Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo cuối học kì I - Đề số 9 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Đêm hè
Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn,
Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn.
Bối rối tình duyên cơn gió thoảng,
Nhạt nhèo quanh cảnh bóng trăng suông.
Khăn khăn, áo áo thêm rầy chuyện,
Bút bút, nghiên nghiên, khéo giở tuồng.
Ngủ quách sự đời thây kẻ thức,
Chùa đâu chú trọc đã hồi chuông.
(Thơ văn Trần Tế Xương, NXB Giáo dục, 1984)
Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ.
Câu 2. Chỉ ra những cảm xúc, tâm trạng được thể hiện trong bài thơ.
Câu 3. Dòng thơ đầu: Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn, đã gợi lên cho em những cảm nhận, suy nghĩ gì?
Câu 4. Phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ hai dòng thơ: Khăn khăn, áo áo thêm rầy chuyện,/ Bút bút, nghiên nghiên, khéo giở tuồng.
Câu 5. Qua bài thơ, Tú Xương hiện lên với vẻ đẹp nào?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ của bài thơ: Thất ngôn bát cú.
Câu 2.
Những cảm xúc, tâm trạng được thể hiện trong bài thơ: Nỗi buồn, nỗi bực dọc và nỗi đau đớn.
Câu 3.
Dòng thơ đầu: Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn, đã gợi lên cho em những cảm nhận, suy nghĩ:
- Thoạt đầu, người đọc có thể cảm thấy dòng thơ này là một dòng thơ rất đỗi bình thường khi miêu tả một đêm hè yên ả.
- Sự xuất hiện của hai từ ngữ phủ định không và chẳng trong bối cảnh đêm hè gợi lên một không gian oi bức, kéo dài hết đêm này sang đêm khác, không có một chút thay đổi hay tia hi vọng nào cho sự mát mẻ, dễ chịu; qua đó nó gợi lên một cảm giác thật ngột ngạt, bức bối và rất khó chịu.
Câu 4.
- Tác giả đã kết hợp sử dụng biện pháp điệp từ và liệt kê trong hai dòng thơ.
- Tác dụng: Nhấn mạnh nỗi bực tức với chính mình của thi sĩ: Trong bối cảnh thời đại rối ren, thói đời nhố nhăng đang ngự trị, nhân dân phải chịu cảnh mất nước, nhưng thi sĩ lại không thể làm gì để thay đổi thời thế. Chính vì vậy, thi sĩ mới bực tức về sự vô tích sự của chính mình với chính mình, gia đình, đại cục và đất nước.
Câu 5.
Qua bài thơ, Tú Xương hiện lên với vẻ đẹp cao quý về tâm hồn và nhân cách: Nỗi lo đời, ý thức trách nhiệm trước cuộc đời. (HS dựa vào nội dung bài thơ và kinh nghiệm sống để phân tích, làm rõ thêm.)
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tâm trạng của Tú Xương trong bài thơ Đêm hè.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) thuyết phục các bạn trẻ từ bỏ thói quen ăn uống không lành mạnh.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích tâm trạng của Tú Xương trong bài thơ Đêm hè.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Nội dung của bài thơ xoay quanh ba dòng tâm trạng chính: Nỗi buồn, nỗi bực tức và nỗi đau.
++ Nỗi buồn: Cái oi bức của không gian đêm hè kéo dài khiến Tú Xương thêm buồn bực. Nỗi buồn ấy không xuất phát từ ngoại cảnh mà khởi phát tự trong lòng thi sĩ: Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn. Một nỗi buồn lặng, buồn lâu, buồn dai dẳng, đêm này qua đêm khác: Đêm nảo đêm nao, buồn đến nẫu, đến nhão cả người ra.
++ Nỗi bực tức: Nỗi buồn bực này bắt nguồn từ nỗi bối rối tình duyên. Ở đây, tình duyên không phải là cái tình của cá nhân đối với cá nhân, mà là cái tình của cá nhân đối với quê hương, đất nước. và vì thế, nỗi buồn của Tú Xương là nỗi buồn thời thế. Ông buồn bực đến độ phải đay nghiến, đay đi, láy lại sự rườm rà, lỉnh kỉnh những khăn khăn, áo áo, bút bút, nghiên nghiên. Ông bực vì mình quá vô tích sự với gia đình, đại cục, đất nước. Nỗi bực tức ở đây mang theo cả nỗi bất lực: Trong bối cảnh xã hội rối ren, nhân dân đang chịu nỗi mất nước, thói ô trọc ngự trị trong xã hội, mà Tú Xương lại không thể làm gì để thay đổi thời thế.
++ Nỗi đau: Ôm nỗi buồn bực, Tú Xương đã tự mỉa mai mình về cái vô tích sự của chính mình. Ồng đau vì nỗi nhận thức được những gì đang diễn ra nhưng lại phải chấp nhận việc bản thân không thể làm được điều gì để thay đổi nó. Đó là một tâm sự thời thế, một nỗi đau khôn xiết của một tấm lòng gắn bó với vận mệnh đất nước, nhân dân.
+ Nhận xét:
++ Về nội dung: Bài thơ thể hiện một vẻ đẹp cao quý về tâm hồn và nhân cách của Tú Xương: Nỗi lo đời, ý thức trách nhiệm trước cuộc đời.
++ Về nghệ thuật: Ngôn ngữ thơ giản dị, tự nhiên, giàu tính khẩu ngữ: Đêm nảo đêm nao, nhạt nhẽo, rầy chuyện, giở tuồng,...
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thuyết phục các bạn trẻ từ bỏ thói quen ăn uống không lành mạnh.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Thực trạng: Ngày càng nhiều các bạn trẻ có thói quen ăn uống không lành mạnh. (HS tìm số liệu, dẫn chứng để bài viết thêm sâu sắc.)
+ Biểu hiện:
++ Thường xuyên ăn khuya.
++ Ăn nhiều đồ chiên, rán, đồ ngọt.
++ Uống nhiều đồ uống có chứa chất kích thích.
+ Nguyên nhân:
++ Không có hiểu biết về những nguy cơ bệnh tật từ việc ăn uống không lành mạnh.
++ Sự cố chấp cá nhân - biết mà vẫn ăn.
++ Áp lực, căng thẳng, mệt mỏi dễ khiến ta ăn uống mất kiểm soát hoặc khiến ta thèm/ muốn sử dụng đồ uống chứa chất kích thích: Rượu, bia, cà phê,...
+ Giải pháp:
++ Có ý thức tìm hiểu về việc ăn uống lành mạnh, thay đổi bản thân để có cách ăn uống lành mạnh, khoa học hơn.
++ Tập thể dục hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh, giảm áp lực, căng thẳng.
++ Tích cực tuyên truyền, phổ cập để lan tỏa lối sống lành mạnh.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.