Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo cuối học kì I - Đề số 9 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Có phải người châu Á là tổ tiên của người châu Úc?
Lục địa châu Úc là một hòn đảo lớn với bốn mặt giáp biển, khi nhà hàng hải châu Âu đầu tiên phát hiện ra nó thì đã có rất nhiều thổ dân sống ở đây. Họ bé nhỏ hơn rất nhiều so với những người da trắng, họ có làn da màu nâu đen, tóc màu đen, họ sống cuộc sống nguyên thủy dựa vào đi săn và hái lượm. Cùng với sự khai thác lục địa châu Úc, đã có một số lượng lớn người di cư đến đây, số lượng người thổ dân ngày càng giảm đi và hiện nay khó có thể tìm ra tung tích của họ. Vì vậy họ đã để lại cho chúng ta một câu đố mãi mãi không có lời giải đáp: Tổ tiên của những người thổ dân đó là ai? Lẽ nào họ có nguồn gốc ở trên hòn đảo lẻ loi này sao?
Tổ tiên của người thổ dân châu Úc là người châu Á.
Ban đầu, dựa vào đặc điểm hình dáng bên ngoài và phương thức sống của những người thổ dân châu Úc, mọi người phán đoán rằng chắc họ là một tộc người cổ xưa cũng có nguồn gốc độc lập, tự hình thành hệ thống giống như những tộc người khác ở trên đất liền. Nhưng cùng với những phát hiện không ngừng của các nhà khảo cổ học, một số những dấu tích được tìm thấy ở trong lòng đất khiến mọi người bắt đầu có những nghi ngờ về những quan điểm trước đây, trong đó có một quan điểm mới như sau: Tổ tiên của người thổ dân châu Úc đó đến từ châu Á.
Quan hệ giữa lục địa châu Úc và lục địa châu Á.
Bốn mươi nghìn năm trước, mực nước biển xung quanh châu Úc thấp hơn hai trăm mét so với hiện nay, lúc đó, một số hòn đảo ở phía Bắc châu Úc lộ ra và nối liền với châu Á. Những người đi biển đã đi qua rất nhiều hòn đảo nhỏ, cuối cùng đến được lục địa châu Úc và bắt đầu cuộc sống mới. Chỉ đến khi sống ở đó sau hai mươi nghìn năm, mực nước biển dâng lên, châu Úc và lục địa châu Á mới không còn liên hệ gì nữa. Cuộc sống canh nông của người châu Á cũng không có cách nào để đi thuyền sang châu Úc, cho nên người dân châu Úc vẫn phải sống cuộc sống săn bắt và hái lượm như thời nguyên thủy. Do đó, tổ tiên của người châu Úc chính là người châu Á. Quan điểm này cũng có một số khảo cổ để chứng minh, nhưng không đủ tính xác thực tỉ mỉ hoàn toàn. Tuy nhiên, có một người đưa ra những nghi ngờ về việc người châu Á là tổ tiên của người châu Úc. Họ cho rằng: Đặc trưng hình dáng bên ngoài của người châu Úc và người châu Á có những điểm khác biệt lớn, nói họ có quan hệ cội nguồn là không đáng tin. Những điểm khác biệt này là kết quả biến dị gen di truyền của loài người mấy chục nghìn năm trở lại đây hay sao?
Ảnh: Thổ dân châu Úc
Thật đáng tiếc, sau khi những kẻ thực dân giẫm gót sắt của mình lên mảnh đất này, di dân của các nước cũng không ngừng đến nơi đây, sự xâm nhập và ngấm dần nền văn minh hiện đại đã làm cho những người thổ dân nơi đây không những giảm mạnh về số lượng mà những thói quen trước đây của họ cũng dần dần thay đổi. Vì thế, muốn làm sáng tỏ lịch sử của những người thổ dân là một vấn đề rất khó. Có lẽ chúng ta vĩnh viễn cũng không thể có cơ hội làm rõ tổ tiên của những người thổ dân này rốt cục là ai. Cũng giống như loài người từ trước đến nay vẫn còn nằm trong vòng tìm hiểu nghiên cứu nguồn gốc, thì đối với tổ tiên của người châu Úc cũng sẽ vẫn là một vấn đề tranh luận không dứt, mãi mãi là một câu đố lớn không có lời giải đáp.
