Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 2 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
ÁO TẾT
Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho:
- Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho mà coi.
Nó nghĩ và nó muốn chia sẻ với con Bích, bạn nó.
Con Bích ở trong hẻm, nhà nó nghèo, má nó đi bán bắp nướng ngoài đầu hẻm, con bé Em thích con Bích vì nó hiền, với lại ngồi kế nhau từ lớp một tới lớp năm, làm sao mà không thân cho được. Hôm hai mươi sáu, học buổi cuối năm, hai đứa nôn Tết quá quá trời nên tính trước, nếu mùng một con bé Em đi về Ngoại thì mùng Hai hai đứa đi tới nhà cô giáo. Bây giờ con bé Em tính trong đầu, tới bữa đó chắc nhiều bạn nữa, cho nên nó sẽ mặc cái áo đầm mới thắt nơ, bâu viền kim tuyến cho tụi bạn lé con mắt luôn.
Con Bích đang ngồi nướng bắp thế cho má nó đi sách cặn cho heo. Bé Em muốn khoe liền nhưng bày đặt nói gièm:
- Còn mấy ngày nữa Tết rồi hen, mầy có đồ mới chưa?
- Có, má tao đưa vải cho cô Ba thợ cắt rồi, má tao nói gần Tết đồ nhiều, dồn đống, chắc tới hai mươi tám mới lấy được.
- Vậy mầy được mấy bộ?
- Có một bộ hà.
Con bé Em trợn mắt:
- Ít quá vậy?
- Con Út Mót với Con Út Hết được hai bộ. Tao lớn rồi, nhường cho tụi nó.
- Vậy à?
Bé Em mất hứng hẳn, nó lựng khựng nửa muốn khoe, nửa muốn không.
Nhưng rõ ràng là con Bích không quên nó:
- Còn mầy?
- Bốn bộ. Má tao mua cho đủ mặc từ mùng Một tới mùng Bốn, bữa nào cũng mặc đồ mới hết trơn. Trong đó có bộ đầm hồng nổi lắm, hết sẩy luôn.
- Mầy sướng rồi.
Con Bích nói xong vẫn cười nhưng mắt nó xịu xuống, buồn hẳn. Nhà nó nghèo, sao bì được với nhà con bé Em. Hồi nhỏ nó chuyên mặc áo con trai của anh Hai nó để lại. Áo nó thì chuyền cho mấy đứa em, tới con Út Hết là đồ đã cũ mèm, mỏng tang, kéo nhẹ cũng rách. Được cái mấy chị em nó biết thân, lo học chớ không so đo chuyện cũ mới, má nó nói hoài, “Nhà mình nghèo quá hà, ráng vài năm nữa, khá giả rồi má sắm cho”. Con bé Em nhìn con Bích lom lom rồi cúi xuống, trở trở trái bắp nướng:
- Bộ đồ mầy may chắc đẹp lắm, bữa mùng Hai mầy mặc bộ đó đi nhà cô hen?
Rồi tới mùng một, mùng hai, bé Em lại rủ con Bích đi chơi. Hai đứa mặc đồ hơi giống nhau, chỉ khác là con Bích mặc áo trắng bâu sen, con bé Em thì mặc áo thun có in hình mèo bự. Cô giáo tụi nó khen:
- Coi hai đứa lớn hết trơn rồi, cao nhòng.
Hai đứa cười. Lúc đó con bé Em nghĩ thầm, mình mà mặc bộ đầm hồng, thế nào cũng mất vui. Bạn bè phải vậy chớ. Đứa mặc áo đẹp, đứa mặc áo xấu coi gì được, vậy sao coi là bạn thân. Nhưng Bích lại nghĩ khác, bé Em thương bạn như vậy, tốt như vậy, CÓ MẶC ÁO GÌ BÍCH VẪN QUÝ BÉ EM. THIỆT ĐÓ.
(Nguyễn Ngọc Tư, theo isach.info)
Câu 1. Xác định thể loại của văn bản.
