Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 3 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
TÔI KÉO XE
Tóm tắt phần trước: Tác giả - nhân vật "tôi" - là một nhà báo, vào vai một người thất nghiệp đi xin việc, gia nhập vào đội phu kéo xe ở Hà Nội để có những trải nghiệm chân thực về công việc này, phục vụ cho việc viết bài.
Cái cuốc(1) từ Đồn Thuỷ lên Yên Phụ.
Phía sau chiếc xe bị xô mạnh, tôi cũng văng mình đi. Ngẩng nhìn lên, ánh cây đèn giữa phố đã rọi sáng xuống vỉa hè một con đường vắng tanh vắng ngắt.
Trước mắt tôi, lù lù một người đứng.
Chẳng kịp để tôi dụi mắt, người ấy đã nhảy lên xe, gieo mạnh đít xuống nệm, rồi nện gót giày xuống sàn xe, mà thét:
- A-lê! Đi mao leen(2)!
Tôi tất tả chụp nón vào đầu, nâng cao càng gỗ hí hoáy quay xe ra đường. Tại sao tôi lại chịu kéo người? Thật lúc đó, chính tôi, tôi cũng không biết. Máu trong người tôi, bấy giờ hình như luân chuyển hăng lăm. Cắm cổ đưa hai khuỷu tay lên khỏi lưng như hai chiếc càng châu chấu rồi xoạc chân bước, bước thứ nhất, tôi tưởng chừng như có thể nuốt nổi được một lúc, mấy dặm đường.
Nhưng sự thật nó khác hẳn với bụng nghĩ của mình. Chạy đến bước thứ ba, tôi đã thấy như mất hết thịt ở hai gót chân, chỉ còn trơ có cái xương nhói buốt. Người tôi, vốn mập. Cái bụng bấy giờ, tôi thấy như chảy xệ thêm ra mà đưa lủng lẳng như bụng lợn dưới cái khung xương sườn.
- Mao leen! A-lê, mao leen!
Mỗi cái gót giày nện vào sàn xe như đánh thẳng lên gáy tôi cho gục xuống. Chân tôi, ngày thường vẫn đi chữ bát(3) lúc ấy hình như đi vòng kiềng(4). Ruột thì như vặn từ dưới rốn đưa lên, cổ thì nóng như cái ống gang, đưa hơi lửa ra không kịp. Ì ạch mãi, rồi tôi cũng tha được ông khách của tôi đến đầu Cầu Đất... Miệng thở, mũi thở, rồi đến cả tai cũng thở, mồ hôi thì toát ra như mồ hôi trõ. Rồi tôi thấy tôi không phải là người nữa, chỉ là một cái... nồi sốt de(5).
Từ Cột Đồng Hồ trở đi, bước chân tôi chạy đã thuần, nhưng miệng tôi vẫn há hốc ra mà thở. Cũng như hai bánh cao su tuy vẫn quay vòng trên đường nhựa mà chiếc xe thì cứ bập bềnh như muốn đưa tôi lên khỏi mặt đất, hay dúi tôi ngã khuỵu xuống rãnh hè.
Ai chẳng bảo tôi đã khiến nổi hai tay xe. Tôi thì tôi bảo: làm thân người phu xe tay là tự nguyện cúi đầu dưới quyền sai khiến của hai cánh tay gỗ!
Ngồi nghĩ ngợi lan man sau khi đã mặc bộ quần áo phu xe, nghe người ta mắng chửi, chịu người ta đánh đòn, tôi lại sực nhớ đến một ông già tôi gặp khoảng ba năm trước.
- Kéo xe đôi, - bạn tôi với tôi - ông già chạy chậm.
Bạn tôi gắt:
- Chạy nhanh lên chứ, khéo khỉ lắm!
Ông già vừa thở vừa đáp:
- Các thầy có kéo xe như tôi, các thầy mới biết!
Bạn tôi nhảy xuống xe toan đánh thằng xe hỗn, nếu tôi không tốt can...
Chuyện ấy, đã ba năm.
Bây giờ, chắc ông già ấy đã chết.
Mà làm nghề này, sống lâu làm sao được? Chạy suốt ngày. Ăn không đủ. Tấm thân lại dầm mưa dãi nắng...
Người ta nói:
- Quả ở xứ nóng, quả chín sớm.
Tôi bảo:
- Người làm cu-li xe kéo, người chết non!
(Tam Lang, trích Tôi kéo xe)
Chú thích:
(1) Cuốc (cuốc xe): một lượt chạy xe hoặc một chuyến kéo xe.
(2) Đi mao leen: ý nói đi nhanh, gấp.
(3) Chữ bát: khi đi hai đầu bàn chân hướng ra, hai gót chân hướng sát vào nhau, trông giống hình chữ bát.
(4) Vòng kiềng: khi đi, chân cong hình chữ O.
(5) Nồi sốt de: nồi hơi.
Câu 1. Xác định thể loại của văn bản.
Câu 2. Văn bản ghi chép về sự việc gì?
Câu 3. Xác định và phân tích tác dụng của những biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: "Ruột thì như vặn từ dưới rốn đưa lên, cổ thì nóng như cái ống gang, đưa hơi lửa ra không kịp.".
Câu 4. Chi tiết nào trong văn bản gây ấn tượng nhất với anh/chị? Vì sao?
Câu 5. Qua văn bản, tác giả thể hiện tình cảm, tư tưởng gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể loại: phóng sự.
Câu 2.
Văn bản ghi chép về sự việc: nhân vật "tôi" kéo một cuốc xe từ Đồn Thủy lên Yên Phụ, bộc lộ những cảm nghĩ của mình trong và sau khi kéo xe.
Câu 3.
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn là: so sánh, liệt kê.
- Tác dụng: diễn tả sâu sắc, chân thực cảm nhận mệt mỏi, đau đớn của nhân vật "tôi" khi kéo cuốc xe.
Câu 4.
HS có thể lựa chọn một chi tiết trong đoạn trích gây ấn tượng nhất đối với mình (có thể là chi tiết miêu tả những cảm giác, cảm xúc hoặc nói lên suy nghĩ của nhân vật "tôi" trong lúc kéo xe hoặc sau khi kéo xe) và đưa ra được lí giải hợp lí. Gợi ý: Em ấn tượng nhất với câu nói: "Người làm cu-li xe kéo, người chết non". Vì câu nói ấy gợi lên sự vất vả, nhọc nhằn của người làm nghề kéo xe. Họ không chỉ phải trải qua những nỗi đau đớn về thể xác mà còn cảm thấy tủi nhục do bị ức hiếp, coi thường. Những sự đọa đày về cả thể xác và tinh thần ấy có thể khiến họ "chết non". Câu nói ấy gián tiếp phản ánh thân phận bất hạnh của những người phu xe và những bất công, ngang trái trong xã hội đương thời.
Câu 5.
Qua văn bản, tác giả thể hiện sự cảm thương đối với những kiếp người bần cùng phải đem thân mình làm thân trâu ngựa để kiếm sống; đồng thời khẳng định nghề kéo xe là một "cái nhục chung" của xã hội, từ đó gián tiếp lên tiếng cần phải loại bỏ cái nghề này ra khỏi đời sống.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm sáng tỏ mong muốn của Tam Lang về nghề kéo xe chở người trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 qua văn bản Tôi kéo xe.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về ý nghĩa của sự nỗ lực trong cuộc sống.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: làm sáng tỏ mong muốn của Tam Lang về nghề kéo xe chở người thời Cách mạng tháng Tám năm 1945 qua văn bản Tôi kéo xe.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Những người làm nghề kéo xe chở người phải làm lụng rất vất vả, dãi dầu mưa nắng, phải chịu đựng sự giục giã, khinh thường, mắng mỏ của khách hàng. Thậm chí, họ còn bị đánh khi chẳng may làm khách hàng phật ý. Chính vì thế, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của họ cứ mòn dần đi theo năm tháng.
+ Qua phóng sự Tôi kéo xe, Tam Lang không chỉ thể hiện sự đồng cảm, thương xót cho những kiếp người nhỏ bé, đáng thương, lam lũ, vất vả và không nhận được sự tôn trọng trước Cách mạng tháng Tám; mà còn gián tiếp lên tiếng cần phải loại bỏ cái nghề này, góp phần cải tạo đời sống xã hội.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của sự nỗ lực trong cuộc sống.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Sự nỗ lực là yếu tố quan trọng, giúp con người hoàn thiện hơn về kỹ năng, phẩm chất; thúc đẩy con người vượt qua khó khăn và thử thách; giúp con người chinh phục được những ước mơ, tìm thấy chính mình trên đường đời;...
+ Sự nỗ lực của từng cá nhân góp phần vào sự phát triển chung của xã hội; tạo ra những giá trị tốt đẹp, thành tựu lớn cho cộng đồng;...
+ Để phát triển sự nỗ lực của bản thân, chúng ta cần: xác định mục tiêu cụ thể để tạo ra động lực; tự giác và kỷ luật để duy trì sự nỗ lực;...
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại ý nghĩa của sự hi sinh trong tình yêu và truyền tải thông điệp cá nhân.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.