(Trích Những bí ẩn trên thế giới chưa được giải đáp, Nguyễn Văn Huân, NXB Dân trí, 2018)
Câu 1. Văn bản trên thuộc kiểu văn bản nào?
Câu 2. Chỉ ra những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.
Câu 3. Mục đích của tác giả qua bài viết này là gì?
Câu 4. Chỉ ra và phân tích tác dụng của phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản.
Câu 5. Nhận xét, đánh giá cách trình bày thông tin và quan điểm của tác giả qua văn bản.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Kiểu văn bản: Văn bản thông tin (văn bản thông tin tổng hợp).
Câu 2.
Những phương thức biểu đạt được sử dụng: Thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.
Câu 3.
– HS xác định được mục đích của tác giả qua văn bản:
+ Cung cấp thông tin cho bạn đọc về người thổ dân châu Úc.
+ Đưa ra những quan điểm khách quan về nguồn gốc của người dân châu Úc để bàn luận và bày tỏ quan điểm cá nhân.
Câu 4.
– HS chỉ ra phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản: Hình minh họa cho người thổ dân châu Úc và kiểu chữ in đậm (ở các đề mục).
– HS phân tích tác dụng của phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ:
+ Giúp văn bản thêm sinh động, hấp dẫn.
+ Giúp bạn đọc có cái nhìn trực quan hơn về đối tượng được nói đến.
Câu 5.
– HS chỉ ra được cách trình bày thông tin của tác giả và quan điểm riêng của tác giả về đối tượng:
+ Cách trình bày thông tin đa phần là theo trình tự thời gian.
+ Quan điểm riêng về đối tượng: Thật đáng tiếc, sau khi những kẻ thực dân giẫm gót sắt của mình lên mảnh đất này, di dân của các nước cũng không ngừng đến nơi đây, sự xâm nhập và ngấm dần nền văn minh hiện đại đã làm cho những người thổ dân nơi đây không những giảm mạnh về số lượng mà những thói quen trước đây của họ cũng dần dần thay đổi. Muốn làm sáng tỏ lịch sử của những người thổ dân là một vấn đề rất khó. Có lẽ chúng ta vĩnh viễn cũng không thể có cơ hội làm rõ tổ tiên của những người thổ dân này rốt cục là ai.
– HS nhận xét về cách trình bày thông tin và quan điểm của tác giả:
+ Cách đưa thông tin theo trình tự thời gian giúp người đọc dễ dàng theo dõi, nắm bắt được những sự kiện/ thông tin được nhắc đến.
+ Sau những thông tin được đưa ra, tác giả đã trực tiếp bày tỏ thái độ, cảm xúc tiếc nuối của mình về sự thật rằng việc xác định nguồn gốc thực sự của người thổ dân châu Úc là việc rất khó khăn vì sự can thiệp của những yếu tố khách quan trong dòng chảy lịch sử của nhân loại.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bàn về tầm quan trọng của việc gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ sau:
Mời trầu
Quả câu nho nhỏ miếng trầu hôi,
Này của Xuân Hương mới quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.
- Hồ Xuân Hương -
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tầm quan trọng của việc gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Giải thích từ khóa: Giá trị truyền thống là những giá trị văn hóa, đạo đức và tinh thần đã được hình thành và lưu truyền qua nhiều thế hệ trong một cộng đồng hoặc dân tộc. Những giá trị này thường được công nhận và bảo tồn qua nhiều thế kỉ, góp phần tạo nên bản sắc riêng của mỗi dân tộc.
+ Thực trạng: Ngày nay, nhiều người vì lối sống sính ngoại, tư duy thiển cận (khi cho rằng những nét đẹp truyền thống của dân tộc là những gì lạc hậu, cổ hủ) mà đã đánh mất dần những giá trị truyền thống của dân tộc. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc.
