Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề số 3 SVIP
PHẦN I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN (4.0 điểm )
Đọc văn bản sau:
NHÀN
Một mai(1), một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai(2) vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu, đến cội cây(3), ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý, tựa chiêm bao(4).
(Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập II)
* Chú thích:
(1) Mai: dụng cụ đào đất, xới đất.
(2) Dầu ai: mặc cho ai, dù ai có cách vui thú nào cũng mặc, tôi cứ thơ thẩn( giữa cuộc đời này).
(3) Cội cây: gốc cây.
(4) Hai câu 7 và 8: tác giả có ý dẫn điển Thuần Vu Phần uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hòe, rồi mơ thấy mình ở nước Hòe An được công danh phú quý rất mực vinh hiển. Sau bừng mắt tỉnh dậy thì hóa ra đó là giấc mộng, thấy dưới cánh hoè phía nam chỉ có một tổ kiến mà thôi. Từ đó điển này có ý: Phú quý chỉ là một giấc chiêm bao.
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Câu 1 (0.5 điểm): Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2 (0.75 điểm): Chỉ ra những hình ảnh nói về nét sinh hoạt hàng ngày đạm bạc, thanh cao của tác giả.
Câu 3 (0.75 điểm): Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê có trong hai câu thơ sau:
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Câu 4 (1.0 điểm): Quan niệm dại – khôn của tác giả trong hai câu thơ sau có gì đặc biệt?
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Câu 5 (1.0 điểm): Từ văn bản trên, anh/chị cảm nhận như thế nào về vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm? (Viết đoạn văn ngắn khoảng 5 – 7 dòng)
Hướng dẫn giải:
Câu 1. Thể thơ: thất ngôn bát cú Đường luật.
Câu 2. Những hình ảnh nói về nét sinh hoạt hàng ngày đạm bạc, thanh cao của tác giả: ăn măng trúc, ăn giá, tắm hồ sen, tắm ao.
Câu 3:
– Biện pháp tu từ liệt kê: Một mai, một cuốc, một cần câu.
– Tác dụng:
+ Tạo sự cân xứng, nhịp nhàng, hài hòa cho lời thơ.
+ Nhấn mạnh: sự lựa chọn phương châm sống, cách ứng xử của tác giả – chọn lối sống tĩnh tại, an nhàn; vừa thể hiện sắc thái trào lộng, mỉa mai đối với cách sống ham danh vọng, phú quý…
Câu 4:
Quan niệm khôn – dại của tác giả:
– Dại: “tìm nơi vắng vẻ” – nơi tĩnh tại của thiên nhiên, thảnh thơi của tâm hồn.
– Khôn: “đến chốn lao xao” – chốn cửa quyền bon chen, thủ đoạn sát phạt.
=> Đó là một cách nói ngược: khôn mà khôn dại, dại mà dại khôn của tác giả.
=>Thái độ tự tin vào sự lựa chọn của bản thân và hóm hỉnh mỉa mai quan niệm sống bon chen của thiên hạ.
Câu 5:
Một số gợi ý:
– Là người sống giản dị, thanh bạch.
– Là người có trí tuệ, cốt cách thanh cao.
– Là người bản lĩnh: coi thường danh lợi.
PHẦN II. LÀM VĂN (6.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm): Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về tầm quan trọng của lối sống chủ động trong cuộc sống ngày nay.
Câu 2 (4.0 điểm): Cảm nhận của anh/chị về văn bản sau:
Rồi hóng mát thuở ngày trường.
Hoè lục đùn đùn tán rợp trương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ.
Hồng liên trì đã tịn mùi hương.
Lao xao chợ cá làng ngư phủ;
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
(In trong Nguyễn Trãi toàn tập tân biên, tập III, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, NXB Văn học, 2000, tr.1025)
Hướng dẫn giải:
Câu 1:
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài:
Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: tầm quan trọng của lối sống chủ động trong xã hội hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp làm rõ vấn đề nghị luận:
HS có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, nêu rõ lí do và quan điểm của bản thân, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng thuyết phục.
Sau đây là một hướng gợi ý:
– Mở đoạn: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề cần bàn luận (lối sống có trách nhiệm trong xã hội hiện nay).
– Thân đoạn:
+ Giải thích “lối sống chủ động” là gì.
+ Phân tích, lí giải và lấy dẫn chứng về vai trò của “lối sống chủ động” đối với mỗi người.
+ Mở rộng, phản đề.
+ Liên hệ và rút ra bài học.
– Kết đoạn: Khẳng định và đánh giá lại vấn đề cần bàn luận.
d. Viết đoạn văn cần đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết các câu trong đoạn.
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2:
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài:
Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận văn học.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: cảm nhận về bài thơ Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình) – Bài số 43, Nguyễn Trãi.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp làm rõ vấn đề nghị luận:
Sau đây là một hướng gợi ý:
– Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận.
– Thân bài: Phân tích bài thơ để làm rõ được các nội dung sau:
+ Tâm thế của tác giả: an nhàn, thảnh thơi, muốn hòa mình vào thiên nhiên.
+ Bức tranh cảnh ngày hè nơi làng quê: rực rỡ và căng tràn sức sống.
+ Bức tranh cuộc sống con người: sôi động, phong phú.
+ Tấm lòng yêu nước thương dân và mong ước của nhà thơ: nhân dân có cuộc sống hạnh phúc, no đủ.
+ Đánh giá khái quát về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.
– Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.
d. Viết đoạn văn cần đảm bảo các yêu cầu sau:
– Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt:
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.