Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề kiểm tra cuối học kì I - Đề số 2 SVIP
(4 điểm) Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:
Nghĩ thêm về chi tiết cái bóng trong truyện Chuyện người con gái Nam Xương
ThS. Đinh Văn Thiện
(1) Truyện “Chuyện người con gái Nam Xương” được Nguyễn Dữ viết lại với rất nhiều sáng tạo từ một cốt truyện dân gian. Truyện kể về một người chồng vì ghen tuông quá mức, dẫn tới những hành động mù quáng, làm tan nát cả một gia đình yên ấm, lẽ ra sẽ rất hạnh phúc. Hành động ghen tuông của người chồng đã đẩy người vợ đến chỗ uất ức quá phải nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn để chứng tỏ sự trong trắng thuỷ chung của mình. Từ góc độ đề tài, truyện không có gì mới mẻ. Tuy nhiên truyện vẫn rất hấp dẫn bởi đã xây dựng được một tình huống rất độc đáo. Đó là tình huống, sau bao nhiêu năm chinh chiến ngoài biên ải theo lệnh của triều đình, người chồng may mắn thoát chết trở về, những mong được ôm ấp đứa con của mình trong tình cha con đằm thắm, nào ngờ chính đứa con lại nói: “Ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia, chỉ nín thin thít”. Đứa con còn kể tiếp: “Trước đây thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Người vợ nói thế nào người chồng cũng không tin. Hàng xóm phân giải mọi điều về sự hiếu thảo, thuỷ chung của người vợ ở nhà, người chồng cũng chỉ cho là người vợ do khéo mồm khéo miệng mà được hàng xóm bao che. Tình huống ấy buộc người đọc phải theo dõi câu chuyện đến tận cùng xem kết cục là vì sao lại như vậy. Vì chuyện ghen tuông xưa nay vẫn có đến một ngàn lẻ một cách lí giải khác nhau, làm sao cắt nghĩa hết được! Người chồng chỉ sáng mắt ra khi chính đứa con chỉ vào cái bóng của anh ta nói: “Cha Đản đấy”.
(2) Tuy nhiên, để tình huống ấy diễn ra một cách tự nhiên, hợp lí, người kể chuyện đã khéo léo cài đặt sẵn một chi tiết hết sức tự nhiên, một chi tiết lấy ra từ chính đời sống thường ngày. Đó là chi tiết lấy từ “trò chơi soi bóng trên tường”. Ngày xưa chưa có tivi, đến cả “rối hình" cũng không có, tối tối con cái thường quây quần quanh cha mẹ, ông bà, chơi trò soi bóng trên tường, nhờ ánh sáng ngọn đèn dầu, mỡ. Trò chơi này hết sức thú vị, vì từ hai bàn tay người chơi có thể tạo ra bao nhiêu hình thù vừa quen thuộc vừa kì lạ khác nhau, dựa vào tài khéo léo, óc tưởng tượng của cả người chơi và người xem. Trong trò chơi này ai cũng là người chơi, ai cũng là người xem nên có cái vui nhộn của không khí dân chủ và bình đẳng. Người vợ, vì chồng vắng nhà dằng dặc như thế, tối tối cũng chỉ còn biết chơi đùa với con bằng trò chơi ấy. Có lẽ vì muốn con luôn cảm thấy người cha vẫn có mặt ở nhà, và để tự an ủi mình, thấy mình với chồng vẫn luôn bên nhau như hình với bóng, nên người vợ đã chỉ vào cái bóng của mình mà nói với con rằng đó là cha của Đản - tên của đứa con. Gia đình, vì thế, lúc nào cũng cảm thấy sum vầy đông đủ, sự trống trải đã được khỏa lấp bằng hình ảnh của cái bóng êm đềm.
