Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Dàn ý tham khảo số 1 SVIP
DÀN Ý THAM KHẢO SỐ 1
Em hãy viết bài thuyết minh giới thiệu một số phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam.
(Sách Ngữ văn Cánh Diều 11, tập 1, tr.118, NXB Đại học Huế)
DÀN Ý
A. Mở bài
Giới thiệu khái quát một số phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam:
- Phẩm chất chăm chỉ, cần cù, sáng tạo.
- Phẩm chất giàu tình yêu thương và lòng nhân ái.
- Phẩm chất yêu nước.
B. Thân bài
1. Phẩm chất chăm chỉ, cần cù, sáng tạo
- Chăm chỉ, cần cù, sáng tạo là những đức tính quý báu của con người Việt Nam trong cuộc sống từ xưa nay, trở thành một lợi thế lớn của chúng ta khi lao động, hợp tác với nhau và với bạn bè quốc tế. Chăm chỉ, cần cù nghĩa là thường xuyên, đều đặn cố gắng, kiên trì, cần mẫn trong học tập, lao động, không ngại khó, ngại khổ. Nhưng người Việt ta không chăm chỉ, cần cù suông, mà luôn tìm cách để sáng tạo, cải tiến, nâng cao hiệu quả học tập và làm việc.
- Nguồn gốc hình thành phẩm chất:
+ Nền văn hóa nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi là chủ yếu đòi hỏi con người phải lao động với nhịp độ thường xuyên, đều đặn, kiên trì từ ngày này qua ngày khác, vụ mùa này qua vụ mùa khác.
+ Với điều kiện sinh tồn đầy khó khăn, khắc nghiệt, con người Việt Nam không thể tồn tại nếu không cần cù, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động. Chính mảnh đất giàu tài nguyên nhưng nhiều thiên tai, khí hậu khắc nghiệt đã rèn giũa, hình thành tính cách chịu thương, chịu khó, biết trân trọng thành quả lao động của mình, của người khác, linh hoạt trong lao động và sản xuất.
+ Những năm tháng chiến tranh liên miên trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc khiến cho chúng ta luôn trong tình trạng phải “vừa xây vừa chống”. Chỉ cần chậm trễ, lơ là, sẽ khiến nhịp độ phát triển tuột trôi và không kịp khắc phục các hậu quả.
- Chăm chỉ, cần cù, siêng năng và sáng tạo không phải chỉ có ý nghĩa trong học tập hay lao động, mà gần như là tất cả các mặt của đời sống của người Việt đều không thể thiếu vắng những phẩm chất ấy.
2. Phẩm chất giàu tình yêu thương và lòng nhân ái
- Nhắc đến giá trị đạo đức truyền thống của con người Việt Nam không thể không nhắc đến lòng yêu thương, vị tha và nhân ái, đã kết tinh thành những dòng chảy mạnh mẽ của chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo cao cả từ thuở xa xưa. Những bài học vỡ lòng đầu tiên trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ sinh ra trên mảnh đất Việt Nam gần như luôn là “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”... mỗi người dân Việt Nam luôn có cách ứng xử, yêu thương người khác như chính bản thân mình, vừa biểu hiện sự thấu hiểu, cảm thông, hiểu mình, hiểu người; bên cạnh đó còn luôn giữ thái độ hòa hiếu, độ lượng, bao dung, ngay cả với kẻ thù của mình: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”. (Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi)
- Nguồn gốc hình thành phẩm chất:
+ Nền văn hóa nông nghiệp đề cao sự cố kết trong cộng đồng.
+ Môi trường sống với tự nhiên khắc nghiệt thất thường và chiến tranh kéo dài khiến cho con người nảy sinh sự đồng cảm, lòng tương thân tương ái. Mong muốn đoàn kết, gắn bó và yêu thương lẫn nhau để cùng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
+ Tâm lí, tính cách thích sự ân cần, yêu thương, ưa tình cảm.
- Ví dụ:
+ Trong thời kì đỉnh dịch Covid - 19 đầy khó khăn, căng thẳng, không chỉ lo toan chu đáo về vấn đề phòng chống dịch và chữa trị cho những bệnh nhân trong nước, mà Chính phủ còn quan tâm, nhấn mạnh việc cần phải đón những công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu trở về nước. Việc phòng, chống và chữa bệnh trong đại dịch Covid - 19 được thực hiện dựa trên tinh thần: “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
+ Gần đây nhất, MV Nấu ăn cho em kể câu chuyện nhân văn về hành trình Đen và ca sĩ trẻ PiaLinh (Hương Linh) đến thăm các em nhỏ tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sá Tổng (Mường Chà, Điện Biên). MV gửi thông điệp nhân văn về sự sẻ chia, yêu thương giữa người với người. Đen cho biết toàn bộ doanh thu từ lượt nghe và xem của bài hát này sẽ được dành cho dự án xây trường và nuôi em. Sau khi MV Nấu ăn cho em phát hành, anh Hoàng Hoa Trung - chủ nhiệm nhóm Nuôi em chia sẻ, đã có hơn 1.000 em nhỏ được nhận nuôi. Trên mạng xã hội, các bạn trẻ cũng góp phần lan tỏa thông điệp ý nghĩa này đến đông đảo công chúng. (Theo báo Thanh Niên)
3. Phẩm chất yêu nước
- Tình yêu nước là tình thương, sự gắn bó, niềm tự hào với quê hương, tổ quốc của người Việt. Trong hệ giá trị truyền thống dân tộc Việt Nam, yêu nước là giá trị nổi bật và cơ bản nhất, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đối với người Việt Nam, yêu nước là tình cảm thiêng liêng, là cái chi phối và là thước đo đạo lý làm người, bao gồm nhân phẩm, danh dự, lẽ sống, nghĩa vụ, lương tâm và hạnh phúc của con người. Từ một tình cảm, yêu nước giờ đây đã trở thành một phẩm chất quý báu của người Việt.
- Hành trình lịch sử đã qua của dân tộc ta ghi dấu với hàng bao cuộc chiến oanh liệt để có thể gìn giữ và bảo vệ lãnh thổ. Tình yêu nước là nguồn cội sức mạnh, là điểm tựa tinh thần để dẫn dắt cả dân tộc đi qua những năm tháng khó khăn mà hào hùng ấy. Tình yêu nước đối với người Việt dường như là một tình cảm bẩm sinh, nhưng đồng thời cũng được hun đúc, bồi đắp và phát triển trong suốt cuộc đời của mỗi người. Nếu nói về ý thức dân tộc, đó là điều mà ngay cả bạn bè quốc tế cũng đã công nhận và ngưỡng mộ nơi ta.
- Nguồn gốc hình thành phẩm chất:
+ Tập quán cố kết cộng đồng và gắn bó mật thiết với thổ nhưỡng của cư dân nông nghiệp truyền qua các thế hệ.
+ Quá trình lịch sử luôn bị đe dọa bởi sự xâm lược, nô dịch từ nước ngoài.
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta”. (Tinh thần yêu nước của nhân dân ta, Hồ Chí Minh)
C. Kết bài
- Nêu khái quát về vai trò, ý nghĩa các phẩm chất của con người Việt Nam trong cuộc sống ngày nay và trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc.
- Liên hệ bản thân về nhận thức và hành động đối với việc giữ gìn, tiếp nối và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây