức khoẻ sinh sản vị thành niên
a. Mục tiêu: Xác định được mức độ hiểu biết của học sinh về sức khoẻ sinh sản vị thành niên thông qua mẫu phiếu điều tra gợi ý bên dưới.
PHIẾU ĐIỀU TRA HIỂU BIẾT CỦA HỌC SINH TRONG TRƯỜNG VỀ SỨC KHỎE SINH SẢN VỊ THÀNH NIÊN Tên người được điều tra: Lớp: Địa điểm điều tra:
|
b. Chuẩn bị: Sổ ghi chép, bút, máy ghi âm, máy ảnh, phiếu khảo sát.
c. Sản phẩm dự kiến: Bảng kết quả, bộ tranh, ảnh, phim tài liệu điều tra sự hiểu biết của học sinh trong trường về sức khoẻ sinh sản vị thành niên.
d. Thực hiện: Học sinh tiến hành điều tra dựa theo các bước hướng dẫn bên dưới.
- Bước 1: Xác định địa điểm điều tra.
- Bước 2: Tiến hành điều tra sự hiểu biết của học sinh trong trường về sức khỏe sinh sản vị thành niên.
- Bước 3: Ghi nhận kết quả điều tra vào bảng kết quả.
- Bước 4: Kết luận. Đề xuất phương án nhằm nâng cao sự hiểu biết của học sinh trong trường về sức khỏe sinh sản vị thành niên.
- Bước 5: Báo cáo sản phẩm.
1. Hệ sinh dục đảm nhận chức năng sinh sản và duy trì nòi giống.
2. Cơ quan sinh dục nam gồm các bộ phận: Tinh hoàn chứa trong bìu, ống dẫn tinh, túi tinh, mào tinh hoàn, tuyến tiền liệt, tuyến hành, dương vật. Cơ quan sinh dục nam có chức năng sản xuất, lưu giữ, nuôi dưỡng tinh trùng và giải phóng tinh trùng trong quá trình thụ tinh; sản xuất hormone điều hoà quá trình sinh tinh trùng.
3. Cơ quan sinh dục nữ gồm các bộ phận: Buồng trứng, ống dẫn trứng, phễu dẫn trứng, tử cung, tuyến tiền đình, ống dẫn nước tiểu, âm đạo. Cơ quan sinh dục nữ có chức năng sản xuất trứng; là nơi diễn ra quá trình thụ tinh, thụ thai, nuôi dưỡng thai và sinh con; sản xuất hormone điều hoà quá trình sinh trứng.
4. Thụ tinh là sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng trong ống dẫn trứng tạo thành hợp tử.
5. Thụ thai là quá trình phôi bám vào niêm mạc tử cung, làm tổ và phát triển thành thai.
6. Kinh nguyệt là hiện tượng xảy ra khi trứng không được thụ tinh, lớp niêm mạc tử cung bong ra gây chảy máu.
7. Để phòng tránh thai, có thể sử dụng các biện pháp nhằm ngăn cản quá trình chín và rụng trứng, không cho tinh trùng gặp trứng để thụ tinh, không cho phôi làm tổ và phát triển thành thai.
8. Một số bệnh lây truyền qua đường sinh dục phổ biến: Lậu, giang mai, HIV/AIDS,...
9. Cần có biện pháp để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường sinh dục nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho người khác.
10. Chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ sinh sản vị thành niên, hệ sinh dục có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì nòi giống, đảm bảo sức khoẻ tâm sinh lí và sự phát triển nhân cách ở tuổi vị thành niên, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây