Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề thi cuối kì II - Sở Bắc Ninh SVIP
Đọc đoạn văn bản:
A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799-1837) – “Mặt trời của thi ca Nga”, là niềm vinh quang kiêu hãnh của nhân dân Nga, hiện thân đầy đủ nhất của sức mạnh tinh thần dân tộc Nga. Thiên tài sáng tạo của ông đã khơi dậy sức phát triển phi thường cho văn học Nga thế kỉ XIX và đưa nó trở thành một trong những đỉnh cao của nghệ thuật nhân loại.
Tài năng văn học của Puskin thể hiện trên nhiều thể loại. Ngoài hơn tám trăm bài thơ trữ tình, ông còn viết tiểu thuyết bằng thơ Ép-ghê-nhi Ô-nhê-ghin một kiệt tác của văn học thế giới, nhiều trường ca thơ tầm cỡ (Ru-xlan và Li-út-mi-la, Người tù Cáp-ca-dơ…). Truyện ngắn của ông cũng rất xuất sắc (Con đầm pích, Cô tiểu thư nông dân…). Tác phẩm Con gái viên đại úy là một tiểu thuyết lịch sử mẫu mực. Đồng thời, Puskin còn viết nhiều vở kịch nổi tiếng.
Puskin trước hết là nhà thơ. Thơ Puskin khơi nguồn cảm hứng từ hiện thực đời sống Nga, con người Nga đường thời với muôn vàn vẻ phong phú, đa dạng của nó. Ngòi bút của ông rất tinh tế khi viết về thiên nhiên, đằm thắm khi viết về nhũ mẫu (1), trong sáng khi viết về tình bạn và hết sức chân thành, cao thượng khi viết về tình yêu. Tôi yêu em (1829) là một trong những bài thơ tình hay nhất của Puskin, được ví như “viên ngọc vô giá trong kho tàng thi ca Nga”.
(Theo Sách giáo khoa Ngữ văn 11 Nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010, tr.165-166)
(1) Nhũ mẫu: người ở nuôi con chủ nhà bằng sữa của mình, còn gọi là vú nuôi.
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra những thể loại thể hiện tài năng văn học của Puskin.
Câu 3. Đọc đoạn văn bản, anh/chị hiểu “Mặt trời của thi ca Nga” nghĩa là gì?
Câu 4. Thơ Puskin cùng bài thơ Tôi yêu em gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về cách ứng xử trong tình yêu?
Hướng dẫn giải:
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản: thuyết minh/ phương thức thuyết minh.
Câu 2: Những thể loại thể hiện tài năng văn học của Puskin: thơ, tiểu thuyết bằng thơ, trường ca thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết lịch sử, kịch,…
Câu 3:
“Mặt trời của thi ca Nga” là cách nói ẩn dụ tôn vinh giá trị thơ và vị trí nhà thơ Puskin:
- Thơ Puskin đánh thức những tình cảm tốt lành trong tâm hồn Nga khao khát tự do và tình yêu, mang sức mạnh tinh thần, có ý nghĩa to lớn trong lịch sử văn chương và lịch sử thức tỉnh dân tộc Nga.
- Puskin là nhà thơ vĩ đại có vị trí đặc biệt quan trọng – người khơi dậy sức phát triển phi thường cho văn học Nga thế kỉ XIX và đưa nó trở thành một trong những đỉnh cao của nghệ thuật nhân loại.
Câu 4:
Học sinh có thể có những suy nghĩ riêng gì về cách ứng xử trong tình yêu từ thơ Puskin cùng bài thơ Tôi yêu em song cần kiến giải hợp lí. Có thể tham khảo các ý sau:
- Yêu chân thành, đằm thắm.
- Yêu vị tha, cao thượng,…
….
Phân tích sự cảm nhận về thời gian của Xuân Diệu qua đoạn thơ:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua, Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già, Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất. Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật, Không cho dài thời trẻ của nhân gian; Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn, Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại! Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi, Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời; Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi, Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt… Con gió xinh thì thào trong lá biếc, Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi? Chim rộng ràng bỗng tiếng reo thi, Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa? Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa… Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm. |
(Trích Vội vàng, Xuân Diệu, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2007, tr22-23)
Hướng dẫn giải:
Bài làm của học sinh đảm bảo các ý sau:
1. Phân tích sự cảm nhận của Xuân Diệu về thời gian qua đoạn thơ:
- Tranh luận với quan niệm thời gian tuần hoàn, nhà thơ của mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu quan niệm thời gian tuyến tính – dòng chảy xuôi chiều, một đi không trở lại, mỗi khoảnh khắc trôi qua là mất đi vĩnh viến: xuân đương tới… đương qua, còn non… sẽ già.
- Lấy sinh mệnh cá thể làm thước đo thời gian, gắn tuổi trẻ với mùa xuân làm thước đo đời người, Xuân Diệu cắt nghĩa những quy luật, phát hiện những nghịch lí: thời gian trôi hủy hoại sự sống, cướp đi tuổi trẻ xuân hết… tôi cũng mất… lòng tôi rộng … lượng trời chật… còn trời đất… chẳng còn tôi… nên bâng khuâng tiếc đến ngậm ngùi.
- Lấy sự tương giao về cảm giác để cảm nhận và mô tả, Xuân Diệu phát hiện thời gian đầy tính mất mát, đem đến sự chia lìa, mỗi khoảnh khắc đều rớm vị chia phôi, dậy lên khắp sông núi lời thở than tiễn biệt, làm tàn phai hương sắc từng cá thể trong chính thời tươi: cơn gió xinh, lá biếc, chim rộn ràng… hờn, sợ độ phai tàn sắp sửa -> Nhạy cảm với thời gian cũng là biểu hiện niềm ham sống, yêu đời đến đắm say.
- Nỗi ám ảnh thời gian của hồn thơ Xuân Diệu xuất phát từ cái nhìn trẻ, từ ý thức sâu xa được giá trị của sự sống, lí giải thái độ sống: chạy đua với thời gian, giục giã sống vội vàng Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm.
2. Nghệ thuật thể hiện cảm nhận thời gian:
- Thơ trữ tình điệu nói, kết hợp mạch cảm xúc và luận lí.
- Thủ pháp trùng điệp, hơi thơ liền mạch, nhịp thơ sôi nổi, giọng thơ cuống quýt tự bạch điệu hồn ham sống cuồng nhiệt.
- Hình ảnh thơ mới lạ với những liên tưởng phong phú, nghệ thuật chuyển đổi cảm giác tài hoa.
- Ngôn ngữ thơ giàu tính nhạc, tính tạo hình, biểu cảm.
3. Đánh giá chung.
- Đoạn thơ với cảm nhận về thời gian (trong mối quan hệ với tuổi trẻ) làm rõ cội nguồn triết lí nhân sinh tích cực cùng tuyên ngôn sống Vội vàng của nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới (Hoài Thanh) - Xuân Diệu với Vội vàng ví như một nguồn sống dạt dào chưa từng thấy ở đất này, đánh thức niềm yêu đời, ý thức sâu sắc về giá trị sự sống mỗi cá nhân trong cuộc đời.