(3) Từ một trò chơi dân dã, hết sức phổ biến, người kể chuyện đã đẩy lên thành một cái cớ để xây dựng thành một tình huống truyện độc đáo. Đó chính là sự tài hoa, sâu sắc của người kể chuyện. Cái bóng chỉ là cái cớ để xây dựng tình huống, là một chi tiết nghệ thuật, sao chúng ta lại gọi nó là “cái bóng oan khiên"? Đừng gán cho nó cái giá trị tư tưởng vốn không phải của nó mà quên mất cái đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của người xưa. Trò chơi ấy cũng còn cho thấy tấm lòng của người vợ nhớ chồng da diết nhường nào, thương con đến nhường nào. Người vợ làm sao có thể nghĩ tới việc sau này đứa con sẽ nói với người cha của nó những câu như ta đã thấy để tránh né câu chuyện vui đùa mà tình nghĩa và xúc động kia. Vì thế làm sao ta lại có thể phán xét rằng chính người vợ cũng có lỗi về cái chết của nàng một khi biết tính chồng hay đa nghi lại còn đùa với con như vậy. Lỗi và tội ở đây là cái sự ghen tuông đến mù quáng như một căn bệnh truyền đời của nhân loại.
(4) Cũng chính vì mục đích sâu xa là lên án một cách gay gắt, quyết liệt thói ghen tuông (chứ không phải để lên án chiến tranh phong kiến loạn lạc, như một số nhận xét thường thấy) mà Nguyễn Dữ đã viết thêm đoạn kết (không có trong văn bản truyện cổ dân gian) có tính chất “thần kỳ”. Đoạn kết ấy không phải chỉ để câu chuyện thêm hấp dẫn! Đó là một kết thúc “mở” có ý nghĩa trả lại cho Vũ Nương sự trong sạch của một tấm lòng thuỷ chung, trong sáng, đồng thời thể hiện một thái độ bao dung đối với sai lầm của người chồng và của chính nàng mà thôi.
(5) Truyện đã không để Vũ Nương về với chồng con. Điều đó buộc người đọc phải suy nghĩ sâu hơn về bài học mà truyện đặt ra. Người bị oan, cuộc đời có thể giải oan giúp họ. Còn hậu quả của những sai lầm do chính con người gây ra thì khôn lường và không phải bao giờ cũng khắc phục được. Đoạn kết của truyện đã xoáy vào lòng người đọc nỗi xót xa bởi cảnh đứa trẻ mất mẹ, suốt đời trong cảnh mồ côi, chỉ do thói ghen tuông của người cha...
(Văn học và Tuổi trẻ, số 7 (190), năm 2009)
Câu 1. Xác định luận đề của văn bản.
Câu 2. Theo người viết, truyện Chuyện người con gái Nam Xương hấp dẫn bởi tình huống truyện độc đáo nào?
Câu 3. Mục đích của việc người viết nhắc đến tình huống truyện ở phần mở đầu văn bản là gì?
Câu 4. Chỉ ra một chi tiết được trình bày khách quan và một chi tiết được trình bày chủ quan trong đoạn (2). Nhận xét về mối quan hệ giữa cách trình bày khách quan và cách trình bày chủ quan đó trong văn bản.
Câu 5. Từ văn bản, cho biết vì sao người viết lại cho rằng chi tiết cái bóng là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Luận đề: Ý nghĩa của chi tiết cái bóng trong truyện Chuyện người con gái Nam Xương.
Câu 2.
- Tình huống truyện độc đáo: Người chồng sau bao năm đi lính theo lệnh của triều đình, may mắn thoát chết trở về, những mong được ôm ấp đứa con thì đứa con lại kể về người cha của mình ở nhà, khiến cho Trương Sinh nghi ngờ vợ.
- Chi tiết cái bóng chính là yếu tố quan trọng làm nên tình huống đầy bi kịch này.
Câu 3.
Mục đích của việc người viết nhắc đến tình huống truyện ở phần mở đầu văn bản là để dẫn dắt, tạo đòn bẩy cho việc tập trung phân tích chi tiết cái bóng.
Câu 4.
- Chi tiết khách quan: Ngày xưa chưa có tivi, đến cả “rối hình" cũng không có, tối tối con cái thường quây quần quanh cha mẹ, ông bà, chơi trò soi bóng trên tường, nhờ ánh sáng ngọn đèn dầu, mỡ.
