Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 1 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
NHÀ NGHÈO
[…] Chị Duyện vốn có tật ở chân bên phải từ thuở lọt lòng. Không bước được ngay ngắn chị đi tập tõng, tập tõng như con vịt què. Ðã mang tật lại là con nhà nghèo, nên ngót ba mươi tuổi chị mới lấy chồng. Mà chồng cũng chẳng được ra hồn chồng. Anh Duyện nguyên là người ở đâu đến ngụ cư ở đấy. Ngụ cư đi làm mướn, chứ cũng chẳng danh giá gì, lại thêm lưng có cái bướu. Bướu đi thực ưỡn ngực mà nom vẫn như đeo thè lè chiếc nậm rượu giữa lưng. Khi anh gặp chị, thì đôi bên đã là cảnh xế muộn chợ chiều cả rồi, cũng dư dãi mà lấy nhau tự nhiên. Và họ sinh con đẻ cái với nhau cũng thực là dư dãi và tự nhiên. Hai năm một, ba năm đôi thắm thoát có mấy lứa mà đã ríu rít được những ba đứa. Con Gái, con bé đầu lòng. Rồi thằng Cường, thằng Chân. Ấy là bỏ mất hai đứa về sau, nếu không, còn lít nhít những năm đứa. Thêm ba miệng con ăn, cũng đã là khổ lắm rồi. Nhiều khi vợ chồng cãi nhau om sòm lên cũng chỉ vì vấn đề mấy đứa trẻ nhãi ăn không ngồi rồi đó. Con Gái nhớn, đã biết nhiều lần cha mẹ cãi nhau, nó khóc thút thít. Thằng Cẳng thì dắt thằng Chân, xúm lại xem. Chúng nó đứng tây ngây. Mắt nghếch lên, hai tay chắp ngoặt sau mông, ra điều nghe ngóng.
(Lược một đoạn: Mấy đứa trẻ đi chơi về, lại thấy bố mẹ cãi nhau to, chúng sợ hãi ôm díu lấy nhau mà khóc. Tiếng người vợ chua ngoa thách thức, tiếng đàn con khóc nỉ non, tiếng mấy con chó cắn inh ỏi, khiến anh Duyện tức tối vô vùng.)
Giậm hai chân bạch bạch, anh quát:
- Ông giết chết cả lũ! Ông giết chết cả lũ, rồi ông đâm cổ ông sau. Những của nợ kia, ông xử chúng mày trước, rồi đến con mẹ chúng mày.
Những của nợ khiếp vía, bíu nhau, chạy miết. Chị Duyện cũng lật đật trở dậy, ôm váy lạch đạch ra ngõ. Duyện quay vào bếp, tìm được con dao phay hồng hộc chạy ra, thì cái sân đã không còn ai. Anh quẳng con dao đánh “choeng” một tiếng xuống đất.
- Từ giờ đến chiều ông bắt được đứa nào thì ông giết chết tươi. Ối trời ôi! Chúng mày làm khổ ông! Ông mà đến nỗi thân tàn ma dại thế này, cũng vì chúng mày. Chứ một mình ông đâu đến nỗi.
(Lược một đoạn: Chị Duyện trốn ngoài ngõ, nheo nhéo đáp lại lời chửi của chồng. Anh Duyện bực quá, muốn đốt nhà. Nhưng anh chẳng có lửa để đốt vì hai năm nay, nhà anh không mua nổi một bao diêm. Cái Gái muốn nấu cơm, phải ra tận đầu xóm xin lửa. Anh Duyện toan đi xin lửa thì trời đổ cơn mưa lớn.)
[…] Mưa tạnh.
Bấy giờ khắp làng bày ra một cảnh lạ mắt. Ở các ngõ lố nhố chạy ra từng đám người. Ðàn ông thì cởi trần trùng trục, đánh chiếc khố đơn. Ðàn bà phong phanh cái yếm, đội sùm sụp chiếc nón. Còn trẻ con thì trần truồng như những viên đá cuội. Người ta chạy đổ xô ra các ngách cống, các bờ ruộng và các luống vườn. Ở tay mỗi người cầm một cái giỏ. Họ chen nhau, chạy tới tấp. […] Và người ta cũng kéo đi cả đàn cả lũ để bắt nhái và bắt chẫu.
