Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo cuối học kì I - Đề số 10 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
GẶP QUỶ DỮ VÀ THẦN RỪNG (HỔ)
(Trích chèo Trương Viên)
Mụ: - Con ơi, bây giờ mẹ đói bụng khát nước, nhọc lắm... Mẹ không thể đi được nữa, con xem có gần nhà ai thì con xin cho mẹ một chút đỡ đói lòng.
Thị Phương: (Nói sử) - Mẹ ơi,
Con trông bên đông có lửa
Mẹ ngồi đây, con thử vào coi
Có cơm cháo xin người thí bỏ
Quỷ: (Ra) - Động ta đây nghiêm chỉnh sắp bày
Ủa kìa người họa phúc tới đây
Sai chúng quỷ ra vây bắt lấy
(Xưng danh) Mỗ bạch yêu tinh
Chiếm cao san nhất động
Ngày ngày thường bắt người nuốt sống
Đêm thời đón khách nhai gan
Lộc thiên trù đưa đến tự nhiên
Nay được bữa no say... cha chả!
Này người kia,
Sơn lâm rừng vắng
Đỉnh thượng non cao
Chốn hang sâu sao dám tìm vào
Đi đâu đó, kìa con, nọ mẹ?
Thị Phương: - Trình lạy ông thương đoái
Mẹ con tôi đói khát lắm thay
Xẩy nhà lạc bước đến đây
Có cơm cháo xin người thí bỏ
Quỷ: - Không khiến kêu van kể lể
Ta quyết nhai tuổi, nuốt sống không tha
Quỷ cái: (Ra) - Chàng ăn thịt gì cho thiếp tôi ăn với!
Quỷ: - Ta ăn thịt Thị Phương.
(Lược một đoạn: Quỷ nói chuyện với Quỷ cái. Thương cho Thị Phương, Quỷ cái nhận Thị Phương là em kết nghĩa để nàng không bị ăn thịt. Quỷ cái còn cho Thị Phương năm lạng vàng để nàng đem về nuôi mẹ.)
Thị Phương: (Quay ra) - Mẹ thức hay ngủ mẹ ơi!
Mụ: - Con vào đấy có được tí gì không?
Thị Phương: - Thưa mẹ, con vào đó, quỷ đông đòi ăn thịt.
Mụ: - Ăn cơm với thịt đông à?
Thị Phương: - Quỷ đông đòi ăn thịt con, mẹ ạ. Quỷ cái ra can rồi lại cho vàng.
Mụ: (Cầm vàng) - Ở hiền rồi lại gặp lành (hát sắp)
Gặp vợ chú quỷ cho thanh tre già
(Nói sử) Ới con ơi,
Mẹ cảm thương thân mẹ
Mẹ lại ngại thân con (Hát văn)
Như dao cắt ruột mẹ ra
Trăm sầu, nghìn thảm chất đà nên con!
(Nói) - Con ơi, trời còn sớm hay đã tối mà con cứ dắt mẹ đi mãi thế này?
Thị Phương: - Trình lạy mẹ,
Vầng ô đã lặn
Vắng vẻ cửa nhà
Mẹ con ta vào gốc cây đa
Nằm nghỉ tạm qua đêm sẽ liệu (ngồi nghỉ).
Thần rừng (Hổ): (Ra) - Ra oai hùm gầm kêu ba tiếng
Phóng hào quang chuyển động phong lôi
Xa chẳng tỏ, nhảy lại ngó coi
Giống chi chi như thể hình người
Đi đâu đó? - Kìa con, nọ mẹ
Muốn sống thời ai chịu cho ai
Vào nộp mệnh cho ta nhai một.
Thị Phương: - Trăm lạy ông,
Nhẽ ngày hôm qua một tận không còn
Tôi kêu trời khấn đất đã vang
Qua nạn ấy, nạn này lại phải
Ơn ông vạn bội
Ông ăn thịt một, còn một ông tha
Ông để mẹ già, tôi xin thế mạng.