- Chi tiết chủ quan: Có lẽ vì muốn con luôn luôn cảm thấy người cha vẫn có mặt ở nhà, và để tự an ủi mình, thấy mình với chồng vẫn luôn bên nhau như hình với bóng, nên người vợ đã chỉ vào cái bóng của mình mà nói với con rằng đó là cha của Đản - tên của đứa con.
- Mối quan hệ giữa hai cách trình bày trên trong văn bản:
+ Phần trình bày ý kiến khách quan là cơ sở để dẫn dắt tới ý kiến chủ quan của người viết, tạo nên sự thuyết phục cho ý kiến chủ quan.
+ Phần trình bày ý kiến chủ quan giúp người viết thể hiện rõ được ý kiến, quan điểm của mình trong quá trình đọc hiểu tác phẩm, góp phần làm rõ luận đề của bài viết, tạo nên sự thống nhất giữa nhan đề và nội dung bài viết, tạo nên sức thuyết phục lớn đối với người đọc.
Câu 5.
Người viết cho rằng chi tiết cái bóng là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc vì:
- Nó bắt nguồn từ một trò chơi dân gian, hết sức phổ biến, gần gũi với nhân dân.
- Nó thể hiện tình yêu của Vũ Nương dành cho con, cho chồng.
=> Người kể chuyện đã khéo léo đẩy một trò chơi dân gian lên làm một cái cớ để xây dựng một tình huống truyện độc đáo, góp phần bộc lộ sâu sắc chủ đề, tư tưởng của tác phẩm - lên án thói ghen tuông mù quáng như một căn bệnh truyền đời của nhân loại.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Dung trong đoạn trích sau:
(Lược một đoạn: Dung là con thứ bốn trong gia đình bị sa sút kinh tế. Nàng lớn lên trong sự hờ hững, lạnh nhạt của gia đình. Rồi bị mẹ già bán cho một nhà giàu để lấy mấy trăm đồng bạc.)
Khốn nạn cho Dung từ bé đến nay không phải làm công việc gì nặng nhọc, bây giờ phải tát nước, nhổ cỏ, làm lụng đầu tắt mặt tối suốt ngày. Đã thế lại không có người an ủi. Chồng nàng thì cả ngày thả diều, chả biết cái gì mà cũng không dám cãi lại bà cụ. Còn hai em chồng nàng thì ghê gớm lắm, thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm.
Những lúc Dung cực nhọc quá, ngồi khóc thì bà mẹ chồng lại đay nghiến:
- Làm đi chứ, đừng ngồi đấy mà sụt sịt đi cô. Nhà tôi không có người ăn chơi, không có người cả ngày ôm lấy chồng đâu.
Rồi bà kể thêm:
- Bây giờ là người nhà tao rồi thì phải làm. Mấy trăm bạc dẫn cưới, chứ tao có lấy không đâu.
Dung chỉ khóc, không dám nói gì. Nàng đã viết ba bốn lá thư về kể nỗi khổ sở của nàng, nhưng không thấy cha mẹ ở nhà trả lời.
(Lược một đoạn: Dung ăn trộm tiền của mẹ chồng để trốn về nhà nhưng bị mẹ đẻ đay nghiến. Sáng hôm sau, mẹ chồng xuống tìm nàng.)
Bị khổ quá, nàng không khóc được nữa. Nàng không còn hi vọng gì ở nhà cha mẹ nữa. Nghĩ đến những lời đay nghiến, những nỗi hành hạ nàng phải sẽ chịu, Dung thấy lạnh người đi như bị sốt. Nàng hoa mắt lên, đầu óc rối bời, Dung ước ao cái chết như một sự thoát nợ.
Nàng không nhớ rõ gì. Ra đến sông lúc nào nàng cũng không biết. Như trong một giấc mơ, Dung lờ mờ thấy cái thành cầu, thấy dòng nước chảy. [...] Nàng uất ức lịm đi, thấy máu đỏ trào lên, rồi một cái màng đen tối kéo đến che lấp cả.
Bỗng nàng mơ màng nghe thấy tiếng nhiều người, tiếng gọi tên nàng, một làn nước nóng đi vào cổ. Dung ú ớ cựa mình muốn trả lời.
[…] Hai hôm sau, Dung mạnh khỏe hẳn. Bà mẹ chồng vẫn chờ nàng, hỏi có vẻ gay gắt thêm:
- Cô định tự tử để gieo cái tiếng xấu cho tôi à? Nhưng đời nào, trời có mắt chứ đã dễ mà chết được. Thế bây giờ cô định thế nào? Định ở hay định về?
Dung buồn bã trả lời:
- Con xin về.
(Trích Hai lần chết, Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, 2008)
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề bình đẳng giới hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1. (2 điểm)
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
– Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
– Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích nhân vật Dung trong đoạn trích.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Dung có số phận đáng thương như những người con gái trong xã hội xưa:
++ Xuất thân trong một gia đình bị sa sút kinh tế, từ nhỏ phải chịu cảnh thờ ơ, hờ hững của gia đình.
++ Không được coi trọng, bị coi như một món hàng để kiếm chác: bị mẹ già bán cho một nhà giàu để lấy mấy trăm đồng bạc.
++ Ở nhà chồng thì không được chồng quan tâm, yêu thương, hai người em chồng thì thi nhau làm cho nàng bị mắng thêm, mẹ chồng thì ghê gớm, suốt ngày mắng mỏ, chửi rủa.
++ Khổ cực, tủi thân, nàng viết thư về cho gai đình nhưng cha mẹ nàng cũng không ai hồi âm, quan tâm nàng. Thậm chí, nàng đánh liều lấy trộm tiền của mẹ chồng để về nhà mẹ đẻ thì lại bị chính mẹ đẻ đay nghiến.
++ Trước cảnh sống khổ sở, nàng đã chọn nhảy sông nhưng không chết. Kết cục nàng vẫn đành vâng lời mà về nhà với mẹ chồng.
=> Đặt trong mối quan hệ với nhan đề, chúng ta có thể thấy, hai lần chết của Dung, thì lần thứ nhất chính là cái chết về thể xác không thành, còn cái chết thứ hai, có lẽ chính là cái chết về mặt tinh thần khi nàng chấp nhận quay về nhà với mẹ chồng. (HS bàn luận về cái chết về mặt tinh thần theo quan điểm, cách lí giải của mình.)
+ Nhận xét về phương diện nghệ thuật: Có sự kết hợp giữa nhiều điểm nhìn: Điểm nhìn của người kể chuyện, điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn bên trong của nhân vật góp phần khắc họa chân thực, sâu sắc số phận, hoàn cảnh của nhân vật Dung.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2. (4 điểm)
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vấn đề bình đẳng giới hiện nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
– Xác định được các ý chính của bài viết.
– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Thân bài: Triển khai vấn đề nghị luận:
– Giải thích từ khóa: Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
– Thực trạng: Trong những năm qua, dù xã hội đã có nhiều tiến bộ, văn minh hơn, song vấn đề bình đẳng giới vẫn còn gặp phải nhiều bất cập, chưa thực sự được giải quyết triệt để, đặc biệt là ở nông thôn, vùng núi. (HS tìm kiếm số liệu, dẫn chứng cụ thể đưa vào bài.)
– Nguyên nhân:
+ Vẫn còn tồn tại những thành kiến, định kiến về vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
+ Còn nhiều phụ nữ chưa hiểu đúng về quyền và bình đẳng giới.
– Giải pháp:
+ Tích cực tuyên truyền, phổ cập về bình đẳng giới.
+ Nghiêm khắc phê bình, xử phạt những hành vi bạo lực gia đình dưới mọi hình thức.
– Bàn luận mở rộng: Những năm gần đây, sự mất cân bằng về giới tính đã làm thay đổi ít nhiều vấn đề bình đẳng giới. Điều này đòi hỏi chúng ta cần có cách nuôi dạy, ứng xử công bằng nhằm tạo nên một môi trường công bằng, văn minh cho những thế hệ sau.
* Kết bài: Khái quát vấn đề nghị luận.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.