Câu 2. Xác định đề tài của văn bản.
Câu 3. Nhận xét về cốt truyện của văn bản.
Câu 4. Chi tiết nào là chi tiết tiêu biểu nhất của văn bản? Vì sao?
Câu 5. Nội dung của văn bản này là gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể loại: truyện ngắn.
Câu 2.
Đề tài: tình bạn.
Câu 3.
- HS chỉ ra được đặc điểm của cốt truyện: các sự kiện diễn ra theo trình tự thời gian tuyến tính có tác dụng giúp cho người đọc dễ dàng nắm bắt được mạch truyện. Không những vậy, cốt truyện đơn giản còn góp phần làm nổi bật nội dung truyện và tình bạn hai nhân vật chính trong truyện.
Câu 4.
- HS xác định được chi tiết tiêu biểu nhất trong văn bản và đưa ra lí giải hợp lí, logic.
- Chi tiết tiêu biểu nhất trong văn bản là chi tiết bé Em không mặc bộ đầm hồng khi tới thăm cô giáo với Bích vì em đồng cảm với hoàn cảnh của Bích, em không muốn bạn buồn bã, mặc cảm, tự ti vì không được bằng bạn bằng bè. Do đó, bé Em đã chọn một bộ trang phục giản dị hơn.
Câu 5.
Nội dung: Truyện ngắn Áo tết đã khắc họa một tình bạn trong sáng, chân thành và rất đáng quý giữa bé Em và bé Bích. Đặc biệt, truyện ngợi ca những phẩm chất đáng quý ở hai cô bé: lòng đồng cảm và sự chân thành.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) nhận xét, đánh giá về tình bạn của Bích và bé Em được thể hiện qua sự đan xen điểm nhìn trần thuật trong văn bản Áo tết.
Câu 2. (4 điểm)
Mahatma Gandhi từng nói: Tài nguyên thiên nhiên không phải là di sản của tổ tiên chúng ta, mà là sự vay mượn từ các thế hệ tương lai. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên đối với cuộc sống của con người, từ đó đề xuất những biện pháp khắc phục hiệu quả, hợp lí.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: nhận xét, đánh giá về tình bạn của Bích và bé Em được thể hiện qua sự đan xen điểm nhìn trần thuật trong văn bản Áo tết.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Khái quát về hoàn cảnh của bé Bích và bé Em.
+ Sự đan xen về điểm nhìn trần thuận được thể hiện rõ nét qua sự lưỡng lự của bé Em khi muốn khoe đồ tết với bạn, qua suy nghĩ của bé Em và bé Bích về đối phương ở đoạn văn kết thúc truyện.
+ Tác dụng của việc đan xen điểm nhìn: tạo ra những góc nhìn khác nhau thể hiện những cách nghĩ riêng về đối phương, về tình bạn của bé Bích và bé Em, góp phần làm sâu sắc hơn nội dung, ý nghĩa của văn bản.
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên đối với cuộc sống của con người, từ đó đề xuất những biện pháp khắc phục hiệu quả, hợp lí.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của chúng ta hiện nay: đất đai là tài nguyên cho ta lương thực; khoáng sản, dầu mỏ, năng lượng hóa thạch,… là những tài nguyên cung cấp cho đời sống của chúng ta năng lượng để xây dựng, vận hành;… Từ đó, ta thấy được đời sống của con người phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên.
+ Thực trạng và hệ quả của việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên: nhiều thiên tai, bệnh dịch, khan hiếm hàng hóa, nghèo đói,…
+ Con người nên có cái nhìn “bình đẳng” với thiên nhiên để tìm ra những biện pháp khắc phục tình trạng cạn kiệt tài nguyên như hiện nay: bảo vệ môi trường, chống xói mòn, điều hòa khí hậu,…
* Khẳng định lại tầm quan trọng của tài nguyên thiên nhiên đối với đời sống của chúng ta.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.