Mụ: (Nói sử) - Trình lạy ông
Con tôi còn trẻ
Công sinh thành, ông để tôi đền
Ông ăn thịt tôi, ông tha cháu nó.
Thị Phương: - Thưa mẹ, mẹ để con chịu cho.
Mụ: - Ới con ơi, con còn trẻ người non dạ, để mẹ chịu cho.
Thần rừng (Hổ): - Nhẽ ra thời ăn thịt cả không tha
Thấy mẹ con tiết nghĩa thay là
Tha cho đó an toàn tính mệnh.
(Trích Trương Viên, in trong Tuyển tập chèo cổ, Hà Văn Cầu, NXB Sân khấu, 1999)
Tóm tắt đoạn trích: Trương Viên quê đất Võ Lăng, nhờ mẹ sang hỏi cưới Thị Phương, người con gái của Tể tướng đã hồi hưu. Thấy chàng học giỏi, cha Thị Phương đồng ý và cho đôi ngọc lưu ly làm của hồi môn. Giữa lúc chàng đang dùi mài kinh sử thì được chiếu đòi đi dẹp giặc, chàng từ biệt mẹ già, vợ trẻ để ra chiến trường. Trong cảnh chạy giặc, Thị Phương đã dắt mẹ chồng lưu lạc suốt mười tám năm. Hai người bị quỷ dữ trong rừng sâu đòi ăn thịt, song may nhờ người vợ quỷ nhận làm chị em xin tha rồi cho vàng. Tiếp đó họ lại bị hổ dữ đòi ăn thịt. Thị Phương tình nguyện dâng mạng mình để cứu mẹ chồng. Hổ tha mạng cho cả hai mẹ con.
Câu 1. Xác định chủ đề của văn bản trên.
Câu 2. Chỉ ra những lối nói, làn điệu xuất hiện trong văn bản.
Câu 3. Qua hai lần suýt chết, Thị Phương hiện lên là một người phụ nữ như thế nào?
Câu 4. Nhận xét về thái độ, cách ứng xử của người mẹ chồng đối với Thị Phương.
Câu 5. Em rút ra được những bài học nào từ văn bản? Chia sẻ suy nghĩ của em về những bài học đó.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Chủ đề: Tấm lòng hiếu thảo của người chinh phụ.
Câu 2.
Những lối nói, làn điệu xuất hiện trong văn bản: Nói sử, hát sắp, hát vãn.
Câu 3.
- Khi bị quỷ bắt, nàng may mắn thoát chết nhờ sự giúp đỡ của quỷ cái. Đứng trước hoàn cảnh: Chồng đi lính, mẹ chồng già yếu, nàng suýt bị quỷ ăn thịt, Thị Phương có thể vì quá cùng quẫn mà bỏ lại mẹ chồng, ra đi. Nhưng không, nàng vẫn quay về bên mẹ chồng, thu xếp cho mẹ chỗ nghỉ ngơi.
- Khi thần rừng xuất hiện và đòi ăn thịt một trong hai người, Thị Phương không ngần ngại nguyện hiến mạng để mẹ chồng được sống.
=> Thị Phương là người phụ nữ rất hiếu thảo. Có lẽ, cũng chính vì sự chân thành của nàng mà mẹ chồng mới thương yêu nàng đến thế. Bà cũng nguyện thí mạng mình để con dâu được sống.
Câu 4.
- Người mẹ chồng rất thương yêu và đồng cảm với hoàn cảnh của Thị Phương:
+ Bà thương thân và cũng thương con dâu vất vả: Mẹ cảm thương thân mẹ/ Mẹ lại ngại thân con/ Như dao cắt ruột mẹ ra/ Trăm sầu, nghìn thảm chất đà lên con!.
+ Trước cảnh thần rừng đòi một người hiến mạng, bà cũng không ngần ngại dâng mạng mình để con dâu được sống.
=> Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu là mối quan hệ khó mà gần gũi, sâu sắc biết bao đời nay. Thế nhưng, mẹ chồng của Thị Phương lại yêu thương con dâu như con ruột.
Câu 5.
- HS liệt kê những bài học bản thân đúc rút được từ văn bản.
- Ví dụ:
+ Ở hiền gặp lành.
+ Đối đãi với người khác bằng tình yêu và sự chân thành, ta cũng sẽ được nhận lại tình yêu tương xứng.
+ ...
- HS trình bày suy nghĩ của mình về bài học bằng những lí giải hợp lí.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá nhân vật Thị Phương trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) thuyết phục các bạn trẻ từ bỏ thói quen "bỏ quên" gia đình trong đời sống hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích, đánh giá nhân vật Thị Phương trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Hoàn cảnh: Chồng đi lính, một mình chăm sóc mẹ già trong suốt 18 năm ròng rã.
+ Khi bị thần rừng bắt nộp mạng, nàng không ngần ngại dâng mạng mình cho thần rừng, chỉ mong thần để cho mẹ chồng nàng được sống. Có thể thấy, cách đối đãi của Thị Phương đối với mẹ chồng rất chân thành. Đó không phải là đạo hiếu đơn thuần của người con dâu làm để tròn cái đạo theo lễ giáo. Mà đó là cái đạo tròn đầy, thấm đượm tình cảm chân thành, tha thiết. Thị Phương có thương, có đối đãi thật lòng với mẹ chồng thì mẹ chồng nàng mới thương nàng như con gái ruột như thế: Mẹ lại ngại thân con/ Như dao cắt ruột mẹ ra/ Trăm sầu, nghìn thảm chất đà lên con!. Thậm chí, khi gặp thần rừng, bà cũng không ngần ngại xin thế mạng để con dâu được sống.
=> Nhận xét: Thị Phương là người chinh phụ hiếu thảo. Tình cảm mà nàng dành cho mẹ chồng quả thật là hiếm có. Có lẽ cũng chính vì tình cảm chân thành, sâu sắc ấy mà Thị Phương cũng nhận được sự yêu thương, hi sinh của mẹ chồng.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Thuyết phục các bạn trẻ từ bỏ thói quen "bỏ quên" gia đình trong đời sống hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
+ Thực trạng: Ngày nay, nhiều người vì cuộc sống bộn bề lo toan mà "bỏ quên" việc quan tâm, chăm sóc đến gia đình của mình. Trong đó, phần nhiều là các bạn trẻ. Dẫu biết rằng phấn đấu vì tương lai sẽ giúp ích được cho gia đình rất nhiều, song cũng vì thế mà ta đang đánh mất đi những điều quý giá trong cuộc sống.
+ Nguyên nhân:
++ Người trẻ phải đối diện với quá nhiều áp lực trong đời: Áp lực đồng trang lứa, áp lực về học hành, thi cử, nghề nghiệp,... Điều này buộc người trẻ phải nỗ lực thật nhiều để đạt được mục tiêu, nhưng nó lại vô tình rút cạn đi năng lượng, thời gian của họ, khiến họ không còn thời gian, năng lượng để quan tâm, chăm sóc cho gia đình của chính mình.
++ Sự phát triển nhanh chóng về xã hội, khoa học khiến người trẻ có nhiều thứ để quan tâm hơn khiến họ dễ bị lầm lạc, mà quên mất gia đình của mình.
+ Hệ quả: Kéo giãn khoảng cách giữa các thế hệ, mất kết nối trong gia đình. Trong khi đó, gia đình là bến đỗ quan trọng, là nơi nuôi dưỡng mỗi con người.
+ Giải pháp:
++ Cần có ý thức thay đổi, quan tâm, chăm sóc gia đình nhiều hơn.
++ Tăng các hoạt động gắn kết gia đình: Cùng ăn cơm, cùng dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn tược,...
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.