+ Nguyên nhân: Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, khoa học làm cho các thế hệ ngày càng mất đi sự gắn kết (mà cách lưu truyền những giá trị truyền thống hiệu quả nhất là việc truyền lại giữa các thế hệ trong một gia đình/ dòng họ/ địa phương…); xu hướng toàn cầu hóa khiến các bạn trẻ dễ bị hòa tan trong sự giao thoa giữa các nền văn hóa.
+ Hệ quả: Những giá trị truyền thống của dân tộc dần bị mai một theo năm tháng; bản sắc văn hóa của dân tộc ngày càng mờ nhạt, mất đi bản sắc riêng.
+ Giải pháp:
++ Mỗi cá nhân cần có ý thức gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc; cần tích cực tham gia vào các hoạt động truyền bá những giá trị đó.
++ Nhà trường, xã hội cần tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa tái hiện những nét đẹp truyền thống để HS có cơ hội trải nghiệm trực tiếp, nhằm giúp cho các em thêm hiểu, thêm yêu và có ý thức gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Mời trầu của Hồ Xuân Hương.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Về nội dung:
+ Lời mời trầu mở đầu một cách tự nhiên, trên cơ sở tiếp thu không nguyên mẫu văn học dân gian. Câu thơ của bà gợi đến câu ca dao cổ: Quả câu nho nhỏ/ Cái vỏ vân vân/ Nay anh học gần/ Mai anh học xa… Ở đây, cụm quả cau nho nhỏ là cách nói khiêm tốn, ý nhị của người phụ nữ trong ca dao mà Hồ Xuân Hương tiếp thu. Quả cau nhỏ lại đi kèm với miếng trầu hôi (trầu không ngon) tạo nên một hình ảnh đa nghĩa: Nghĩa thứ nhất nói về quả cau nhỏ mọn, bình thường, kém thơm ngon. Nghĩa thứ hai nói về người mời trầu: Thân phận bình thường, thậm chí nghèo hèn, có phần hẩm hiu.
+ Lời mời trầu dù khiêm tốn nhưng vẫn thể hiện sự chủ động của Hồ Xuân Hương: Này của Xuân Hương mới quệt rồi. Đặc biệt là từ quệt vừa cho thấy sự chủ động, vừa thể hiện sự tự nhiên, chân thật mà vẫn rất nữ tính của nữ sĩ.
+ Tính cách người mời trầu được thể hiện rõ nét ở câu thơ thứ hai: Xuân Hương tự xưng tên mình quả là điều mới mẻ trong văn học. Cách tự xưng này của Hồ Xuân Hương có tác dụng thể hiện sự tế nhị, dễ thương, sự tự ý thức mà vẫn khiêm nhường, cởi mở của nữ sĩ.
+ Hai câu thơ ba và bốn cũng mang tính đa nghĩa: Nghĩa thứ nhất nói về việc ăn trầu: Vôi trắng, trầu xanh quyện với nhau thành màu đỏ thắm. Nghĩa thứ hai nói về tình yêu đôi lứa: Nếu phải duyên thì “thắm lại” trong một mối quan hệ tốt đẹp, hạnh phúc giữa hai người, còn nếu không phải duyên thì cũng đừng bội bạc, cạn tình.
=> Lời nhắn nhủ của Hồ Xuân Hương chứa đựng hai nội dung cảm xúc: Khát vọng một tình yêu thủy chung; dự cảm về một tương lai bấp bênh, không bền vững. Qua đó, ta cũng thấy được cá tính của Hồ Xuân Hương: Đòi hỏi trong tình yêu phải thủy chung, đồng thời lên án thói bạc tình.
– Về nghệ thuật: Tác giả đã có sự tiếp thu và kế thừa những chất liệu của văn học dân gian:
+ Những hình ảnh của văn học dân gian: Quả cau, miếng trầu.
+ Đề tài của văn học dân gian: Mời trầu.
+ Thành ngữ: xanh như lá, bạc như vôi.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.