Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề kiểm tra giữa học kì II - Đề số 1 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
(Lược một đoạn: Thám tử Sherlock Holmes nhận được một bức thư xin trợ giúp trong một vụ án kì lạ từ hai viên thanh tra của Scotland Yard – Gregson và Lestrade. Trong một căn nhà bỏ hoang tại khu Lauriston Garden bỗng xuất hiện thi thể của một người đàn ông. Nạn nhân khoảng 43, 44 tuổi, người tầm thước, vai rộng, tóc quăn và đen, râu rậm xén ngắn. Trên thi thể không hề có bất kì một thương tích nào nhưng trong gian phòng lại có nhiều vết máu. Tại hiện trường vụ án xuất hiện nhiều điểm đáng ngờ, gần thi thể xuất hiện một chiếc nhẫn cưới của một người phụ nữ, trên một mé tường tối tăm có chữ “Rache” được viết bằng máu. Còn bên ngoài căn nhà có dấu vết để lại của một chiếc xe ngựa, dấu chân của một con ngựa và vết giày của hai người đàn ông. Những manh mối này khiến cho họ phải đau đầu vì không xác định được nghi phạm và động cơ gây án. Thông qua điều tra sơ bộ, các viên thanh tra đã xác định được danh tính của nạn nhân là Drebber. Ngay khi vụ án dần được hé lộ, Lestrade phát hiện một vụ án giết người khác cũng xuất hiện chữ “Rache” được viết bằng máu dưới thi thể của nạn nhân. Nạn nhân lần này là Staggerson – thư kí của Drebber. Cuộc điều tra càng thêm khó khăn và bế tắc vì các viên thanh tra và Holmes không thể xác định được mục đích thật sự của hung thủ là gì. Sau đó, Holmes phát hiện ra manh mối về viên thuốc được tẩm độc trong căn phòng của nạn nhân thứ hai. Bằng sự mưu trí, ông đã dụ hung thủ đến căn hộ của mình và bắt hắn tại đây, trước sự chứng kiến, giúp sức của Gregson, Lestrade và người bạn cùng phòng Waston. Nhờ đó, vụ án được hé mở. Dưới đây là sự diễn giải lại quá trình suy luận của Holmes qua cuộc trò chuyện với bác sĩ Waston.)
– Để giải quyết một vấn đề như vậy, cái quan trọng là lập luận ngược chiều. […] Đây là trường hợp người ta nói cho anh biết cái kết cục và tự anh phải tìm ra tất cả những sự việc đã dẫn đến cái kết cục ấy. Tôi xin kể lại với anh các giai đoạn khác nhau trong cách lập luận của tôi. Như anh đã biết, tôi đã đi bộ khi gần đến hiện trường, đầu óc hoàn toàn không có một dự kiến hay thiên kiến gì. Tôi bắt đầu xem xét đoạn đường dẫn đến ngôi nhà, và ở đó, tôi thấy rõ những vệt bánh xe, loại xe nhỏ hai chỗ chở thuê, và qua một vài câu hỏi, tôi biết chắc là xe này đã đậu ở đấy đêm trước. Tôi biết đây không phải là một chiếc xe nhà mà là xe chở thuê, căn cứ ở khoảng cách hẹp giữa hai bánh xe. Chiếc xe chở thuê thông thường ở London nhỏ hẹp hơn nhiều so với xe nhà. Sau đó tôi đã chầm chậm đi theo lối qua vườn mà nền đất là một loại đất sét, rất dễ nhận thấy vết chân, đối với con mắt nhà nghề của tôi thì mỗi dấu vết mang một ý nghĩa… Tôi đã thấy những vết chân nặng nề của các viên cảnh sát, nhưng tôi cũng thấy những vết chân của hai người đã đi qua khu vườn này trước đám cảnh sát kia: ở một đôi chỗ vết chân của hai người bị những vết chân cảnh sát đè lên, xóa đi. Qua đó, nó cho tôi biết đã có hai người lạ mặt đến đây hồi đêm, một người rất cao lớn – căn cứ theo chiều dài của bước chân và người kia ăn mặc sang trọng, căn cứ theo vết giầy nhỏ nhắn, thanh mảnh. Vào trong nhà, người đi giày sang trọng nằm đó. Vậy thì, người cao lớn là kẻ đã gây ra án mạng. Không có thương tích trên người nạn nhân, nhưng qua những nét kinh hoàng lưu lại trên mặt, tôi đoán hẳn nạn nhân đã được báo về số phận mình trước khi chết. Những người chết vì bệnh tim hoặc vì một nguyên nhân tự nhiên nào khác không bao giờ nét mặt lại nhăn nhúm đến như vậy. Ngửi môi nạn nhân, tôi thấy có mùi chua chua, tôi kết luận nạn