Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Dàn ý tham khảo số 1 SVIP
DÀN Ý THAM KHẢO SỐ 1
Cảm nhận bài thơ “Mưa xuân trên biển” của Huy Cận.
Mưa xuân trên biển, thuyền yên chỗ,
Tôm cá chắc đầy phiên chợ mai,
Sắm tết, thuyền về dăm khóm đỗ;
Đảo xa thâm thẩm vệt mưa dài.
Thuyền đậu thuyền đi hạ kín mui,
Lưa thưa mưa biển ấm chân trời
Chiếc tàu chở đá về bến Cảng
Khói lẩn màu mây tưởng đảo khơi.
Em bé thuyền ai ra giỡn nước,
Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm.
Biển bằng không có dòng xuôi ngược,
Cơm giữa ngày mưa gạo trắng thơm.
Hồng Gai, 1-1959
(Huy Cận, Đất nở hoa, NXB Văn học, 1960)
DÀN Ý
A. Mở bài
B. Thân bài
1. Giới thiệu khái quát về tác phẩm thơ
- Bài thơ “Mưa xuân trên biển” được viết tại vùng biển Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh vào năm 1958, một thời rất đẹp trên miền Bắc nước ta. Bài thơ tả cảnh một làng chài trong ngày mưa xuân.
- Bài thơ thuộc thể loại thơ trữ tình, thể thơ bảy chữ.
- Hình ảnh con thuyền làm trung tâm của bài thơ. Vì nơi đây sống bằng nghề chài lưới thì thuyền cũng chính là trung tâm, là người bạn thân thiết của người dân. Vào ngày xuân thấy con thuyền “yên chỗ” vì nó đã hoàn thành được nhiệm vụ của mình khi đã mang đầy tôm cá cho “phiên chợ mai” và sắm đầy đủ tết. Vì có đầy tôm cá, chúng ta nhận thấy được sự no ấm, đầy đủ của cuộc sống.
2. Phân tích và nêu cảm nhận về các giá trị đặc sắc của tác phẩm về nội dung và nghệ thuật
- Huy Cận đã viết bài thơ với một giọng thơ hồn nhiên, nhưng ấm áp vô cùng. Hiện lên trong mắt chúng ta là cuộc sống thanh bình của người dân:
Lưa thưa mưa biển ấm chân trời
... Đảo xa thâm thẩm vệt mưa dài.
- Ba tiếng: “Lửa - thưa - mưa” vần với nhau gợi tả tiếng mưa xuân rơi nhè nhẹ, dìu dịu, bay bay trên một không gian rộng mờ ảo từ làng chài đến đảo xa, đến bến cảng, đến mọi phía chân trời...
- Con thuyền là hình ảnh trung tâm của bài thơ, của cảnh mưa xuân này. Có “Thuyền về dăm khóm đỗ” sau khi sắm Tết về. Có ”Thuyền yên chỗ”, cá đầy khoang sau khi ra khơi đánh cá trở về. Câu thơ: ”Tôm cá chắc đầy phiên chợ mai” là một câu thơ hay, nét vẽ sâu và đằm. Đằng sau chữ ”đầy” là cả một cuộc sống no đủ, yên vui.
- Mỗi con thuyền là một gia đình, một cảnh đời. Hai vế tiểu đối trong câu thơ “Thuyền đậu/ thuyền đi, hạ kín mui” thể hiện một nhịp đời êm ấm, hài hoà, hạnh phúc. Hình ảnh ”Chiếc tàu chở đá về bến cảng - Khói lẫn màu mây tưởng đảo khơi” là một cảnh động, một nét vẽ khám phá, vừa hiện thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp cuộc sống mới trong kiến thiết hoà bình. Câu thơ nói về cuộc sống lao động trong thời kì mới nhưng người ta vẫn thấy được phảng phất hơi thở đường thi cổ điển. Những nét vẽ tao nhã, huyền ảo mang đến cho chúng ta cảm nhận về cuộc sống mới có sự ấm no, hạnh phúc, gợi trong người đọc, người nghe biết bao rung cảm thẩm mĩ.
- Khổ thơ cuối là khổ thơ hay nhất, đẹp nhất như một bức tranh xuân hội tụ bao niềm vui. Em bé “dỡn nước” dưới làn mưa xuân không chỉ ngây thơ, hồn nhiên mà còn tiêu biểu cho một thế hệ tương lai trên vùng biển. Cây buồm như được hồi sinh trong mưa xuân, trở nên ”tươi tốt” lạ kỳ! Từ chiếc cột buồm đi vào thơ đã trở thành “cây buồm” - một sinh thể hiện diện. Thật kỳ thú! Một cách nói rất thơ ngợi ca cuộc sống mới đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái. Hạnh phúc đã đến với mọi con thuyền, mọi gia đình, mọi nhà trên một miền duyên hải bao la.
- Biển đã hết phong ba, nay trở lại ”biển bằng”, một hình ảnh ẩn dụ để ca ngợi cuộc sống bình yên, thanh bình. Xưa kia ”bát cơm chan đầy nước mắt” thì nay bà con dân chài như được sống trong mơ ”Cơm giữa ngày mưa gạo trắng thơm”. Bát cơm hương vị ngào ngạt ấy chắc là ”có vị phù sa”,... “có hương sen thơm”, “có lời mẹ hát”,... như chú bé Trần Đăng Khoa đã nói thuở nào. Bát cơm ”gạo trắng thơm” của người dân chài trong những ngày mưa xuân đã mang nặng tình đời trong xã hội mới tốt đẹp.
- Thơ hay vì hồn thơ đậm đà, hồn hậu; hay vì tấm lòng trân trọng với thiên nhiên và tình yêu cuộc sống. Thơ ghi dấu sâu đậm trong lòng người bởi hình tượng và cảm xúc dồi dào, vì ngôn ngữ nhẹ nhàng mà gợi tả, vì cấu tứ và nghệ thuật thật tài hoa!
C. Kết bài
Khẳng định lại sự độc đáo của bài thơ và ý nghĩa của nó đối với việc đem lại cách nhìn, cách đọc mới cho độc giả: Một giọng thơ êm ái, ấm áp, hài hòa. Con thuyền, cây buồm, đảo xa, em bé, làn mưa xuân, bữa cơm ngày mưa… bấy nhiêu chi tiết nghệ thuật là bấy nhiêu nét vẽ khám phá đầy sáng tạo, chứa chan thi vị đã gợi tả vẻ đẹp đất nước thanh bình, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang nở hoa trong lòng nhân dân ta. Vẻ đẹp ấm áp của biển trong ngày mưa xuân cũng là niềm vui, là bài thơ cuộc đời. “Mưa xuân trên biển” là một bài thơ xuân tuyệt bút.
(Sưu tầm và chỉnh sửa)
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây