Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo cuối học kì I - Đề số 3 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
15.11.1971
Thằng Mỹ, nó là cái gì mà mơ hồ như thế? Đi bộ đội, mình cảm thấy hơi mông lung trong việc nhìn nhận kẻ thù. Hố bom còn toác ra ở trên đồi. Và cảnh làng xóm tiêu điều, bị tàn phá ngày 29.2.1968, ta đâu có quên. Mặt mũi thằng Mỹ thế nào. Hẳn đó cũng là khuôn mặt người bị bóp méo xộc xệch. Hẳn đó là bộ mặt nhăn nhúm trước ánh sáng mặt trời.
Đêm ấy, thật đau lòng. Hồi chiều, bị ném 40 quả bom. Điện bị đứt lung tung. Làng xóm chìm trong tang tóc và bóng đêm. Ở ngay trước ngõ là một bát hương hiu hiu khói. Anh Phúc bị bom tiện đứt cả chân tay, nằm trong chiếc quan tài đỏ, ngọn đuốc nứa thổi phừng phừng, cái xe bò lăn lộc cộc… Sao giống “chiếc quan tài” như thế.
Không, suốt đời ta không quên, ta không quên cảnh em bé miền Nam đập tay lên vũng máu. Dưới tay em lẽ ra là chậu nước trong mát - cái biển mênh mông của tuổi thơ hồn nhiên, nhí nhảnh… Thằng Mỹ, nó thế nào? Trời ơi, sao lâu quá. Bây giờ cái khao khát nhất của ta - cái day dứt trong ta là khi nào được vào miền Nam, vào Huế, Sài Gòn - xọc lê vào thỏi tim đen đủi của quân thù.
Ta ngồi đây, thanh bình như thế. Nhưng ở cuối trời Tổ quốc, bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc đang đổ máu, đang giập gẫy từng khúc xương, đang bị kẻ thù đày đọa và các đồng chí của ta, anh Giải phóng quân kiên cường đang nín thở đợi giờ xung trận, đang đói rét và đau nhói vết thương, trên một cánh rừng già.
Vậy mà, lại đến giờ đi ngủ. Những cơn gió liu riu trên cành tre đưa ta vào cơn mơ - Ta lại trở về với cái ngõ nhỏ của mình… Lạc lõng ư? Có lẽ nào!
Ta biết giấu mặt vào đâu, vào gấu quần hay gấu áo, khi đường Trường Sơn không có dấu chân ta? Khi cả cuộc đời ta chưa có cái niềm vui mãnh liệt của người chiến thắng, cắm cờ Tổ quốc trên cả nước thân yêu.
Phạm Tiến Duật, Triệu Bôn… Các anh đêm nay ở đâu trên Tổ quốc? Các anh có viết những bài thơ, những truyện ngắn vào giờ này? Ôi, những nhà thơ, nhà văn - chiến sỹ, ta gặp nhau trên cùng một ước mơ làm nhiều cho Tổ quốc. Chúng ta có mặt trên trận tuyến ác liệt nhất, khi đất nước đánh thù, có gì tự hào hơn nữa.
Ta bỗng nhớ câu thơ của Hồng Chính Hiền:
“Thương nhau, thương nhau nên hóa gần nhau
Nghe cả tiếng hiệp đồng qua hơi thở…”
Các anh có nghe tiếng tôi? Tiếng của đứa trẻ bước chập chững vào đời với bao thôi thúc, bao niềm tin, hy vọng?
(Nguyễn Văn Thạc, Mãi mãi tuổi hai mươi)
Câu 1. Xác định thể loại của văn bản.
Câu 2. Chỉ ra những dấu hiệu của tính phi hư cấu được thể hiện qua văn bản.
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: Không, suốt đời ta không quên, ta không quên cảnh em bé miền Nam đập tay lên vũng máu.
Câu 4. Trình bày hiệu quả của việc kết hợp các phương thức biểu đạt trong văn bản.
Câu 5. Anh/chị có suy nghĩ gì, cảm xúc gì sau khi đọc đoạn trích? Chi tiết nào để lại ấn tượng đặc biệt cho anh/chị? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể loại: Nhật kí.
Câu 2.
Đặc trưng của nhật kí là tính phi hư cấu - được thể hiện qua những dấu hiệu cụ thể sau:
- Thời gian cụ thể, rõ ràng: 15.11.1971, 29.2.1968.
- Tên người cụ thể: Anh Phúc, Phạm Tiến Duật, Triệu Bôn.
- Tên địa danh, vùng miền cụ thể: Trường Sơn, miền Nam, Huế, Sài Gòn.
Câu 3.
- HS chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng: Phép điệp/ phép lặp. Cụ thể:
+ Lặp từ: không.
+ Lặp cấu trúc: ta không quên.
- HS phân tích tác dụng của phép lặp: Dùng cái phủ định để:
+ Khẳng định lời thề của nhân vật rằng sẽ không bao giờ quên đi cảnh tượng đầy ám ảnh đó.
+ Nhấn mạnh lòng căm thù giặc - những kẻ cướp nước, gây nên cảnh tang tóc cho nhân dân Việt Nam của người viết.
Câu 4.
- HS xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: Tự sự, miêu tả, biểu cảm. Cụ thể:
+ Tự sự: Đoạn kể lại cảnh làng xóm bị dội bom, cả làng chìm trong cảnh tang thương.
+ Miêu tả: Xuất hiện trong các chi tiết nhỏ, đan xen trong văn bản. Chẳng hạn như: Hố bom con toác ra ở trên đồi.; cảnh làng xóm tiêu điều, bị tàn phá ngày 19.2.1968; ngọn đuốc nứa thổi phừng phừng;...
+ Biểu cảm: Được thể hiện đan xen, xuất hiện nhiều nhất trong văn bản: Thằng Mỹ, nó là cái gì mà mơ hồ như thế?; Đi bộ đội, mình cảm thấy hơi mông lung trong việc nhìn nhận kẻ thù.; Đêm ấy, thật đau lòng.;...
- HS phân tích hiệu quả hiệu quả của việc kết hợp các phương thức biểu đạt trong văn bản:
+ Giúp cho sự việc hiện lên cụ thể, sinh động.
+ Thể hiện sâu sắc thái độ, suy nghĩ, tình cảm, đánh giá của người viết.
Câu 5.
- HS tự do nêu suy nghĩ và cảm xúc của bản thân sau khi đọc văn bản. Ví dụ: Trân trọng, cảm phục lí tưởng, khát vọng cống hiến cho đất nước của chàng thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Văn Thạc trong thời kì kháng chiến chống Mỹ đầy gian lao.
- HS tự do bày tỏ về chi tiết để lại ấn tượng đối với bản thân và đưa ra lí giải hợp lí.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) so sánh, đánh giá trên phương diện nội dung giữa đoạn trích ở phần Đọc hiểu với trích đoạn dưới đây:
Thêm một tuổi đời, vậy là cái tuổi ba mươi đâu còn xa nữa. Vài năm nữa thôi mình sẽ trở thành một chị cán bộ già dặn, đứng đắn. Nghĩ đến đó mình thoáng thấy buồn. Tuổi xuân của mình đã qua đi trong lửa khói, chiến tranh đã cướp mất hạnh phúc trong tình yêu và tuổi trẻ. Ai lại không tha thiết với mùa xuân, ai lại không muốn cái sáng ngời trong đôi mắt và trên đôi môi căng mọng khi cuộc đời còn ở tuổi hai mươi? Nhưng... tuổi hai mươi của thời đại này đã phải dẹp lại những ước mơ hạnh phúc mà lẽ ra họ phải có... Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là Độc lập, Tự do của đất nước. Từ ước mơ đó mới có được những gì gọi là của riêng mình. Mình cũng như những thanh niên khác đã lên đường ra tiền tuyến, và tuổi trẻ qua đi giữa tiếng bom rơi đạn nổ. Tuổi trẻ của mình đã thấm đượm mồ hôi, nước mắt, máu xương của những người đang sống và những người đã chết. Tuổi trẻ của mình đã cứng cáp trong thử thách gian lao của chiến trường, tuổi trẻ của mình cũng đã nóng rực vì ngọn lửa căm thù đang ngày đêm hun đốt.
(Đặng Thùy Trâm, Nhật kí Đặng Thùy Trâm)
Câu 2. (4 điểm)
"Hội chứng Ếch luộc" là một cụm từ được dùng để chỉ sự chìm đắm trong cuộc sống ổn định qua ngày, mải mê hưởng thụ sự an nhàn mà quên đi việc phát triển bản thân. Là một người trẻ, anh/chị sẽ lựa chọn lối sống an nhàn, ổn định hay luôn sẵn sàng thay đổi môi trường sống để phát triển bản thân?
Hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề trên.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: So sánh, đánh giá trên phương diện nội dung giữa đoạn trích trong Mãi mãi tuổi hai mươi với Nhật kí Đặng Thùy Trâm.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Giống nhau: Người viết đều là những chàng trai, cô gái trẻ với nhiệt huyết căng tràn cùng lòng căm thù giặc sâu sắc, quyết tâm đấu tranh vì sự nghiệp của dân tộc.
+ Khác nhau:
++ Nhật kí Đặng Thùy Trâm: Đoạn nhật kí ghi lại cảm nhận của nữ bác sĩ nhân dịp sinh nhật tuổi 28 trong khói lửa chiến tranh. Là một cô gái trẻ, nữ bác sĩ cũng khát khao được yêu đương khi thời xuân sắc. Nhưng trước bối cảnh của thời đại, chị biết hi sinh những nhu cầu của bản thân, để nhường vị trí cho khát vọng cao nhất cho ước mơ đánh thắng quân thù.
++ Mãi mãi tuổi hai mươi: Đoạn nhật kí ghi lại cảm xúc, suy nghĩ của người chiến sỹ trẻ trước cảnh nhân dân ta cực khổ, tang thương dưới làn lửa đạn. Chứng kiến nhân dân ta khổ sở, người chiến sỹ càng thêm nóng lòng, sốt ruột vì không thể mau chóng xóc lê vào thỏi tim đen đủi của quân thù. Bên cạnh đó, đoạn nhật kí còn lưu lại chút cảm giác tủi hổ, day dứt của anh khi nghĩ về cảnh đồng đội phải chịu đau đớn hay hi sinh trong khi bản thân vẫn đang được sống trong sự thanh bình.
=> Nhận xét: Dù cùng thể hiện rõ tình yêu và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc, song, âm hưởng trong đoạn trích thuộc Mãi mãi tuổi hai mươi dường như tha thiết hơn, thể hiện sâu sắc mong muốn được ra chiến trường, cùng đồng đội chiến đấu, giành lại độc lập cho dân tộc. Trong khi đó, đoạn trích thuộc Nhật kí Đặng Thùy Trâm lại cho thấy được tinh thần dâng hiến, sẵn sàng hi sinh ước mơ riêng để hòa vào ước mơ chung của cả dân tộc qua âm hưởng da diết, nhẹ nhàng, pha lẫn chút tiếc nuối mà vẫn rõ sự quyết tâm.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Lựa chọn lối sống an nhàn, ổn định hay luôn sẵn sàng thay đổi môi trường sống để phát triển bản thân.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Nguồn gốc của "hội chứng Ếch luộc": Gắn với tình huống: Nếu thả con ếch vào nồi nước sôi, nó có thể lập tức tìm cách nhảy ra ngoài. Nhưng nếu thả nó vào một nồi nước bình thường rồi từ từ đung sôi lên từng chút một, nó sẽ mất cảnh giác và mất luôn tính mạng của mình. Đó là bởi sự tăng dần của nhiệt độ nước khiến cho con ếch không hề đề phòng mà chết đi khi nước đạt đến độ nóng vừa đủ. Cũng như trong cuộc sống, sự an toàn, dễ chịu của môi trường sống sẽ dần khiến ta buông lỏng cảnh giác, mất đi sự nhạy bén và dần trở nên bị động. Kết cục là một hệ quả hết sức đáng tiếc.
+ Nguyên nhân của vấn đề: Khi sống mãi trong sự thoải mái, con người sẽ dần buông thả bản thân và dần thích nghi với lối sống ổn định qua ngày. Chính điều này sẽ giết chết khả năng phản ứng, xử lý vấn đề của chúng ta.
+ Hệ quả: Con người dần trở nên bị động hơn, kéo theo đó là:
++ Mất đi khả năng tự chủ, tự học và tự giải quyết vấn đề.
++ Nhanh chóng bị xã hội đào thải.
+ Giải pháp:
++ Tích cực thay đổi, không ngừng học hỏi để phát triển bản thân.
++ Không ngại thay đổi môi trường sống, tham gia vào các hoạt động tập thể để trải nghiệm, trau dồi bản thân.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.