Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo cuối học kì I - Đề số 3 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Kiến trúc hoàng cung qua các phát hiện khảo cổ học tại
Hoàng thành Thăng Long
Kiến trúc hoàng cung Thăng Long là đỉnh cao của nền kiến trúc đương thời, không chỉ có quy mô to lớn, nhiều tầng mái mà trang trí rất nguy nga tráng lệ. Sử cũ viết cung điện “chạm trổ, trang sức khéo léo, công trình thổ mộc đẹp đẽ, xưa chưa từng có” (Việt sử lược) hay “Nhà/ cung điện đều sơn son, cột vẽ hình long, hạc, tiên nữ” ("Quế hải ngu hành chí"(1), Phạm Thành Đạt). Song, để hình dung được vẻ đẹp đó là diều không đơn giản.
Thăng Long có vị trí đắc địa, nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, là đất thiêng hội tụ những tinh hoa của đất nước và khu vực. Tại đây, từ năm 1010, các triều đại Lý, Trần, Lê nối tiếp nhau quy hoạch, xây dựng cung điện, lầu gác làm nơi thiết triều, nơi làm việc và sinh hoạt của Hoàng đế, Hoàng gia và Triều đình. Tuy nhiên, những hiểu biết về kiến trúc hoàng cung thời Lý - Trần và thậm chí thời Lê còn hết sức hạn chế, do hiện nay ở Việt Nam không còn lưu giữ được một công trình cung điện nào cùng thời. Điều đó cũng đồng nghĩa, kiến trúc cung điện hoàng cung Thăng Long vẫn còn là bí ẩn của lịch sử kiến trúc Việt Nam.
Dưới lòng đất khu di sản Hoàng thành Thăng Long, kết quả khai quật khảo cổ học từ năm 2002 - 2017, đã xác định được một quần thể nền móng kiến trúc Đại La. Nét truyền thống dễ nhận thấy trong kiến trúc cổ truyền người Việt là cột hiên nằm rất gần với cấp nền(2) nên phần mái hiên của kiến trúc nhô ra không nhiều. Trong đó, nền móng kiến trúc giai đoạn Thăng Long được làm rất kiên cố và bền vững, bộ vì(3) đặt trực tiếp trên chân tảng đá chạm hoa sen để đỡ mái.
Hình 1: Tượng đầu rồng trang trí nóc mái, thời Lý
Hình 2: Tượng đầu sư tử trang trí bờ dải, thời Lý
Hình 3: Lan can đá chạm rồng, thời Lý
Hình 4: Chân tảng đá hoa sen đặt trên móng cột, thời Lý
Hình 5: Gạch vuông lát nền, thời Lý
Hình 6: Tượng đầu chim phượng trang trí trên mái, thời Lý
Theo GS Ueno (Nhật Bản) “kiến trúc cung điện thời Lý có thể đã sử dụng đấu củng(4) nhưng hiện tượng phần hiên không nhô ra nhiều cho thấy đấu củng thời Lý thuộc loại đơn giản”. Tuy nhiên, cũng không loại trừ thời Lý - Trần đã sử dụng kết cấu vì nóc kiểu giá chiêng giống như ở chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Dâu (Bắc Ninh) và Bối Khê (Hà Nội). Đây là những kiến trúc còn bảo lưu được ít nhiều phong cách cuối thời Trần.
Vật liệu kiến trúc cũng rất đa dạng, phong phú, mái cung điện lợp ngói âm - dương và ngói phẳng, góc mái, đầu nóc trang trí các loại tượng tròn đất nung hình rồng, phượng, sư tử. Vẻ đẹp thực sự của kiến trúc được phô diễn bởi các loại ngói lợp, người xưa gọi bằng các mỹ từ như: “kim ngõa - ngói men vàng”, “ngân ngõa - ngói men bạc, “bích ngõa - ngói men xanh”, “uyên ngõa - ngói uyên ương” và “liên ngõa - ngói sen”. Vẻ đẹp đó còn là cảm hứng của văn học, thi ca; bia Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh(5) (năm 1125) viết “mái hiên bay cao như cánh chim, ngói xếp như bày vảy cá” hay “ngói sen ngàn lớp tựa vẩy cá, sương sớm giọt giọt ngỡ hạt châu” (Thiệu Long tự bi minh(6), 1226), hình ảnh Xi Vẫn(7) - tượng chim phượng trang trí trên mái soi ngược xuống mặt nước được thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334) viết trong bài thơ chùa Diên Hựu “In ngược hình chim, gương nước lạnh”. Thời Trần kế thừa và đã sáng tạo loại ngói sen lợp mái, mang lại sắc thái riêng cho kiến trúc đương thời.
