Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề kiểm tra giữa học kì II - Đề số 3 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Bến đò ngày mưa
Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át
Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.
Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt,
Mặc con thuyền cắm lại đậu trơ vơ.
Trên bến vắng, đắm mình trong lạnh lẽo
Vài quán hàng không khách đứng xo ro.
Một bác lái ghé buồm vào hút điếu,
Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho.
Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ
Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.
Và họa hoằn một con thuyền ghé chở,
Rồi âm thầm bến lại lặng trong mưa.
(Trích Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân, NXB Văn học, 2000, tr.192 - 193)
Câu 1. Xác định thể thơ của bài thơ trên.
Câu 2. Đề tài của bài thơ này là gì?
Câu 3. Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ mà em thấy ấn tượng trong bài thơ.
Câu 4. Bức tranh bến đò ngày mưa được tác giả miêu tả qua những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó gợi cho em cảm nhận gì?
Câu 5. Qua bức tranh bến đò ngày mưa, bài thơ đã gợi lên tâm trạng, cảm xúc như thế nào?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ: Tám chữ.
Câu 2.
Đề tài: Khung cảnh bến đò ngày mưa.
Câu 3.
– HS xác định được một biện pháp tu từ có trong bài thơ: Nhân hóa, so sánh, liệt kê.
– HS phân tích được tác dụng của biện pháp tu từ đó:
+ Nhân hóa: Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át; Vài quán hàng không khách đứng xo ro;... khiến cho sự vật hiện lên sinh động hơn.
+ So sánh: Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ/ Thúng đội đầu như đội cả trời mưa. Hình ảnh so sánh gợi lên trong tâm tưởng của bạn đọc khung cảnh ảm đạm, tiêu điều trong một ngày mưa ở bến đò.
+ Liệt kê: Chỉ ra những hình ảnh cảnh vật, con người trong ngày mưa tại bến đò, góp phần khắc họa chi tiết khung cảnh ảm đạm, tiêu điều ấy.
Câu 4.
– Bức tranh bến đò ngày mưa được tác giả miêu tả qua những hình ảnh: Tre rũ rợi, chuối bơ phờ, dòng sông trôi rào rạt, con thuyền đậu trơ vơ, quán hàng đứng xo ro, quán hàng đứng xo ro, một bác lái ghé vào hút điếu, bà hàng sù sụ sặc hơi, ho, họa hoằn có người đến chợ, họa hoằn có con thuyền ghé chở, thúng đội đầu như đội cả trời mưa.
– Những hình ảnh đó gợi cho em cảm nhận về một khung cảnh ảm đạm, hoang vắng, tiêu điều.
Câu 5.
Bức tranh bến đò ngày mưa là một bức tranh vắng lặng, ảm đạm, đơn điệu và tẻ nhạt, ẩn chứa nỗi buồn man mác. Dù bức tranh cảnh vật có bóng dáng của con người nhưng hình ảnh con người đều ít ỏi, dường như chỉ là "một", "họa hoằn" mới xuất hiện; còn khi xuất hiện thì hầu hết con người đều trong trạng thái mệt mỏi, buồn lặng, càng tô đậm thêm sự đơn điệu, ảm đạm của cảnh vật. Như vậy, qua bức tranh này, bài thơ gợi lên nỗi buồn man mác, sự lạnh lẽo, cô đơn trước cuộc sống vắng lặng, tiêu điều nơi đây.
Câu 1. (2 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) ghi lại cảm nghĩ của em về cảm hứng chủ đạo và chủ đề của bài thơ ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4 điểm) Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) bàn về ý nghĩa của quê hương đối với cuộc đời mỗi con người.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ghi lại cảm nghĩ của em về cảm hứng chủ đạo và chủ đề của bài thơ ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Cảm hứng chủ đạo:
++ Bài thơ gồm 2 phần: 6 câu thơ đầu miêu tả khung cảnh thiên nhiên bến đò trong mưa, 6 câu sau miêu tả hình ảnh con người tại bến đò đó trong mưa.
++ Từ đó, ta xác định được mạch cảm xúc của bài thơ: Mở đầu bài thơ là nỗi buồn man mác trước cảnh ảm đạm của thiên nhiên bến đò trong mưa, tiếp đó là nỗi buồn thương về cuộc sống cô đơn, vắng lặng, đơn điệu của con người tại bến đò đó. Như vậy, bao trùm lên toàn bộ bài thơ này chính là nỗi buồn man mác, cô đơn trước cảnh vật và cuộc sống tẻ nhạt của con người.
+ Chủ đề: Qua khung cảnh tiêu điều, xác xơ của cảnh vật, sự đơn điệu, tẻ nhạt của con người, ta xác định được chủ đề của bài thơ chính là sự nặng lòng và tình yêu thầm kín của thi nhân dành cho quê hương.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Ý nghĩa của quê hương đối với cuộc đời mỗi con người.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Giải thích từ khóa: "Quê hương" là nơi chúng ta sinh ra, lớn lên, là nơi lưu giữ biết bao kỉ niệm đẹp thời ấu thơ.
– Ý nghĩa:
+ Mang đến cho con người cảm giác an toàn, bình yên, xoa dịu tâm hồn chúng ta sau những ngày tháng đương đầu với sóng gió trong cuộc sống.
+ Tạo động lực giúp ta vượt qua chông gai, nuôi dưỡng những ước mơ của chúng ta.
+ Là nơi góp phần nuôi dưỡng, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc.
– Phản đề:
+ Quê hương của chúng ta hiện nay cũng không nằm ngoài quá trình phát triển, hội nhập của dân tộc. Vì thế, nó cũng có những sự phát triển về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa song vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống lâu đời của địa phương.
+ Trước làn sóng phát triển mạnh mẽ ấy, quê hương cũng không thể tránh khỏi những thách thức như sự phai nhạt của các nét đẹp truyền thống, sự bất ổn về an ninh, trật tự xã hội,...
+ Nhiều bạn trẻ ngày nay xa rời, không còn gắn bó sâu sắc với quê hương.
– Giải pháp:
+ Mỗi cá nhân cần biết trân trọng quê hương, chăm chỉ rèn luyện để đóng góp sức mình vào quá trình xây dựng, phát triển quê hương.
+ Có ý thức giữ gìn, bảo vệ những nét đẹp truyền thống của quê hương trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.