Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề kiểm tra cuối học kì I - Đề số 3 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ câu 1 đến câu 5.
Lớp VIII
Nội giám - Tâu Hoàng thượng, Nguyên Quận công Trịnh Duy Sản xin vào bệ kiến.
LÊ TƯƠNG DỰC (cau mặt) - Lão gàn quái! Có việc gì khẩn cấp? (nghĩ một lúc) Cho vào.
(Nội giám ra.)
TRỊNH DUY SẢN (quỳ xuống) - Vạn tuế.
LÊ TƯƠNG DỰC - Cho bình thân. Ngươi tìm trẫm chắc vì có việc quân quốc.
TRỊNH DUY SẢN - Tâu Hoàng thượng, quả có thế.
LÊ TƯƠNG DỰC - Trẫm đã phó mặc việc nhớn việc nhỏ cho triều đình, ngươi chắc cũng đã biết. Trẫm còn bận việc Cửu Trùng Đài...
TRỊNH DUY SẢN - Hoàng thượng làm vua một nước, phải để ý đến mọi việc, phó thác làm sao cho triều đình được. Hoàng thượng không nên quá tin ở các quan. Họ nói rằng thiên hạ thái bình, thực ra phải nói: thiên hạ sắp loạn.
LÊ TƯƠNG DỰC - Vì cớ sao?
TRỊNH DUY SẢN - Hoàng thượng nên bãi ngay việc xây Cửu Trùng Đài.
KIM PHƯỢNG - Bãi Cửu Trùng Đài!
TRỊNH DUY SẢN - Dâm dật là mầm bại vong, xa xỉ là nguồn loạn lạc. Hoàng thượng là bậc thanh minh, xin nghĩ lại.
LÊ TƯƠNG DỰC - Ngươi hãy lui ra, trẫm không muốn nghe chuyện chướng tai nữa, lui ra.
TRỊNH DUY SẢN (nói to) - Hạ thần chỉ lo cho cơ nghiệp nhà Lê, cho Hoàng thượng, nên mới nói thật. Loạn đến nơi rồi!
LÊ TƯƠNG DỰC - Lại mấy đám giặc cỏ chứ gì?
TRỊNH DUY SẢN - Hoàng thượng không biết rõ. Giặc giã nổi lên khắp nơi. Đó là một điềm bất tường. Kinh Bắc thì có Thôn Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng. Đất Sơn Tây thì có Trần Tuân; Tam Đảo thì có Phùng Chương. Chúng dấy binh làm loạn, giết cả quan lại triều đình, hãm hiếp dân đen, đốt phá làng mạc. Dân gian không được an cư lạc nghiệp, ruộng nương bỏ hoang, cửi canh xao nhãng, cực khổ không biết thế nào mà kể cho hết. Tiếng oán thán nổi lên đầy trời.
LÊ TƯƠNG DỰC - Trẫm đã sai tướng đi đánh dẹp.
TRỊNH DUY SẢN - Còn một đám giặc nữa, dân chúng theo có hàng vạn người, thanh thế lừng lẫy...
LÊ TƯƠNG DỰC - Lũ Trần Cao chứ gì?
TRỊNH DUY SẢN - Tâu Hoàng thượng chính vậy. Trần Cao thấy sấm nổi ở phương đông có thiên tử khí, cùng đồ đảng đánh lấy đất Thụy Dương, Đông Triều, tự xưng là Đế Thích giáng sinh, nghiễm nhiên lập một triều đình riêng trong đất Việt... Hiện đã kéo quân đến Đế đô, chực hãm kinh thành.
LÊ TƯƠNG DỰC - Trẫm phải đợi đến ngươi tâu bầy, thì dễ lũ sương cuồng Trần Cao đã làm cỏ kinh thành. Ngươi cứ yên tâm. Trẫm đã sai An Hòa hầu Nguyễn Hoàng Du sang đóng quân ở Bồ Đề chống giữ, giặc đã chạy về Châu Sơn. Kinh thành này vững như bàn thạch.
TRỊNH DUY SẢN - Đã đủ đâu, còn các nơi?
LÊ TƯƠNG DỰC - Dẹp xong cả.
TRỊNH DUY SẢN - Cũng không hết. Dẹp bọn này, bọn khác lại nổi như đầu Phạm Nhan, bệnh nặng phải trừ từ rễ. Giặc giã nổi lên vì dân gian oán triều đình. Chính sự đổ nát...
KIM PHƯỢNG - Nguyên Quận công ăn nói lạ lùng!
LÊ TƯƠNG DỰC - Ngươi không nể mặt trẫm sao? Người trung thần không ai nói thế. Trẫm rộng lượng, vua khác thì ngươi đã không toàn tính mệnh.
TRỊNH DUY SẢN - Hoàng thượng nên xét cho lòng thành thực của hạ thần. Chính sự đổ nát lắm rồi. Muốn cho nước yên thì phải thể lòng dân, mà dân bây giờ ai cũng oán Vũ Như Tô, mấy lũ... cung nữ.
KIM PHƯỢNG (quỳ xuống) - Trời ơi! Thần thiếp có tội gì? (Nắm vạt áo long bào khóc).
LÊ TƯƠNG DỰC - Ái khanh đứng dậy. Ái khanh không có tội gì. (Nhìn Trịnh Duy Sản một cách giận dữ). Ngươi lui ra, ngươi lui ra. Cung nữ là phận liễu bồ không hề bước chân ra khỏi Tử cấm thành, hỏi họ có tội gì? Có ai dọa làm tội thê thiếp ngươi không, Trịnh Duy Sản?
TRỊNH DUY SẢN - Chính họ đưa Hoàng thượng vào con đường tửu sắc, con đường xa xỉ. Chính vì muốn đẹp lòng họ mà Hoàng thượng cho xây Cửu Trùng Đài.
LÊ TƯƠNG DỰC - Đó là ý trẫm. Ngươi không được nói nữa.
TRỊNH DUY SẢN - Còn như Vũ Như Tô nữa. Nó đã bày vẽ ra Cửu Trùng Đài, hao tiền tốn của vì nó, sưu cao thuế nặng vì nó, triều đình đổ nát, giặc giã như ong là vì nó. Kiệt Trụ mất nước chỉ vì cái bệnh xây cung điện. Xin Hoàng thượng mau mau tỉnh ngộ, tu tỉnh thân mình, xa gái đẹp, đuổi Vũ Như Tô, học thói thanh liêm, thương dân như con kẻo họa đến thân.
LÊ TƯƠNG DỰC - Duy Sản, ngươi bước ngay. Kẻo cái công hãn mã của ngươi trẫm không kể nữa. Trẫm phải nghe ngươi dạy khôn à?
TRỊNH DUY SẢN - Xin Hoàng thượng nghe lời hạ thần đuổi cung nữ, chém Vũ Như Tô... (nắm lấy áo vua).
LÊ TƯƠNG DỰC - Lão ương gàn, quân hủ nho... (rút kiếm) Bước!
TRỊNH DUY SẢN - Hạ thần xin chết về tay Hoàng thượng còn hơn là trông thấy ngày nhà Lê mất nghiệp (quỳ xuống vươn cổ).
(Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng)
Tóm tắt: Vũ Như Tô là vở bi kịch lịch sử gồm 5 hồi, viết về sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 - 1517 dưới triều Lê Tương Dực. Vở kịch xoay quanh cuộc đời nhân vật chính - Vũ Như Tô - một kiến trúc sư tài năng. Lê Tương Dực là một hôn quân, suốt ngày say mê tửu sắc, ăn chơi sa đọa, bỏ bê việc nước. Hắn muốn Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài để làm nơi hưởng lạc, vui chơi cùng đám cung nữ. Vũ Như Tô vì quan niệm nghệ thuật thuần khiết, thanh cao đã đưa gia đình đi chốn nhưng vẫn không thể thoát khỏi tay sai của Lê Tương Dực. Khi bị giải vào cung, ông được cung nữ Đam Thiềm thuyết phục và đồng ý xây Cửu Trùng Đài. Từ đó, ông dồn hết tâm trí vào việc xây dựng cho đất nước một công trình kì vĩ, “tranh tinh xảo với hóa công”, để nước ta không hề thua kém với các nước láng giềng. Thế nhưng, ông đã vô tình gây ra biết bao tai họa cho người dân: Thuế khóa nặng nề, thợ giỏi bị bắt vào cung xây đài, tróc nã, hành hạ những người chống đối, biết bao người chết vì xây Cửu Trùng Đài khiến lòng dân oán hận. Quận công Trịnh Duy Sản đã nhiều lần can ngăn, khuyên giải nhưng Lê Tương Dực vẫn chấp mê bất ngộ. Nhân lúc tình hình rối ren, ông đã cầm đầu phe đối lập trong triều, dấy binh nổi loạn, lôi kéo thợ làm phản, giết chết Lê Tương Dực, Vũ Như Tô, Đan Thiềm và phá hủy Cửu Trùng Đài.
Câu 1. Đoạn trích trên tái hiện lại sự việc nào?
Câu 2. Dẫn ra một lời độc thoại của nhân vật trong đoạn trích trên.
Câu 3. Nhận xét về những chỉ dẫn sân khấu của vua Lê Tương Dực.
Câu 4. Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn sau: Giặc giã nổi lên khắp nơi. Đó là một điềm bất tường. Kinh Bắc thì có Thôn Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng. Đất Sơn Tây thì có Trần Tuân; Tam Đảo thì có Phùng Chương. Chúng dấy binh làm loạn, giết cả quan lại triều đình, hãm hiếp dân đen, đốt phá làng mạc. Dân gian không được an cư lạc nghiệp, ruộng nương bỏ hoang, cửi canh xao nhãng, cực khổ không biết thế nào mà kể cho hết. Tiếng oán thán nổi lên đầy trời.
Câu 5. Từ đoạn trích, em có nhận xét gì về bối cảnh xã hội lúc bấy giờ?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Đoạn trích trên tái hiện lại sự việc: Quận công Trịnh Duy Sản ra sức khuyên vua Lê Tương Dực tỉnh ngộ, rời xa sắc dục và dừng việc xây dựng Cửu Trùng Đài.
Câu 2.
Lời độc thoại được thể hiện qua lời thoại của vua Lê Tương Dực: Lão gàn quái! hoặc Có việc gì khẩn cấp?.
Câu 3.
- HS chỉ ra những chỉ dẫn sân khấu của vua Lê Tương Dực: cau mặt, nghĩ một lúc, nhìn Trịnh Duy Sản một cách giận dữ, rút kiếm.
- HS nhận xét, đánh giá những chỉ dẫn sân khấu của vua Lê Tương Dực:
+ Có tác dụng mô tả chân thực, cụ thể rõ nét hơn về nhân vật Lê Tương Dực.
+ Thể hiện rõ diễn biến tâm lí của vua Lê Tương Dực trước những lời can gián của Trịnh Duy Sản (đi từ không ưa đến tức giận đến mức như muốn giết chết Trịnh Duy Sản).
Câu 4.
- HS xác định được biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn: Liệt kê: Kinh Bắc thì có Thôn Duy Nhạc, Ngô Văn Tổng. Đất Sơn Tây thì có Trần Tuân; Tam Đảo thì có Phùng Chương. Chúng dấy binh làm loạn, giết cả quan lại triều đình, hãm hiếp dân đen, đốt phá làng mạc. Dân gian không được an cư lạc nghiệp, ruộng nương bỏ hoang, cửi canh xao nhãng, cực khổ không biết thế nào mà kể cho hết. Tiếng oán thán nổi lên đầy trời.
- HS phân tích được tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê trong đoạn văn: Khắc họa chân thực, cụ thể bối cảnh loạn lạc của đất nước ta lúc bấy giờ: Những cuộc khởi nghĩa xảy ra khắp nơi, nhân dân đói kém, loạn lạc, lầm than, bị hãm hiếp,...
Câu 5.
- HS khái quát được bối cảnh xã hội lúc bấy giờ: Đất nước loạn lạc, nhân dân điêu đứng lầm than không chỉ vì giặc cỏ làm loạn khắp nơi, mà còn vì vua quan bỏ bê dân chúng, chấp mê bất ngộ, chỉ biết vơ vét, bắt ép dân chúng, ham mê sắc dục. (HS có thể trích dẫn đan xen những chi tiết trong tác phẩm để làm sâu sắc hơn câu trả lời của mình.)
- HS nhận xét được về vua Lê Tương Dực: Vua Lê Tương Dực là một vị hôn quân, nhu nhược và ích kỉ.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Lê Tương Dực trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) bàn về bệnh vô cảm của giới trẻ hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật Lê Tương Dực trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ HS phân tích những nét đặc sắc về nhân vật Lê Tương Dực:
++ Là hôn quân, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, bỏ bê dân chúng. Điều này được thể hiện qua những chi tiết: Vua bắt Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài không phải là vì đất nước, mà chỉ vì ham muốn cá nhân; vua quan ra sức tăng thuế nhưng không chăm lo đời sống của nhân dân, mặc kệ nhân dân điêu đứng vì giặc cỏ, đói khát; vua vịn cớ lo việc Cửu Trùng Đài mà đẩy hết việc nước cho các quan.
++ Là vị vua nhu nhược, chấp mê bất ngộ. Khi Trịnh Duy Sản ra sức can gián, nói rõ sự tình ngoài cung với vua, vua đã tỏ rõ sự chán chường, ghét bỏ và cuối cùng là tức giận tới mức rút kiếm chỉ trực giết chết Quận công Trịnh Duy Sản.
+ HS nhận xét, đánh giá về nhân vật: Phê phán thái độ, hành động của Lê Tương Dực đối với việc trị nước: Bỏ bê, chủ quan, không chăm lo cho nhân dân khi nhân dân đói khổ, lầm than; ra sức vơ vét của dân; nhu nhược, bỏ ngoài tai lời khuyên ngăn của trung thần.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Bệnh vô cảm của giới trẻ hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Giải thích vấn đề nghị luận.
– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
– Thực trạng của vấn đề: Bệnh vô cảm xuất hiện ngày càng nhiều trong giới trẻ. (HS trích dẫn số liệu, dẫn chứng cụ thể về căn bệnh này).
– Biểu hiện: Thờ ơ, vô cảm với mọi người xung quanh.
– Nguyên nhân:
+ Sự ích kỉ cá nhân.
+ Sự phát triển về mặt khoa học, công nghệ khiến cho con người ngày một thu hẹp không gian sống của mình lại, hầu như chỉ xoay quanh chiếc điện thoại, máy tính, dẫn đến sự đứt gãy của các mối quan hệ gia đình và xã hội.
– Hệ quả của vấn đề:
– Giải pháp:
+ Mỗi cá nhân cần loại bỏ lối sống ích kỉ, học cách quan tâm, yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh nhiều hơn.
+ Gia đình cần quan tâm con trẻ hơn.
+ Nhà trường, xã hội cần tạo ra những hoạt động tích cực, hấp dẫn, ý nghĩa để thu hút các bạn trẻ nhiều hơn nhằm kích thích các bạn đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho xã hội, góp phần bồi đắp lòng nhân ái, sự thấu hiểu và cảm thông.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.