Không hẹn, mà cha, con, chồng, vợ nhà Duyện cũng gặp nhau trong cái đám đông đi bắt nhái bắt chẫu này. Mưa tạnh, chị Duyện chẳng biết trú ở đâu xon xon chạy về lấy giỏ, thì chị đã thấy khuyết hai cái giỏ treo trên đầu bếp. Anh Duyện và cái Gái đi ra vườn rồi. Thằng Chân và thằng Cẳng đã được con bé nhốt cẩn thận vào gầm phản, bốn bề chắn gỗ kín đáo. Hai đứa trẻ loanh quanh cứ bò lấp ló như hai con chó con. Chị và bố chúng đi bắt nhái. Anh Duyện đã quên giận vợ, nghĩ đến bữa cơm chiều nhiều hơn. Bữa cơm mà cái thịt nhái nướng thơm phức, chấm với muối ớt, nhai giòn rau ráu, ngon tuyệt.
Chị Duyện cung cúc vác giỏ chạy. Người ta đã đổ ra nhiều quá không bắt mau, hết mất. Chị gặp chồng. Cái thằng phải gió đó chịu khó vồ nhái ra dáng. Mặt nó không sưng sỉa lên nữa. Ấy vậy mà lúc nãy nó đã hùng hổ định giết con, giết vợ và đốt nhà.
Chị Duyện gặp cái Gái. Nó giơ giỏ lên khoe với u. Cái giỏ đã được lưng lửng. Ở trong, nhái xô nhau oe oé. Con Gái nhe hai hàm răng sún đen xỉn, cười toét. Rồi nó lại vác giỏ xuống một vệ ao gần đấy. Trong khi mẹ nó tất tả đi ra miệt đầu đình.
Gái rón rén bước. Nó vạch xem từng ngọn cỏ. Những cây cỏ nước xanh om, vươn cao ngọn, lòa xòa cứa vào người, khiến nó ngứa ngáy khó chịu. Nhưng mỗi lần túm hoặc vồ được một chú nhái bẻ gẫy hai chân sau bỏ tót vào giỏ, thì nó lại cười tủm một mình. Nó lần theo vệ ao, khuất sau mấy rặng dứa dại lởm chởm. Nhái nhẩy lõm bõm xuống nước. Những chòm dứa xòe những cẳng tay gai góc ra xung quanh.
(Lược một đoạn: Cuộc bắt nhái đã vãn, ai về nhà nấy. Vợ chồng Duyện cũng đã về nhà nhưng chưa thấy cái Gái về. Chị Duyện liền bảo chồng đi tìm.)
Anh Duyện lội xuống bờ ao nhà ông cả Tràng, về phía có nhiều cây dứa dại, thì anh trông thấy cái Gái. Nhưng anh thấy cái Gái nằm gục trên cỏ, hai tay ôm khư khư cái giỏ nhái. Lưng nó trần xám ngắt. Chân tay nó co queo lại. Vừa lúc ấy, miệng nó ngoáp ngoáp mấy cái; đôi mắt lộn lòng trắng lên mấy lần rồi nhắm hẳn. Chân tay nó duỗi ra. Con bé giẫy chết rồi.
Người bố nhìn đứa con giẫy chết rú lên một tiếng quái gở. Tuy cuống lắm, nhưng anh cũng còn nhìn thấy ở ngay bên vệ ao trên lớp bùn phẳng mới nguyên một lối bò dài như cái sào lúa còn hằn lại.
Duyện cúi lay xác con bé. Anh nghĩ chợt rằng bấy lâu nó vào cửa vợ chồng anh, cực khổ trăm đường. Trong người nó có bao nhiêu xương sườn giơ hết cả ra. Thương ơi! Bây giờ nó bỏ nó đi. Hai hàng nước mắt nhỏ ròng ròng. Anh ghé vai, xốc con bé lên. Hai tay nó còn mềm hơi nóng. Nhưng hai chân đã cứng nhẵng. Anh cõng xác con, chạy về.
(Tô Hoài, theo isach.info)
Câu 1. Xác định thể loại của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Khi anh gặp chị, thì đôi bên đã là cảnh xế muộn chợ chiều cả rồi, cũng dư dãi mà lấy nhau tự nhiên.”.
Câu 4. Nội dung của văn bản này là gì?
Câu 5. Em ấn tượng với chi tiết nào nhất? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể loại: truyện ngắn.
Câu 2.
Phương thức biểu đạt chính: tự sự.
Câu 3.
