Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo cuối học kì I - Đề số 4 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Chiều tàn hút gió cheo leo,
Hồn oan vất vưởng núi đèo lang thang.
Chằn tinh gặp lại đại bàng,
Cả hai cùng có chung mang mối thù.
Bàn nhau kiếm cách trả thù,
Cốt đem tội đổ lên đầu Thạch Sanh.
Vượt qua mấy lớp quân canh,
Vào cung lấy trộm gây thành án oan.
Bạc vàng châu báu đem mang,
Bỏ vào lều nhỏ của chàng Thạch Sanh.
Tội thời tang vật rành rành,
Lý Thông chủ toạ án hình chém ngay.
Giam vào trong ngục đợi ngày,
Thạch Sanh oan uổng giãi bày không xong.
Buồn đâu xâm chiếm cõi lòng,
Đàn buông dây có dây không khẽ khàng.
“Đàn kêu tích tịch tình tang,
Ai đưa công chúa lên hang mà về?”
Tiếng đàn như tỉnh như mê,
Giọng đàn ai oán não nề xót xa.
Tiếng vang đến tận cao xa,
Đến tai công chúa cách ba quãng đường.
Trong lòng chợt nhớ chợt thương,
Chợt đau chợt khổ vấn vương bồi hồi.
Tự dưng lại thốt thành lời,
Xin vua cha được gặp người rung tơ.
Nửa lòng như tỉnh như mơ,
Nửa lòng đang rối như tơ ương vò.
Làm sao nên cảnh bất ngờ,
Anh hùng nhận án tử chờ khai đao.
Thạch Sanh thưa chuyện trước sau,
Chằn tinh giết trước, tiếp sau đại bàng.
Cứu nàng công chúa khỏi hang,
Hàm oan nghiệp chướng mới mang tội này.
Nhà vua nghe hết tấu bày,
Cảm thương công chúa đêm ngày nhớ mong.
Ban truyền phò mã sắc phong,
Ngày lành tháng tốt kết phòng se hoa.
Lý Thông tội nặng chớ tha,
Giao cho phò mã luận ra tội thành.
Lý Thông mặt xám mắt xanh,
Mọp ngay dưới điện cổ đành chờ đao.
Nghênh ngang có được lúc nào,
Kề dao vô cổ khác nào bún thiu.
Tham lam gây ác đủ nhiều,
Chờ nghe luận tội phách siêu hồn rời.
Sanh rằng tội rõ ràng rồi,
Chiếu theo phép nước ắt thời không tha.
Nghĩ tình còn có mẹ già,
Tha cho về lại quê nhà tu thân.
Lý Thông chắc chết mười phần,
Được ban tha bổng thất thần tạ ơn.
Dập đầu máu đổ trên sân,
Dắt ngay tay mẹ lên đường về quê.
Ác nhân trời bỏ đời chê,
Giữa đường sét đánh tức thì thiệt thân.
(Thạch Sanh, Lý Thông, Duong Thanh Bach)
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.
Câu 3. Tóm tắt văn bản bằng những sự kiện chính và cho biết văn bản thuộc mô hình cốt truyện nào?
Câu 4. Phân tích tác dụng của một chi tiết kì ảo trong văn bản.
Câu 5. So sánh văn bản với truyện cổ tích Thạch Sanh, hãy chỉ ra những điểm giống và khác nhau cơ bản trong hai văn bản.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ: Lục bát.
Câu 2.
Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: Biểu cảm, tự sự và miêu tả.
Câu 3.
- Những sự kiện chính của văn bản:
+ Thạch Sanh bị hồn chằn tinh và đại bàng tinh vu oan nên bị bắt giam vào ngục.
+ Tiếng đàn của Thạch Sanh đến tai công chúa, giúp chàng có cơ hội nói rõ mọi sự thật. Chàng được phong làm phò mã.
+ Thạch Sanh tha thứ cho Lý Thông nhưng trên đường về quê mẹ con Lý Thông vẫn bị sét đánh.
- Mô hình cốt truyện: Nhân quả.
Câu 4.
- HS chỉ ra một chi tiết kì ảo trong văn bản và phân tích tác dụng của chi tiết kì ảo đó.
- Ví dụ: Hồn chằn tinh và đại bàng tinh vu oan cho Thạch Sanh. Chi tiết này không chỉ thể hiện một cách sinh động tai họa xảy đến với Thạch Sanh mà còn giúp cho văn bản thêm đặc sắc, hấp dẫn bạn đọc.
Câu 5.