Hình 7: Minh họa cách lợp ngói rồng thời Lê sơ, thế kỷ XV-XVI
Hình 8: Ngói dương men xanh lợp diềm mái, thời Lê Sơ, thế kỷ XV
Hình 9: Ngói âm men xanh lợp diềm mái, thời Lê Sơ thế kỷ XV
Hình 10: Ngói Rồng men vàng lợp mái cung điện, thời Lê Sơ, thế kỷ XV
Đến thời Lê, kiến trúc cung điện Thăng Long đã có nhiều thay đổi do ảnh hưởng lớn từ hệ tư tưởng nho giáo nhưng vẻ đẹp và sự hoa mỹ thì càng được nâng cao. Nếu ai đó được một lần nhìn thấy loại “ngói rồng” tráng men xanh, men vàng phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long thì sẽ hiểu được kiến trúc cung điện đẹp đến nhường nào. Lý Tiên Căn (sứ giả nhà Thanh) viết về kiến trúc cung điện thời Lê như sau: “chỉ có nhà vua mới được lợp ngói màu vàng, quan và dân lợp bằng cỏ” (trích An Nam tạp ký). Đánh giá về kiến trúc cung điện Thăng Long, PGS.TS Tống Trung Tín bày tỏ: “Phải còn rất lâu nữa chúng ta mới hiểu được kiến trúc hoàng cung Thăng Long.” bởi những khám phá của khảo cổ học mới chỉ là bước đầu làm phát lộ di tích di vật. Quá trình nghiên cứu chắc chắn còn phải kéo dài và rất khó khăn trong bối cảnh thiếu thốn nguồn tư liệu đương thời để so sánh, ví dụ như: tên gọi các cung điện, bộ khung gỗ, chưa kể đến trang trí nội thất bên trong các cung điện đó.
Hình 11: Phối cảnh tưởng tượng về mặt bằng kiến trúc cung điện thời Lý tại khu khảo cổ học
18 Hoàng Diệu, Hà Nội
Qua khám phá của khảo cổ học và thư tịch cổ có thể thấy kiến trúc cung điện, lầu gác tại hoàng cung Thăng Long đều là kiến trúc có bộ khung gỗ, mái lợp ngói, trang trí nội ngoại thất rất công phu và tráng lệ, chứng tỏ trình độ kỹ thuật, mỹ thuật và trình độ quy hoạch xây dựng đô thành đã rất phát triển dưới thời Lý, Trần, Lê tạo cho Thăng Long vị thế xứng đáng là quốc đô qua nhiều triều đại, trải dài lịch sử 779 năm (1010 - 1789). Những thành tựu nhiều mặt đó phản ánh sự kết tinh, giao thoa và tiếp biến văn hóa(8) của Thăng Long với các vùng văn hóa trong nước cũng như các nền văn minh trong khu vực. Đó cũng là một trong những giá trị nổi bật toàn cầu của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long mà UNESCO đã ghi danh là di sản thế giới năm 2010.
(TS. Trần Thế Anh, Ths. Đỗ Đức Tuệ, Ths. Nguyễn Hồng Quang, bài đăng trên tạp chí Kiến trúc số 10 - 2018)
Chú thích:
(1) Quế hải ngu hành chí: Tập bút kí cho Phạm Thành Đại (1126 - 1193) thời Tống biên soạn. Phạm Thành Đại từng giữ chức trưởng quan của Quảng Nam Tây lộ - đầu mối thông tin giữa nhà Tống và Đại Việt.
(2) Cấp nền: Cầu nối đi lại phía trước ngôi nhà, là vị trí nối liền giữa sân và nhà, là nơi kết nối giao thông các hoạt động sống trong và ngoài của căn nhà.
