Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 4 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
LÃO HÀ TIỆN
Tóm tắt phần trước: Nhân vật Ác-pa-gông (Harpagon) là một người vô cùng keo kiệt, tích cóp bằng cách cho vay nặng lãi, dè sẻn chi tiêu. Lão chôn trong vườn cái tráp đựng một vạn đồng tiền vàng nên luôn cảnh giác với mọi người. Lão không biết con trai mình - Clê-ăng (Cleante) - đang yêu cô gái nghèo Ma-ri-an (Marianne), còn con gái E-li-dơ (Elise) đã thầm ước hẹn với anh chàng quản gia Va-le-rơ (Valere). Ác-pa-gông toan tính sắp đặt cuộc đời các con theo hướng khác để "tiết kiệm được một món to".
Hồi 1, Lớp 5
[...] Ác-pa-gông: Chiều nay tao định gả nó cho một người vừa giàu có lại vừa từng trải, thế mà con bé dám bảo thẳng vào mặt tao là nó chẳng thèm. Thế thì mày bảo sao nào?
Va-le-rơ: Cháu bảo sao ấy à?
Ác-pa-gông: Phải.
Va-le-rơ: Ờ... Ờ...
Ác-pa-gông: Gì kia?
Va-le-rơ: Cháu bảo là đại để cháu cũng nghĩ như ông; mà cũng chẳng có lí nào ông lại không phải được. Song, cô thì cũng không phải hoàn toàn không đúng, và...
Ác-pa-gông: Sao hử? Ngài Ăng-xen-mơ là một đám có giá trị lớn; một bậc quý tộc chính cống, hiền lành, trang trọng, từng trải, lại của cải như nước, người ta goá vợ mà không còn một đứa con nào của vợ trước. Hỏi có đám nào hơn thế nữa không?
Va-le-rơ: Đúng thế đấy ạ. Nhưng cô có thể bảo rằng cưới ngay như thế thì khí hấp tấp, ít ra cũng phải khoan khoan, xem tính tình cô cháu có hợp với...
Ác-pa-gông: Một cơ hội như thế, phải nắm ngay chứ. Ở đám này, tao thấy có một cái lợi mà không đám nào hòng có được: ông ấy bằng lòng lấy cô mà không đòi của hồi môn(1).
Va-le-rơ: Không đòi của hồi môn?
Ác-pa-gông: Phải.
Va-le-rơ: Ui chà! Thế thì cháu còn nói thế nào được nữa. Ông thấy không? Lí lẽ ấy thuyết phục được hoàn toàn, phải bó tay mà chịu.
Ác-pa-gông: Như thế, tao tiết kiệm được một món to.
Va-le-rơ: Đúng quá, còn ai cãi lại được. Song kể thì cô cũng có thể bảo rằng việc trăm năm là một việc trọng đại hơn người ta tưởng nhiều, và có quan hệ đến cả một đời người sướng hay khổ, cho nên lấy nhau để ăn đời ở kiếp với nhau, bao giờ cũng phải hết sức thận trọng mới được.
Ác-pa-gông: Không của hồi môn.
Va-le-rơ: Ông nói phải: cái lí lẽ ấy quyết định tất cả, điều đó dễ hiểu thôi. Có người có thể bảo ông rằng trong những trường hợp như thế này, cũng nên chú ý xem lòng dạ người con gái như thế nào mới phải; chứ tuổi tác quá chênh lệch, tính tình, tình cảm quá khác nhau như thế thì lấy nhau chỉ gây ra tai họạ, rất rầy rà.
Ác-pa-gông: Không của hồi môn.
Va-le-rơ: À, như thế thì còn bẻ vào đâu được; điều ấy, ai cũng biết rõ rành rành, mà nào dám nói trái được. Nhưng không phải là không có vô số ông bố muốn coi trọng việc làm toại ý con hơn là đồng tiền có thể bỏ ra cho con; không muốn vì tiền tài mà hi sinh con và chẳng mong gì hơn là tìm cho con được nơi vừa đôi phải lứa để cho cuộc đời con luôn luôn giữ được thanh danh, được êm ả và vui vẻ, với lại,...
Ác-pa-gông: Không của hồi môn.
Va-le-rơ: Đúng thế; không của hồi môn, lí lẽ ấy đủ bịt mồm thiên hạ. Cái lí lẽ như thế, ai còn cưỡng lại cho nổi.
Ác-pa-gông (nhìn ra ngoài vườn, nói một mình): Úi chà! Hình như có tiếng chó sủa. Có kẻ muốn lấy trộm tiền của mình chăng? (Nói với Va-le-rơ) Đừng đi đâu, tao vào ngay nhá. (Vào).
[...]
Va-le-rơ: Phải rồi, trên thế gian này, tiền là quý hơn hết; được sinh vào cửa ông đây, thật là phúc trời dành cho cô. Ông hiểu rõ sống là phải như thế nào: khi đã có nơi tự nguyện không đòi của hồi môn, thì không còn được mong ước gì hơn nữa. Đấy, tất cả là ở đấy. Việc không đòi của hồi môn thay thế cho sắc đẹp, cho tuổi trẻ, cho dòng dõi, cho danh dự, cho sự khôn ngoan, cho lòng chính trực.
Ác-pa-gông: À, thằng bé giỏi! Nói chẳng khác gì lời sấm truyền(2). Được thằng người nhà như thế kể cũng sướng đời.
(Đỗ Đức Hiểu dịch, giới thiệu và chú thích, "Lão hà tiện" hài kịch của Mô-li-e-rơ, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1964, tr.26-30)
(1) Hồi môn: tài sản của người con gái khi lấy chồng đem theo về nhà chồng.
(2) Lời sấm truyền: lời dự báo của người có khả năng đặc biệt về các sự kiện lớn trong tương lai mà ai cũng tin là đúng.