So sánh văn bản với truyện cổ tích Thạch Sanh, ta có thể rút ra một số điểm giống và khác giữa văn bản này là:
- Giống về nội dung:
++ Đều bao gồm những sự kiện chính, chi tiết đặc sắc trong tác phẩm.
++ Đều kết hợp sử dụng nhiều phương thức biểu đạt.
- Khác về hình thức:
+ Văn bản thơ:
++ Sử dụng thể thơ lục bát, có cách ngắt nhịp, gieo vần linh hoạt.
++ Xuất hiện nhiều yếu tố biểu cảm, đan xen với yếu tố tự sự.
+ Văn bản truyện:
++ Có hình thức là văn xuôi, có sự xuất hiện của người kể chuyện.
++ Yếu tố tự sự là chủ yếu trong toàn bộ văn bản.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bàn về việc sống chậm trong xã hội hiện đại.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Về nội dung:
++ Cốt truyện: Văn bản tái hiện lại sự việc Thạch Sanh bị vu oan, được phong làm phò mã và tha bổng cho mẹ con Lý Thông.
++ Nhân vật: Thạch Sanh và Lý Thông đều được miêu tả chi tiết trong bối cảnh cụ thể và những sự kiện cụ thể. (HS tự chỉ ra những chi tiết khắc họa nhân vật trong văn bản thơ để phân tích kĩ hơn.)
+ Về nghệ thuật:
++ Yếu tố tự sự trong thơ trữ tình: Tập trung khắc họa, thể hiện cảm xúc của nhân vật: Buồn đâu xâm chiếm cõi lòng, Giọng đàn ai oán não nề xót xa, chợt nhớ chợt thương, cảm thương,...
++ Đoạn trích sử dụng thể thơ lục bát với cách ngắt nhịp, gieo vần linh hoạt giúp người đọc dễ hiểu, dễ nhớ.
++ Có sự xuất hiện của yếu tố hoang đường kì ảo góp phần làm tăng sức hấp dẫn cho văn bản.
=> Nhận xét: Dù so với văn bản gốc, hình thức hai văn bản có sự khác biệt rõ ràng, song văn bản vẫn truyền tải được bài học đạo đức cùng quan niệm ngàn đời "ở hiền gặp lành" của nhân dân ta. Điều này cho thấy tài năng, sự khéo léo của tác giả.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Bàn về việc sống chậm trong xã hội hiện đại.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Giải thích từ khóa: Sống chậm là lối sống có nhịp sống chậm rãi hơn so với nhịp sống hối hả, xô bồ của xã hội hiện đại. Bản chất của nó là việc mà chúng ta biết tận hưởng từng khoảnh khắc, biết sống trọn vẹn từng phút giây trong cuộc đời.
+ Biểu hiện:
++ Ta biết yêu bản thân hơn, biết dành thời gian để chăm sóc bản thân, nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần.
++ Ta biết sống chậm lại trong một khoảnh khắc để ngắm nhìn vẻ đẹp của thế giới quanh ta, để từ đó ta thêm yêu, thêm trân trọng cuộc sống.
+ Thực trạng: Ngày càng có nhiều người thực hành việc sống chậm trong bối cảnh xã hội hiện đại xô bồ, nhiều áp lực.
+ Nguyên nhân: Guồng quay cuộc sống nhiều áp lực khiến cho nhiều người cảm thấy mệt mỏi, kiệt quệ cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
+ Bàn luận: Xã hội hiện nay ưa chuộng cái nhanh: Đi ăn muốn nhanh được phục vụ món, mua hàng trên mạng thì muốn nhanh nhận được hàng,... Dẫu biết rằng, trong nhiều trường hợp sự nhanh chóng sẽ đem đến những lợi ích, hiệu quả tốt. Nhưng chuộng cái nhanh quá sẽ khiến chính chúng ta cảm thấy cuộc sống ngày càng trôi đi một cách vô nghĩa, thấy chính mình sống một cách uổng phí.
+ Ý nghĩa của việc sống chậm:
++ Giúp tâm hồn ta thư thái, nâng cao sức khỏe.
++ Giúp ta có thời gian để tự nhìn nhận, đánh giá và hoàn thiện chính mình.
++ Giúp ta tỉnh táo hơn, hạn chế được sự tác động của những yếu tố tiêu cực trong cuộc sống.
+ Giải pháp:
++ Phân chia thời gian hợp lý.
++ Tìm kiếm những hoạt động thú vị để trải nghiệm.
++ Học cách lắng nghe và yêu thương bản thân mình hơn.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.