(3) Bộ vì: Một bộ phận thuộc mái nhà có nhiệm vụ chống đỡ, kết nối hệ mái với những bộ phận khác để làm tăng độ kiên cố, vững chắc cho hệ mái. Đồng thời nó cũng giúp nâng cao giá trị thẩm mĩ cho ngôi nhà.
(4) Đấu củng: Một loại kết cấu mái theo kĩ thuật chồng tường (các loại gối đỡ mái dạng dầm gỗ hộp để đỡ hoành mái, được đặt chồng lên nhau). Nó không chỉ có tác dụng mở rộng diện tích hiên nhà, tăng khả năng chịu lực mà còn đóng vai trò như một chi tiết để tô điểm, trang trí.
(5) Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh (Bia chùa Hương Nghiêm trên núi Càn Ni): Văn bia được khắc ở chùa Hương Nghiêm, thôn Diên Hào, huyện Lôi Dương nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Văn bia không ghi người soạn nhưng theo khảo cứu của Hoàng Xuân Hãn thì tác giả bài văn bia này có thể là nhà sư Hải Chiếu.
(6) Thiệu Long tự bi (Bia chùa Thiệu Long): Văn bia được khắc ở chùa Thiệu Long, xã Tam Hiệp, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Bia này được khắc năm Bính Tuất (1226), năm đầu của nhà Trần.
(7) Xi Vẫn: Một trong những đứa con của rồng. Theo truyền thuyết kể lại, rồng sinh ra chín đứa con nhưng không còn nào trở thành rồng cả. Chín con của rồng được gọi bằng những cái tên khác nhau là Bị Hí, Xi Vẫn, Bồ Lao, Bệ Ngạn, Thao Thiết, Công Phúc,… Xi Vẫn là con thứ hai, mang hình dáng đầu rồng đuôi cá.
(8) Tiếp biến văn hóa: Quá trình thay đổi văn hóa và thay đổi tâm lí sau cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa.
Câu 1. Chủ đề của văn bản là gì?
Câu 2. Thông tin trong văn bản được triển khai theo trật tự nào?
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: Vẻ đẹp thực sự của kiến trúc được phô diễn bởi các loại ngói lợp, người xưa gọi bằng các mỹ từ như: “kim ngõa - ngói men vàng”, “ngân ngõa - ngói men bạc, “bích ngõa - ngói men xanh”, “uyên ngõa - ngói uyên ương” và “liên ngõa - ngói sen”.
Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản.
Câu 5. Em ấn tượng với thông tin nào trong văn bản? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Chủ đề: Kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long.
Câu 2.
Thông tin trong văn bản được triển khai theo trật tự ý chính và nội dung chi tiết.
Câu 3.
- HS chỉ ra biện pháp tu từ trong câu văn: Liệt kê.
- Tác dụng:
+ Thể hiện sự phong phú đa dạng của các vật liệu xây dựng hoàng cung.
+ Khẳng định vẻ đẹp của vật liệu ngói, được thể hiện ngay từ tên gọi.
+ Thể hiện sự tinh tế, cầu kì trong kiến trúc hoàng cung.
Câu 4.
- HS chỉ ra các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ:
+ Hình 1 đến hình 10.
+ Sơ đồ (hình 11).
- HS phân tích tác dụng của các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ:
+ Minh họa, giúp người đọc hình dung cụ thể về họa tiết trang trí, cách lợp ngói, cách phối cảnh mặt bằng kiến trúc cung điện,… trong kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long.
+ Bổ sung thông tin, giúp các thông tin được trình bày ở trên trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.
Câu 5.
HS trình bày ấn tượng về một thông tin được nêu và làm rõ trong văn bản, chỉ ra lí do dựa vào văn bản và cảm nhận của bản thân. Ví dụ: Ấn tượng với thông tin về sự đa dạng của các loại ngói lợp trong cung. Sự đa dạng này khiến em thấy được sự cầu kỉ, tỉ mỉ, tinh tế trong kiến trúc hoàng cung.
Câu 1. (2 điểm)
Từ những gợi ý trong văn bản trên, hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bàn về lợi ích của việc giao lưu và tiếp biến văn hóa trong bối cảnh hiện nay.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích trích đoạn truyện thơ Nôm Thạch Sanh(1) sau đây:
Đàn kêu nghe tiếng nên xinh,
Đàn kêu tang tịch tình tinh tang tình.
Đàn kêu: Ai chém trăn tinh,
Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang?
Đàn kêu: Ai chém xà vương,
Đem nàng công chúa triều đường về đây?
Đàn kêu: Hỡi Lý Thông mày
Có sao phụ nghĩa lại rày vong ân?
Đàn kêu: Sao ở bất nhân,
Biết ăn quả lại quên ân người giồng?
Đàn kêu năn nỉ trong lòng,
Tiếng ti tiếng trúc đều cùng như ru.
[…] Đàn kêu thấu đến cung phi,
Trách nàng công chúa vậy thì sai ngoa.
(Trích theo Kho tàng truyện Nôm khuyết danh, Tập 2, NXB Văn học, Hà Nội, 2000, tr.1989 - 1993)
Chú thích:
(1) Thạch Sanh: Truyện thơ Nôm, ra đời vào khoảng cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, dựa trên truyện cổ tích thần kì Thạch Sanh.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Bàn về lợi ích của việc giao lưu và tiếp biến văn hóa trong bối cảnh hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Làm rõ vấn đề nghị luận: Nội dung của văn bản gợi ra vấn đề giao lưu, tiếp biến văn hóa như thế nào? Thế nào là giao lưu và tiếp biến văn hóa? Bối cảnh hiện nay có ảnh hưởng như thế nào đến việc giao lưu và tiếp biến văn hóa?
+ Nêu quan điểm của bản thân về lợi ích của giao lưu và tiếp biến văn hóa trong bối cảnh hiện nay:
++ Giúp lan tỏa các giá trị truyền thống.
++ Góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa, tạo cơ hội cho sự giao thoa văn hóa giữa các quốc gia trên thế giới, kích thích sự tăng trưởng về kinh tế, xã hội,…
+ HS dựa vào vốn sống của bản thân để rút ra bài học về cách phát triển văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, sao cho vẫn đảm bảo được việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích trích đoạn truyện thơ Nôm Thạch Sanh.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Về nội dung:
++ Tiếng đàn vạch tội Lý Thông thông qua việc liệt kê liên tiếp những sự việc mà Thạch Sanh đã trải qua: Chém trăn tinh, trừ họa cho dân, cứu Lý Thông một mạng; chém xà vương cứu công chúa. Tiếng đàn có tác dụng vạch mặt, luận tội Lý Thông: Lừa gạt anh em, chiếm đoạt công lao, vong ơn bội nghĩa, giả dối, ích kỉ,… Đó đều là những tội ác đi ngược lại với truyền thống đạo đức quý báu của dân tộc ta.
++ Tiếng đàn là lời trách móc thay Thạch Sanh nhắn nhủ đến công chúa. Tiếng đàn gợi lại lời hứa hẹn của công chúa khi được Thạch Sanh cứu dưới hang sâu: Xin được kết tóc xe tơ, kết duyên đôi lứa. Thế mà giờ đây, qua lời quân lính, Thạch Sanh mới biết công chúa sắp kết duyên với Lí Thông. Vì thế, tiếng đàn của chàng mới nỉ non, trách móc,…
=> Ứng với những đối tượng khác nhau, tiếng đàn lại mang có những cung bậc riêng biệt: Đanh thép, mạnh mẽ khi luận tội Lý Thông; nỉ non, trách móc khi gợi lại ở công chúa Quỳnh Nga lời thề nguyện.
=> Qua tiếng đàn của Thạch Sanh, nhân dân ta thể hiện rất rõ tinh thần phê phán, thái độ đấu tranh mạnh mẽ đối với cái ác; tinh thần ngợi ca, ủng hộ cái thiện; khẳng định quan niệm ngàn đời của dân tộc: Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.
+ Về nghệ thuật: Tiếng đàn được khắc họa thông qua một số biện pháp nghệ thuật như lặp cấu trúc, phép đối, câu hỏi tu từ,…; lời của người kể chuyện trong đoạn này đã hòa vào cảm xúc, tâm trạng của nhân vật, khắc họa thêm phương diện cảm xúc bên trong của Thạch Sanh.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.