Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề số 2 SVIP
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4 ĐIỂM)
Đọc đoạn trích sau:
CHÙA VẠN NIÊN – NGÔI CHÙA CỔ NGÀN NĂM TUỔI BÊN BỜ HỒ TÂY
Chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, chùa Vạn Niên vẫn giữ nguyên nét cổ kính, trầm mặc giữa không gian hối hả, nhộn nhịp của Hà thành.
Dưới triều đại Lý Thuận Thiên vào năm 1014, Thiền sư Hữu Nhai Tăng đã xin vua lập giới đàn tại vị trí hiện tại của chùa Vạn Niên. Kể từ đó, ngôi chùa này đã được xây dựng và tồn tại mãi cho đến tận ngày hôm nay.
Chùa Vạn Niên là một công trình nghệ thuật bằng gỗ với hoa văn họa tiết vừa bản địa, vừa tiếp nhận văn hóa phương Đông. Các nếp nhà được xây dựng hướng Đông theo bố cục mặt bằng gồm tam quan, chùa chính điện Mẫu (thờ Bà chúa Liễu Hạnh), nhà tăng, nhà phụ. Bao quanh kiến trúc là vườn cây cổ thụ tôn thêm vẻ đẹp và tạo sự u tịch, tĩnh lặng nơi cửa thiền, làm nên một tổng thể di tích văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, hài hòa. Chùa Vạn Niên đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1996.
Qua hơn 1.000 năm, ngôi chùa đã được được trùng tu và tôn tạo nhiều lần. Các kiến trúc tam quan, tiền đường, nhà Tổ, nhà khách, lầu Quan Âm, các mảng hoa văn truyền thống trên cột, kèo... được chạm trổ tỉ mỉ, sử dụng đề tài trang trí quen thuộc của người Việt như Tứ Linh và Tứ Quý.
Tuy nằm ngay bên mặt đường Lạc Long Quân luôn tấp nập người, xe qua lại, nhưng phía sau cổng chùa là sự cổ kính, thanh tịnh… Không gian chùa không lớn nhưng được bao trùm một màu xanh mát của những cây cổ thụ nhiều năm tuổi.
Theo Thăng Long cổ tích khảo, thì "Chùa ở bờ Tây hồ Tây... Lý Thuận Thiên năm thứ 5 (1014), Hữu Nhai tăng thống xin tâu lập giới đàn tại đây, thụ giới cho các Tăng đồ. Vua xuống chiếu ban cho. Bấy giờ, danh tăng Lâm Tuệ Sinh, Thảo Đường thời Lý kế thừa trụ trì ở đây".
Hiện chùa còn giữ bộ di vật với hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần của thời Lê, Tây Sơn có giá trị lịch sử - văn hóa nghệ thuật cao. Tại chùa có bức tượng phật Thích Ca, cao hơn 1,3m và nặng 600kg, được làm từ ngọc Phỉ Thúy (Jadeit tự nhiên), làm cho bộ di vật của ngôi chùa thêm độc đáo.
Chùa Vạn Niên đang ngày một khang trang và được nhiều Phật tử gần xa biết đến. Không chỉ là điểm đến tâm linh mà chùa còn trở thành một địa điểm du lịch được du khách trong và ngoài nước lựa chọn khi đến thăm Thủ đô. Tuy có nhiều đổi mới nhưng chùa vẫn giữ được nét đẹp cổ kính và độc đáo về văn hóa kiến trúc xen giữa lòng thủ đô hiện đại và phát triển.
(Theo Huyền Hoa, https://danviet.vn/chua-van-nien-ngoi-chua-co-ngan-nam-tuoi-ben-bo-ho-tay-20240429084512746.htm)
Thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Văn bản đề cập đến thông tin nào?
Câu 2. Liệt kê các chi tiết, sự kiện xác thực được nhắc tới trong văn bản.
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong câu: Tuy nằm ngay bên mặt đường Lạc Long Quân luôn tấp nập người, xe qua lại, nhưng phía sau cổng chùa là sự cổ kính, thanh tịnh…
Câu 4. Việc kết hợp thủ pháp trần thuật với miêu tả trong văn bản có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện chủ đề của văn bản?
Câu 5. Theo anh/chị, hình ảnh chùa Vạn Niên nói riêng và những công trình văn hóa lâu đời nói chung tồn tại trong cuộc sống xô bồ, hối hả hiện nay có ý nghĩa như thế nào?
Hướng dẫn giải:
Câu | Nội dung | Điểm |
1 |
Văn bản đề cập đến thông tin về chùa Vạn Niên. |
0.5 |
2 |
Các chi tiết, sự kiện xác thực được nhắc tới trong văn bản: – Dưới triều đại Lý Thuận Thiên vào năm 1014, Thiền sư Hữu Nhai Tăng đã xin vua lập giới đàn tại vị trí hiện tại của chùa Vạn Niên. – Chùa Vạn Niên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1996. – Các bộ di vật hiện còn ở chùa Vạn Niên. |
0.75 |
3 |
Biện pháp đối lập: “luôn tấp nập người, xe qua lại” – “sự cổ kính, thanh tịnh”. Tác dụng: – Giúp câu văn sinh động, giàu hình ảnh và gợi nhiều liên tưởng. – Làm rõ tương quan giữa khung cảnh trong và ngoài chùa Vạn Niên. – Cho thấy quan sát rất tinh tế của tác giả trước khung cảnh trong và ngoài chùa. |
0.75 |
4 | Việc kết hợp thủ pháp trần thuật với miêu tả giúp người đọc có hình dung cụ thể về sự hình thành, ra đời và các sự kiện trọng đại gắn liền với chùa Vạn Niên. Bên cạnh đó, qua những miêu tả, người đọc hiểu được vẻ đẹp, nét đặc trưng của chùa Vạn Niên. | 1.0 |
5 |
Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Có thể theo hướng: – Phản ánh dấu ấn của thời đại và lịch sử dân tộc. – Góp phần lưu giữ kí ức văn hóa trong mỗi người. – Nuôi dưỡng ý thức bảo tồn văn hóa. … |
1.0 |
II. PHẦN VIẾT (6 ĐIỂM)
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu tác hại của việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Câu 2. Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh, đánh giá hai đoạn trích sau:
Đoạn trích 1:
NHÀ MẸ LÊ
Thạch Lam
Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà nhà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay răn reo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: mười một đứa, mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi! Đứa bé nhất hãy còn bế trên tay.
Mẹ con bác ta ở một căn nhà cuối phố, cái nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan đã gẫy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. Đối với những người nghèo như bác, một chỗ ở như thế cũng tươm tất lắm rồi. Nhưng còn cách kiếm ăn? Bác Lê chật vật, khó khăn suốt ngày cũng không đủ nuôi chừng ấy đứa con. Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng lúa đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ dưới gió bấc lạnh như lưỡi dao sắc khía vào da, bác Lê lo sợ, vì không ai mướn bác làm việc gì nữa. Thế là cả nhà nhịn đói. Mấy đứa nhỏ nhất, con Tý, con Phún, thằng Hy mà con chị nó bế, chúng nó khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét, như thịt con trâu chết. Bác Lê ôm ấp lấy con trong ổ rơm, để mong lấy cái ấm của mình ấp ủ cho nó.
(Trích Nhà mẹ Lê, Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, 2015, trang 28 - 29)
Đoạn trích 2:
LÀM MẸ
Nguyễn Ngọc Tư
(Lược phần đầu: Dì Diệu và chú Đức lấy nhau đã nhiều năm nhưng không có con vì năm cưới chú, việc cắt khối u buồng trứng đã khiến dì không thể tự sinh con. Bởi niềm khao khát về đứa con chưa lúc nào nguôi nên dì bàn với chú Đức tìm người mang thai hộ. Chị Lành gánh nước thuê vì hoàn cảnh gia đình ngặt nghèo nên nhận lời giúp chú dì. Em bé trong bụng chị Lành ngày một lớn đem đến niềm vui vô bờ cho chú dì, và cũng dấy lên tình mẫu tử ở chị Lành.)
Và khi tháng Ba đi qua, đứa bé bắt đầu báo hiệu sự sống. Chị Lành khoe:
– Nó đạp rồi, chị Diệu, nó đạp đây nè.
Dì Diệu hớn hở vén bụng chị Lành lên, dưới làn da căng mẫn, đứa bé con chòi đạp rối rít. Chị Lành cười giòn:
– Nó mạnh quá chị ha....
Dì Diệu cười, rồi làm như một cơn gió từ đâu xộc tới, tim dì riết lại một nỗi đau. Dì thèm biết bao nhiêu cái cảm giác che chở cho một sinh linh sống trong mình, để được thèm tới cùng, tới chảy nước dãi món ngọt, món chua, để có thể cảm nhận từ trái tim chứ không phải bằng bàn tay đôi bàn chân bé bỏng quẩy đạp bụng mình thon thót. Đó là những thứ cảm giác thiêng liêng không vay mượn, thuê mướn được: cảm giác làm mẹ. Dì bắt đầu lo lắng, mình đã làm một việc đúng không.
Chỉ còn một tháng hai mươi ngày nữa, đứa bé sẽ ra đời. Dì Diệu tính từng ngày, từng bữa. Chị Lành tính từng ngày từng bữa. Người trông cho mau, người trông đừng bao giờ đến. Dì Diệu cố quên cái vẻ mặt buồn bã, van nài của chị Lành. Chị biết, khi đứa bé khóc ngoe ngoe cất tiếng khóc chào đời, là chị với nó sẽ phải chia lìa. Hợp đồng đã ghi rõ ràng như vậy. Chị thấy thương mình, thương con và thương dì Diệu. Chị rối rít ăn, rối rít ngủ vì biết rằng mai nầy rồi chẳng còn nhau...
(Nguyễn Ngọc Tư, Làm mẹ, Tập truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, NXB Trẻ, 5/2024)
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Nội dung | Điểm |
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng đoạn văn Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0.25 |
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: nêu tác hại của việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo (AI). |
0.25 |
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết – Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: + Làm con người trở nên sống thiếu chủ động, thiếu sáng tạo, luôn ỷ lại vào trí tuệ nhân tạo. + Gây ra nguy cơ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh: xảy ra tình trạng lừa đảo qua mạng, rò rỉ thông tin cá nhân,... + Kìm hãm sự phát triển, sự văn minh của xã hội. – Sắp xếp được hệ thống ý phù hợp theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn. |
0.5 |
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau – Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng. |
0.5 |
đ. Diễn đạt Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn văn. |
0.25 |
e. Sáng tạo Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. |
0.25 |
Câu 2.
Nội dung | Điểm |
a. Xác định được yêu cầu về kiểu bài: Xác định được yêu cầu về kiểu bài: Nghị luận văn học. |
0.25 |
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Xác định đúng vấn đề nghị luận: So sánh, đánh giá hai đoạn trích: Nhà mẹ Lê (Thạch Lam) và Làm mẹ (Nguyễn Ngọc Tư). |
0.5 |
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết: - Xác định được các ý chính của bài viết. - Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Mở bài: Dẫn dắt vấn đề nghị luận. * Thân bài: Giải quyết vấn đề nghị luận. * Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận. Gợi ý: * Điểm giống nhau: – Thể loại: Truyện ngắn thấm đượm chất trữ tình, chất thơ, giàu xúc cảm. – Đối tượng thẩm mĩ: Người phụ nữ với số phận, cảnh ngộ khác nhau, nhưng đều mang những vẻ đẹp tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam. – Chủ đề: Trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ Việt, tình mẫu tử thiêng liêng. * Điểm khác nhau: – Mỗi nhân vật một cảnh ngộ, số phận khác nhau: + Mẹ Lê trong truyện của Thạch Lam bị cái nghèo đói đeo đẳng đến khổ sở, thảm hại. + Hai người phụ nữ trong Làm mẹ (Nguyễn Ngọc Tư): ++ Người đau khổ vì thân phận “đẻ thuê”, phải dứt ruột lìa xa đứa con chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau. ++ Kẻ tủi phận, đắng cay vì mang thân phụ nữ mà không có được may mắn tận hưởng thiên chức làm mẹ, chỉ biết âm thầm thèm ước, khát khao. – Mỗi nhân vật mang một vẻ đẹp riêng: + Người mẹ của mười một đứa con trong truyện Thạch Lam: sự tần tảo, chịu thương chịu khó, dãi nắng dầm sương, không quản nhọc nhằn, đói khát để mang cho con hạt gạo, miếng cơm. + Người phụ nữ chưa một lần được gọi hai tiếng “mẹ ơi” của Nguyễn Ngọc Tư: nhân hậu, bao dung, vị tha và cao thượng; không chỉ khát con, yêu con, chị còn biết cảm xúc, chia sẻ nỗi đau của người khác; không vì lòng ích kỷ, lợi ích mà cạn tình nghĩa. – Cả hai tác giả đều là những người có trái tim nhân hậu. – Mỗi tác giả có phong cách nghệ thuật riêng, có cái nhìn, có cách lí giải riêng. |
1.0 |
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: – Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: Nhà mẹ Lê (Thạch Lam) và Làm mẹ (Nguyễn Ngọc Tư). – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng, bằng chứng phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
1.5 |
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong bài văn. |
0.25 |
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ. |
0.5 |