Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề kiểm tra cuối học kì I - Đề số 3 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ 1 đến 5.
Sè sè nấm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Rằng: “Sao trong tiết thanh minh,
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”
Vương Quan mới dẫn gần xa:
“Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi(1).
Nổi danh tài sắc một thì,
Xôn xao ngoài cửa, hiếm gì yến anh.
Phận hồng nhan có mong manh(2),
Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương(3).
Có người khách ở viễn phương,
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.
Thuyền tình(4) vừa ghé tới nơi,
Thì đà trâm gãy, bình rơi(5) bao giờ.
Buồng không lạnh ngắt như tờ,
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.
Khóc than khôn xiết sự tình,
Khéo vô duyên bấy là mình với ta.
Đã không duyên trước chăng mà,
Thì chi chút ước gọi là duyên sau.
Sắm sanh nếp tử(6) xe châu(7),
Vùi nông một nấm(8), mặc dầu cỏ hoa.
Trải bao thỏ lặn, ác tà(9),
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm!"
Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa(10):
"Đau đớn thay, phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung."
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Chú thích:
(1) Ca nhi: Gái hát, cũng như ta nói ả đào.
(2) Phận hồng nhan có mong manh: Ý nói số phận mong manh của người con gái đẹp.
(3) Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương: Ý nói đang giữa tuổi xuân thì người đẹp chết.
(4) Thuyền tình: Người khách viễn phương đến tìm Đạm Tiên.
(5) Trâm gãy, bình rơi: Ý nói người đã chết, lấy ý tứ từ câu thơ Đường: Nhất phiến tình chu phương đáo ngạn / Bình trâm hoa chiết dĩ đa thì (Một lá thuyền tình vừa tới bến / Bình rơi hoa gãy đã từ lâu).
(6) Nếp tử: Áo quan làm bằng gỗ tử.
(7) Xe châu: Linh xa có treo rèm châu, ý nói linh xa lịch sự sang trọng.
(8) Vùi nông một nấm: Ý chỉ một nấm mồ thấp, sát mặt đất.
(9) Thỏ lặn, ác tà: Thỏ đại diện cho Mặt Trăng, ác là con quạ, cùng nghĩa với chữ "ô", chỉ Mặt Trời.
(10) Châu sa: Ý chỉ nước mắt rơi xuống. Sách xưa chép rằng: Xưa có giống người ở giữa biển gọi là Giao nhân – một thứ cá hình người. Giống người này khóc thì nước mắt đọng lại, kết thành hạt ngọc.
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên.
Câu 2. Chỉ ra một điển tích, điển cố được sử dụng trong văn bản.
Câu 3. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ sau:
Sè sè nấm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Câu 4. Nhận xét về hệ thống từ láy được tác giả sử dụng trong văn bản.
Câu 5. Trước hoàn cảnh của Đạm Tiên, Thúy Kiều đã có tâm trạng, cảm xúc gì? Điều này cho thấy Thúy Kiều là người con gái như thế nào?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ: Lục bát.
Câu 2.
Điển tích, điển cố: Trâm gãy, bình rơi hoặc châu sa.
Câu 3.
– HS chỉ ra được biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ: Đảo ngữ.
– HS phân tích tác dụng: Tác giả đã đảo các từ láy tượng hình sè sè, dàu dàu lên đầu mỗi dòng thơ nhằm nhấn mạnh trạng thái của sự vật được nói đến (độ thấp của nấm mồ Đạm Tiên; độ kém sắc, héo úa của ngọn cỏ).
Câu 4.
– HS chỉ ra các từ láy được tác giả sử dụng trong văn bản: Sè sè, dàu dàu, xôn xao, mong manh, đầm đầm.
– HS phân tích tác dụng của hệ thống từ láy: Việc sử dụng nhiều từ láy (cả từ láy tượng hình và tượng thanh) có tác dụng khắc họa chân thực, sinh động những đối tượng, sự việc được khắc họa trong văn bản; đồng thời tạo âm hưởng nhịp nhàng, dễ nhớ cho văn bản.
Câu 5.
– HS chỉ ra được tâm trạng, cảm xúc của nàng Kiều trước hoàn cảnh của Đạm Tiên: Đau lòng, xót thương cho số phận của Đạm Tiên.
– HS nhận xét về nhân vật Thúy Kiều: Nàng là người con gái nhân hậu. Trước hoàn cảnh của Đạm Tiên, nàng không chỉ đồng cảm với cảnh ảm đạm, lạnh lẽo nhang khói của nấm mồ Đạm Tiên khi không người thăm nom, săn sóc; mà nàng còn khóc thương cho thân phận những người phụ nữ tài hoa, bạc mệnh trong xã hội của nàng.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Đạm Tiên trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) bàn về lối sống thực dụng của giới trẻ hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật Đạm Tiên trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Nhân vật Đạm Tiên xuất hiện gián tiếp qua lời kể của Vương Quan:
++ Nghề nghiệp: ca nhi.
++ Ngoại hình: Xinh đẹp: Nổi danh tài sắc.
=> Xinh đẹp, tài năng nên được nhiều người quan tâm, tìm đến.
++ Số phận: Yểu mệnh, chết sớm: Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương. Dù vậy, nàng vẫn được người khách phương xa yêu mến, lo toan hậu sự chu đáo: Sắm sanh nếp tử, xe châu. Nhưng thời gian dần trôi, vì không người thân thích, nấm mồ của Đạm Tiên không được chăm nom, săn sóc nên dần trở nên Sè sè nấm đất bên đàng, / Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
+ HS nhận xét, đánh giá về nhân vật: Số phận của Đạm Tiên thật nhỏ bé, đáng thương. Vốn là người con gái tài năng, xinh đẹp, nàng phải được hưởng cuộc sống hạnh phúc, êm ấm. Nhưng thật là số phận trêu ngươi, Đạm Tiên qua đời khi mới nửa chừng xuân. Sau khi nàng mất, hoàn cảnh của nàng lại càng khiến người ta chạnh lòng thêm nữa vì mộ phần của nàng không ai đoái hoài, săn sóc, mặc vậy úa tàn theo năm tháng.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Lối sống thực dụng của giới trẻ hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Giải thích vấn đề nghị luận.
– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
– Thực trạng của vấn đề: Ngày càng nhiều bạn trẻ có lối sống thực dụng, ham hư danh. (HS trích dẫn số liệu, dẫn chứng cụ thể về lối sống này ở một số bạn trẻ trên mạng xã hội).
– Biểu hiện: Coi nặng giá trị của vật chất; sống buông thả, đua đòi, ăn chơi; xem nhẹ pháp luật, đạo đức, nhân cách;…
– Nguyên nhân: Sự ích kỷ của cá nhân; môi trường giáo dục chưa chú trọng đến đạo đức, nhân cách, kĩ năng sống; gia đình thiếu quan tâm, sát sao với con em mình;…
– Hệ quả của vấn đề:
+ Khiến các bạn trẻ dần trở nên tha hóa, bỏ quên việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức.
+ Hình thành thói vô cảm, vô trách nhiệm.
– Giải pháp:
+ Mỗi cá nhân cần loại bỏ lối sống ích kỉ, học cách quan tâm, yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh nhiều hơn.
+ Gia đình cần quan tâm con trẻ hơn.
+ Nhà trường, xã hội cần tạo ra những hoạt động tích cực, hấp dẫn, ý nghĩa để thu hút các bạn trẻ nhiều hơn nhằm trau dồi cho các bạn trẻ về vốn sống, tinh thần trách nhiệm,…
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.