nhân đã bị cưỡng bức uống thuốc độc. Chính vẻ căm thù và khiếp sợ biểu lộ trên mặt đã dẫn tôi đến suy đoán ấy. Tôi đi đến kết luận này bằng phương pháp loại trừ vì không có một giả thiết nào khác có thể giải thích được tất cả những chi tiết kia. Cưỡng bức nạn nhân uống thuốc độc hoàn toàn không phải là điều mới trong lịch sử hình sự. Tiếp theo đó là câu hỏi lớn: tại sao có vụ ám sát này? Tiền bạc không phải là động cơ. Vụ này dính đến chính trị hay đến phụ nữ? Trước hết tôi ngả về giả thiết thứ hai. Những kẻ ám sát chính trị một khi làm xong nhiệm vụ thì vội bỏ đi ngay. Ở đây ngược lại, thủ phạm đã để dấu vết trong khắp gian phòng, chứng tỏ y đã lưu lại đây khá lâu. Vậy đây là một vụ thanh toán do hận thù cá nhân chứ không phải là một vụ án chính trị. Khi phát hiện ra những chữ viết trên tường, tôi càng tin chắc sự suy đoán của tôi là đúng, đây quá rõ là một mưu mẹo nhằm đánh lạc hướng. Đến khi tìm thấy chiếc nhẫn thì tôi coi việc xác định giả thiết là đã xong. Rõ ràng thủ phạm đã dùng chiếc nhẫn này để gợi lại với nạn nhân một người phụ nữ đã chết hoặc vắng mặt. Chính là khi đó tôi hỏi Gregson xem trong bức điện gửi đi Cleverland, ông ta có hỏi một chi tiết gì đặc biệt về quá khứ của Drebber không. Chắc anh còn nhớ Gregson đã trả lời tôi là không. Sau đó, tôi xem xét tỉ mỉ gian phòng. Việc này giúp tôi thấy rõ tầm vóc, loại thuốc xì gà và móng tay dài của thủ phạm. Vì không có dấu vết vật lộn nào nên tôi kết luận chỗ máu giây ra trên sàn nhà hẳn là máu mũi của thủ phạm lúc bị quá khích. Tôi thấy những vết máu này trùng hợp với những vết chân của thủ phạm. Không mấy ai, trừ phi là người thuộc tạng rất thừa máu, lại chỉ vì xúc cảm mà chảy máu mũi. Vì vậy, tôi dám nghĩ rằng thủ phạm chắc là một người lực lưỡng, mặt đỏ vì xung huyết. Thực tế đã chứng minh là tôi đoán đúng. Ở ngôi nhà đó ra về, tôi đã vội vàng làm cái việc mà Gregson bỏ qua. Tôi điện cho Sở cảnh sát thành phố Cleverland, hỏi về những tình huống xung quanh cuộc hôn nhân của Drebber. Bức điện trả lời cho biết Drebber đã nhờ cảnh sát thành phố che chở cho mình khỏi bị một kẻ tên là Hope ám hại. Kẻ này là tình địch của Drebber trong một chuyện yêu đương cũ và hiện nay kẻ này đang có mặt tại châu Âu. Đến lúc ấy, tôi biết là đã nắm trong tay tất cả các đầu mối, chỉ còn có việc tóm cổ thủ phạm nữa thôi. Tôi đã tin chắc rằng người ấy đi cùng với Drebber vào ngôi nhà và người đánh xe chỉ là một. Vết chân ngựa day đi day lại trên đường cho thấy không có người giữ cương nó. Vậy thì người đánh xe lúc ấy ở đâu nếu không phải là ở trong nhà? Bởi không có ai dám gây ra một án mạng ngay trước mắt một người thứ ba để về sau người đó sẽ tố cáo mình. Cuối cùng, giả sử thủ phạm muốn theo dõi nạn nhân của mình qua các phố ở London thì liệu y còn tìm được cách nào tốt hơn là đóng vai người đánh xe ngựa không. Tất cả những khía cạnh ấy buộc tôi phải tìm Hope trong số những người đánh xe ngựa ở Luân Đôn. Nếu y làm nghề đánh xe thì không có lý do gì y lại không tiếp tục nghề ấy. Trái lại, theo cách nhìn của y, mọi sự thay đổi đột ngột có thể làm cho người ta chú ý đến y. Chắc y cũng tiếp tục nghề cũ, ít nhất trong một thời gian. Cũng không có lý do gì để giả thiết rằng y sống dưới một cái tên giả. Y cần gì phải đổi tên ở một nước không có ai quen biết? Tôi đã nhờ đến mấy chú bé lang thang, phái chúng đến hỏi tất cả các chủ xe London cho đến khi tìm được người mà tôi tìm. Chúng đã tìm được. Vụ giết Stanggerson là một việc hoàn toàn bất ngờ, nhưng dù sao cũng không thể ngăn ngừa được. Anh thấy không, tất cả những điều đó là một chuỗi sự việc logic móc nối nhau liên tục, không một kẽ hở, không một chỗ nào gián đoạn.