- HS chỉ ra được biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: “Khi anh gặp chị, thì đôi bên đã là cảnh xế muộn chợ chiều cả rồi, cũng dư dãi mà lấy nhau tự nhiên.”: biện pháp tu từ ẩn dụ (được thể hiện qua cụm từ “cảnh xế muộn chợ chiều”).
- Tác dụng: “Cảnh xế muộn chợ chiều” là cảnh chợ khi tàn cuộc, không còn ồn ào, sôi nổi nữa. Tác giả sử dụng cụm từ này để:
+ Chỉ cảnh quá lứa lỡ thì của anh chị Duyện khi đến với nhau.
+ Giúp cho câu văn trở nên tế nhị, giàu sức gợi hình hơn.
+ Thể hiện sự cảm thương của tác giả dành cho những con người nhỏ bé, đáng thương, kém may mắn.
Câu 4.
Nội dung: Qua truyện ngắn Nhà nghèo, Tô Hoài đã tái hiện chân thực, sâu sắc hiện thực khốn khó của một gia đình nghèo. Trong đó, tác giả tập trung khắc họa cô bé Gái hiểu chuyện mà yểu mệnh. Qua đó, Tô Hoài thể hiện sự đồng cảm, xót thương cho những kiếp người bé mọn, bất hạnh và những đứa trẻ đáng thương.
Câu 5.
HS lựa chọn chi tiết mà các em ấn tượng nhất và đưa ra lí giải hợp lí. Gợi ý: Chi tiết em cảm thấy ấn tượng nhất là chi tiết bé Gái mất ở cuối truyện. Bởi chi tiết này khơi lên trong em nỗi buồn, sự cảm thương sâu sắc dành cho một cô bé ngoan ngoãn, hiểu chuyện mà yểu mệnh, đáng thương.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật bé Gái trong văn bản Nhà nghèo.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về ảnh hưởng của bạo lực gia đình tới sự phát triển của trẻ em hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích nhân vật bé Gái trong văn bản Nhà nghèo.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Khái quát về hoàn cảnh của bé Gái: sinh ra trong nghèo khó, cha mẹ đều có những dị tật trên cơ thể, cha mẹ hay cãi cọ, xích mích.
+ Sống trong hoàn cảnh ấy, bé Gái lại rất ngoan ngoãn, hiểu chuyện. Điều này được thể hiện qua những chi tiết: em cẩn thận rào các em dưới gầm phản để cùng bố đi bắt chẫu, bắt nhái sau cơn mưa; em cố gắng bắt thật nhiều (khi bắt được một con, em vui mừng, khi thấy mẹ em giơ lên khoe rồi em tách khỏi bố mẹ, lần theo vệ ao để bắt thêm nhái) vì em hiểu được hoàn cảnh của gia đình mình.
+ Kết cục của em Gái là bị rắn cắn chết. Ngay cả lúc sắp chết, em cũng ôm khư khư cái giỏ nhái, để bảo vệ thành quả của mình khỏi con rắn, để gia đình em có thêm miếng ăn.
+ Nhận xét, đánh giá về nhân vật: bé Gái là một cô bé gầy còm, nhỏ bé, đáng thương và bất hạnh.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ảnh hưởng của bạo lực gia đình tới sự phát triển của trẻ em hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Thực trạng: dù chúng ta đang sống trong một xã hội tiên tiến, văn minh nhưng vấn nạn bạo lực vẫn tồn tại.
+ Biểu hiện: bao gồm nhiều kiểu loại như bạo lực thể chất (đánh đập, hành hạ), bạo lực tinh thần (đe dọa, xúc phạm), bạo lực kinh tế (kiểm soát tài chính, cấm đoán sử dụng tiền bạc),…
+ Tác động: ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ em như khiến trẻ bị ám ảnh, sợ hãi, rối loạn lo âu, trầm cảm, mất tự tin, khó hòa nhập xã hội,…
+ Giải pháp: tích cực tuyên truyền, giáo dục để hạn chế những hành vi bạo lực trong mỗi gia đình; khuyến khích các hoạt động gắn kết gia đình; thành lập những tổ chức hành động vì trẻ em, phòng chống bạo lực, tham vấn tâm lý;…
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại những tác động tiêu cực của bạo lực gia đình tới sự phát triển của trẻ và kêu gọi hành động để ngăn chặn vấn nạn này trong bối cảnh xã hội hiện đại - thời đại mà con người dần mất đi những kết nối với gia đình.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.