Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo số 2 SVIP
Đọc bài thơ sau:
Đất nước
Tôi đi như bốc lên trên bụi đường số Một
Qua gạch vụn hai bên, người đang tới dựng nhà,
Nhịp cầu mới vươn tay kéo nhịp cầu đã sập
Cây nham nhở tàn tro vừa kịp nhú nhành hoa...
Tôi gặp khắp nơi những bàn tay vun quén
Tôi thuộc đến như in những vóc dáng cần cù
Đất nước dám hy sinh tất cả dành Kháng chiến
Ngày thắng giặc hôm nay, sẽ đủ sức làm bù.
Mỗi em bé phút này tung tăng vào lớp Một
Đều sinh trong thời có triệu tấn bom rơi,
Mỗi cô gái thu này bắt đầu may áo cưới
Đều đã đứng lên từ công sự bom vùi!
Đâu tiếng ru à ơi qua nghìn làng sơ tán?
Đêm thức trắng không đèn, chuyến phà chật mùa mưa?
Kỷ niệm vẫn theo ta, diết da và loé sáng,
Truyền sức sống hôm qua vào sức sống bây giờ!
Những thế hệ chiến tranh sẽ còn nguyên âm hưởng
Trong thế hệ hoà bình nối tiếp lớn theo nhau...
Gió lại thổi vào thu... Qua tất thảy
khổ đau và vui sướng,
Vị ngọt vẫn theo ta, từ Tháng Tám ban đầu!
(Trích Đất nước, Bằng Việt, Đất sau mưa, NXB Tác phẩm mới, 1977, tr.8)
Câu 1: Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của đoạn trích.
Câu 2: Đoạn thơ trên thể hiện cảm xúc gì của nhân vật trữ tình?
Câu 3: Phân tích ý nghĩa của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ sau:
Mỗi em bé phút này tung tăng vào lớp Một
Đều sinh trong thời có triệu tấn bom rơi,
Mỗi cô gái thu này bắt đầu may áo cưới
Đều đã đứng lên từ công sự bom vùi!
Câu 4: Theo em, “vị ngọt” trong câu thơ cuối của đoạn trích là vị của điều gì? Vị ngọt đó có được từ đâu?
Câu 5: Từ nội dung của đoạn trích, anh/chị hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về ý nghĩ của lòng yêu nước.
Hướng dẫn giải:
Câu 1: (0.5 điểm):
- Số chữ trong các dòng không bằng nhau là dấu hiệu để xác định thể thơ tự do trong đoạn trích.
Câu 2: (0.5 điểm):
- Bài thơ trên thể hiện tình yêu nước dâng trào mãnh liệt của nhân vật trữ tình khi thấy đất nước mạnh mẽ chiến đấu chống giặc ngoại xâm.
Câu 3 (1.0 điểm):
- Các biện pháp tu từ được sử dụng:
+ Điệp từ: “Mỗi”, “Đều”.
- Tác dụng:
+ Nhấn mạnh rằng tất cả những người con đất Việt đều đã được sinh ra và lớn lên một cách kiên cường dưới thời chiến tranh bom đạn.
+ Tăng tính liên kết và tạo nhịp điệu cho đoạn thơ.
Câu 4 (1.0 điểm):
- “Vị ngọt” trong câu thơ cuối cùng của đoạn trích là vị ngọt của một đất nước thanh bình, hạnh phúc, không có chiến tranh.
- Vị ngọt đó có được từ nỗ lực sống và chiến đấu của tất cả người dân trên mọi miền Tổ quốc.
Câu 5 (1.0 điểm):
- Có thể trả lời theo nhiều cách, đảm bảo một trong các ý sau:
+ Lòng yêu nước là cội nguồn tinh thần của mỗi con người.
+ Lòng yêu nước là yếu tố quan trọng giúp cho đất nước phát triển vững mạnh.
+ Người có lòng yêu nước có những nhận thức và hành vi đúng đắn trong xã hội.
+ Lòng yêu nước giúp nâng cao tình bạn, đồng đội giữa con người, tạo tinh thần đồng bào mạnh mẽ.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích ý nghĩa của hình tượng đất nước trong văn bản ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến sau: Chúng ta không xúc động trước những bài giảng lịch sử. Chúng ta xúc động trước những người làm nên lịch sử.
Hướng dẫn giải:
Câu 1: (2.0 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn (0.25 điểm):
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.25 điểm):
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích ý nghĩa của hình tượng đất nước trong văn bản Đất nước của Bằng Việt.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (0.5 điểm):
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Đất nước trong đau thương: Đất nước phải hứng chịu đạn bom với nhiều khó khăn, gian khổ.
+ Vẻ đẹp của đất nước thể hiện qua những con người cần cù, chịu thương chịu khó, đồng thời mang tinh thần quyết chiến chống lại kẻ thù.
+ Đất nước được nối dài bởi các thế hệ.
+ Những người con của đất nước luôn tràn đầy niềm tin và hi vọng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
+ Hình tượng đất nước được làm rõ bởi những nét đặc sắc về nghệ thuật: Ngôn từ bình dị, mộc mạc; hình ảnh thơ gần gũi; các câu cảm thán + các biện pháp tu từ.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau (0.5 điểm):
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt (0.25 điểm):
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo (0.25 điểm):
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2 (4 điểm):
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài (0.25 điểm):
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0.5 điểm):
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Lòng biết ơn đối với những người anh hùng đã hi sinh vì đất nước.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận (1.5 điểm):
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích được “bài giảng lịch sử” và “người làm nên lịch sử”.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Lòng yêu nước bắt nguồn từ những điều bình dị, trong đó có cả việc nhớ đến công ơn của những người đã mang lại hòa bình.
+ Chính những người thật, việc thật và những câu chuyện về biết bao xương máu đã hi sinh để đổi lấy độc lập cho dân tộc là nền tảng của tình yêu nước. Con người chỉ yêu khi biết xúc động từ tận đáy lòng.
+ Cần ghi nhớ công lao của những người anh hùng.
+ Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới trong cách dạy học lịch sử, để những thế hệ tương lai thực sự hiểu được ý nghĩa của độc lập và tự do.
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau (1.0 điểm):
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt (0.25 điểm):
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo (0.5 điểm):
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.