– Thật là tuyệt vời! – Watson kêu lên – Công lao của anh đáng được mọi người biết đến. Phải đăng một bài báo về vụ này. Nếu anh không viết thì tôi sẽ viết thay anh.
(Sherlock Holmes toàn tập, Arthur Conan Doyle, NXB Văn học)
Câu 1. Xác định thể loại của văn bản trên.
Câu 2. Xác định ngôi kể được sử dụng trong văn bản.
Câu 3. Câu ghép dưới đây là câu ghép đẳng lập hay câu ghép chính phụ? Xác định quan hệ ý nghĩa giữa các vế của câu ghép đó.
Tôi bắt đầu xem xét đoạn đường dẫn đến ngôi nhà, và ở đó, tôi thấy rõ những vệt bánh xe, loại xe nhỏ hai chỗ chở thuê, và qua một vài câu hỏi, tôi biết chắc là xe này đã đậu ở đấy đêm trước.
Câu 4. Vì sao vụ án này lại được coi là một vụ án nan giải, hóc búa?
Câu 5. Nhận xét về cách lập luận của nhân vật Sherlock Holmes trong văn bản.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể loại: Truyện trinh thám.
Câu 2.
Ngôi kể: Ngôi thứ ba.
Câu 3.
– HS chỉ ra được kiểu câu ghép: Câu ghép đẳng lập.
– HS xác định được quan hệ ý nghĩa giữa các vế của câu ghép:
+ Vế 1: Tôi bắt đầu xem xét đoạn đường dẫn đến ngôi nhà.
+ Vế 2: tôi thấy rõ những vệt bánh xe, loại xe nhỏ hai chỗ chở thuê.
+ Vế 3: tôi biết chắc là xe này đã đậu ở đấy đêm trước.
=> Các vế câu được nối với nhau bởi kết từ và, thể hiện quan hệ bổ sung giữa các vế câu.
Câu 4.
Vụ án này được coi là một vụ án nan giải, hóc búa vì:
– Trên thi thể của nạn nhân không hề có vết thương nào nhưng trong căn phòng lại có nhiều vết máu.
– Tại hiện trường vụ án có nhiều điểm đáng ngờ như chiếc nhẫn cưới, chữ viết “Rache” trên mé tường tối tăm và dưới thi thể của nạn nhân thứ hai.
– Hai vụ án xảy ra liên tiếp khiến cho các điều tra viên phải đau đầu vì khó mà xác định được nghi phạm và động cơ gây án thực sự.
Câu 5.
– HS dựa vào cách lập luận của Holmes trong văn bản để đưa ra nhận xét khái quát.
– Ví dụ: Holmes là một thám tử tài ba vì ông có cách lập luận vô cùng chặt chẽ, giàu sức thuyết phục:
+ Trước một vụ án nan giải, ông đã tư duy ngược để tìm ra hung thủ thực sự dựa trên cái nhìn khách quan, công bằng.
+ Ông còn tận dụng được triệt để các manh mối, dù là manh mối nhỏ nhất bị cảnh sát bỏ qua để xác lập nên các giả thiết, thu hẹp các khả năng để từ đó tìm ra hung thủ.
Câu 1. (2 điểm) Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Sherlock Holmes trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4 điểm) Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) bàn về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật Sherlock Holmes trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Có cái nhìn khách quan trong quá trình điều tra, phá án: Holmes căn cứ trên những bằng chứng thu thập được tại hiện trường và qua điều tra hay những lẽ thường để suy luận chứ không suy luận nửa vời, dựa trên những thiên kiến cá nhân: Như anh đã biết, tôi đã đi bộ khi gần đến hiện trường, đầu óc hoàn toàn không có một dự kiến hay thiên kiến gì... Chiếc xe chở thuê thông thường ở London nhỏ hẹp hơn nhiều so với xe nhà.
+ Có khả năng quan sát nhanh nhạy và tác phong làm việc cẩn thận: Ông đã xem xét kĩ lưỡng cả bên ngoài hiện trường vụ án để tìm kiếm những manh mối mà cảnh sát bỏ sót.
+ Có vốn hiểu biết sâu rộng: Không có thương tích trên người nạn nhân, nhưng qua những nét kinh hoàng lưu lại trên mặt, tôi đoán hẳn nạn nhân đã được báo về số phận mình trước khi chết. Những người chết vì bệnh tim hoặc vì một nguyên nhân tự nhiên nào khác không bao giờ nét mặt lại nhăn nhúm đến như vậy. Ngửi môi nạn nhân, tôi thấy có mùi chua chua, tôi kết luận nạn nhân đã bị cưỡng bức uống thuốc độc.
+ Có khả năng suy luận đáng kinh ngạc:
++ Trước vụ án nan giải này, ông đã chọn cách tư duy ngược để lật lại vụ án, sớm tìm ra hung thủ.
++ Chỉ từ những manh mối thu được, Holmes đã có thể xác định được hung thủ với những đặc điểm rất ấn tượng, suy đoán được những bước đi của hung thủ: Không mấy ai, trừ phi là người thuộc tạng rất thừa máu, lại chỉ vì xúc cảm mà chảy máu mũi. Vì vậy, tôi dám nghĩ rằng thủ phạm chắc là một người lực lưỡng, mặt đỏ vì xung huyết.; Nếu y làm nghề đánh xe thì không có lý do gì y lại không tiếp tục nghề ấy.; Cũng không có lý do gì để giả thiết rằng y sống dưới một cái tên giả.
=> Nhận xét về Holmes: Holmes là một vị thám tử thông minh, nhanh nhạy, tài ba, xuất chúng,…
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Giải thích từ khóa: “Hội nhập quốc tế” là quá trình các quốc gia hợp tác, liên kết với nhau nhằm cải thiện mối quan hệ dựa trên việc chia sẻ lợi ích, mục tiêu, giá trị chung.
– Thực trạng: Đất nước ta ngày càng đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế. (HS đưa ra số liệu thống kê nhằm giúp cho bài viết thêm xác thực, sâu sắc.)
– Bàn luận: “Hội nhập quốc tế” được thể hiện thông qua việc các quốc gia tăng cường việc giao thương, trao đổi về hàng hóa, hợp tác trong các chiến lược, giao lưu về văn hóa,… Điều này không chỉ đem đến những cơ hội lớn cho việc phát triển đất nước mà còn đi kèm với nhiều thách thức.
+ Cơ hội:
++ Góp phần duy trì ổn định hòa bình: Sự đoàn kết giữa các quốc gia góp phần tạo nên sự ổn định hòa bình của thế giới, hạn chế nguy cơ xảy ra chiến tranh.
++ Kích thích sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội: Việc hội nhập quốc tế đem đến nhiều cơ hội phát triển về mặt kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, nâng cao đời sống nhân dân,…
+ Thách thức: Bản sắc văn hóa truyền thống dễ bị hòa tan, mai một theo năm tháng do tình trạng sính ngoại của một bộ phận người dân.
– Trách nhiệm của người trẻ đối với đất nước trong thời kì hội nhập quốc tế:
+ Ra sức rèn đức luyện tài để có thể đáp ứng được nhu cầu của xã hội, thời đại, sẵn sàng góp sức mình vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước.
+ Tích cực giao lưu văn hóa đi kèm với việc bảo tồn, quảng bá văn hóa dân tộc trên trường quốc tế để tô đậm, làm giàu cho văn hóa dân tộc Việt Nam, để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.