Câu 1. Nêu tình huống kịch trong văn bản.
Câu 2. Chỉ ra một lời độc thoại có trong văn bản.
Câu 3. Chỉ ra và làm rõ mục đích giao tiếp của Va-le-rơ được thể hiện qua những lời thoại của anh chàng.
Câu 4. Việc lặp lại chi tiết "Không của hồi môn" trong lời thoại của nhân vật Ác-pa-gông đem lại hiệu quả nghệ thuật gì?
Câu 5. Nội dung của văn bản là gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Tình huống kịch: Ác-pa-gông ép gả con gái cho một lão quý tộc chính cống già, giàu có, góa vợ, không con chỉ vì lợi ích là không bị đòi hỏi của hồi môn.
Câu 2.
- Lời độc thoại trong văn bản: "Úi chà! Hình như có tiếng chó sủa. Có kẻ muốn lấy trộm tiền của mình chăng?".
Câu 3.
Mục đích giao tiếp của Va-le-rơ được thể hiện qua lời thoại của anh:
- Thuyết phục Ác-pa-gông từ bỏ ý định gả con gái. Để thực hiện ý định này, anh đã chỉ ra và phân tích rất nhiều lí do: cưới ngay thì hấp tấp, ít ra phải khoan khoan xem tính tình cô cháu có hợp không; việc cưới xin là việc trọng đại, liên quan đến việc đời người sướng hay khổ nên cần phải thận trọng; phải xem người con gái có vừa lòng không vì tuổi tác giữa hai người quá xa;...
- Bảo vệ tình yêu của anh và E-li-dơ: Va-le-dơ cố gắng thuyết phục Ác-pa-gông từ bỏ ý định ép gả con gái là để bảo vệ tình yêu của hai người. Chỉ cần Ác-pa-gông đồng ý, anh sẽ có cơ hội để công khai tình cảm của mình và E-li-dơ.
Câu 4.
Việc lặp lại chi tiết "Không của hồi môn" trong lời thoại của nhân vật Ác-pa-gông đem lại những hiệu quả nghệ thuật sau:
- Nhấn mạnh tính keo kiệt, bủn xỉn, ích kỉ, bất chấp tất cả vì đồng tiền của Ác-pa-gông.
- Tạo nên tiếng cười châm biếm, đả kích dành cho nhân vật Ác-pa-gông; phê phán sự lên ngôi, thống trị của đồng tiền trong xã hội lúc bấy giờ.
Câu 5.
Nội dung của văn bản: thông qua văn bản Lão hà tiện, Mô-li-e đã xây dựng thành công hình tượng một người cha keo kiệt, bủn xỉn, ích kỉ, hẹp hòi, vì tiền mà bất chấp tất cả dẫu đó là tương lai, hạnh phúc của con mình. Từ nhân vật này, Mô-li-e trực tiếp vạch trần bộ mặt thật của xã hội mà đồng tiền lên ngôi và lên tiếng phê phán, tố cáo xã hội lạnh lẽo, đầy toan tính ấy.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Ác-pa-gông trong văn bản Lão hà tiện.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về quan điểm: "Tri thức là con mắt của đam mê và có thể trở thành hoa tiêu của tâm hồn." (Benjamin Franklin).
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích nhân vật Ác-pa-gông trong văn bản Lão hà tiện.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Là một người vô cùng keo kiệt, tích cóp bằng cách cho vay nặng lãi và dè sẻn trong chi tiêu.
+ Là người đa nghi, luôn cảnh giác với mọi người vì sợ họ sẽ ăn cắp tiền của hắn.
+ Là một người cha nhưng không nghĩ cho hạnh phúc, tương lai của con gái mình mà bất chấp tất cả, ép gả con cho quý tộc già giàu có, góa vợ, không con chỉ vì người đó sẽ không đòi hỏi của hồi môn.
+ Nhận xét: Mô-li-e đã dùng thủ pháp trào phúng để khắc họa một người cha đáng chê trách, qua đó vạch trần bộ mặt thối nát của xã hội đồng tiền lên ngôi, xóa mờ đi giá trị của những mối quan hệ thiêng liêng, tốt đẹp.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: bày tỏ ý kiến của anh/chị về quan điểm: "Tri thức là con mắt của đam mê và có thể trở thành hoa tiêu của tâm hồn." (Benjamin Franklin).
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Tri thức cho chúng ta "con mắt" để xác định và lựa chọn niềm đam mê cho bản thân. Tuy nhiên, khi sống với đam mê, chúng ta dễ bị cảm xúc chi phối mà trở nên mù quáng. Do đó, tri thức sẽ giúp ta xác định đâu là niềm đam mê chân chính, xứng đáng để theo đuổi, đâu là niềm đam mê phù hợp để ta biết cân nhắc, điều chỉnh.
+ Tri thức là "hoa tiêu" giúp chúng ta xác định con đường để tiến đến đam mê, bồi dưỡng tâm hồn. Việc chinh phục đam mê, bồi dưỡng tâm hồn cần rất nhiều thời gian và tâm huyết bởi trên con đường ấy, chúng ta sẽ gặp phải không ít khó khăn. Tri thức sẽ giúp chúng ta tìm ra được nguyên nhân, giải pháp; cho chúng ta niềm tin và sự kiên trì để tiếp tục cuộc hành trình theo đuổi đam mê.
+ Tri thức và đam mê là hai trong nhiều yếu tố làm nên vẻ đẹp của tâm hồn con người. Do đó, trong cuộc sống chúng ta cần tránh độc tôn: chỉ quan tâm đến tri thức mà nguội tắt đam mê, chỉ theo đuổi đam mê mà bỏ quên việc bồi đắp tri thức.
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.