Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bình giảng SVIP
Phân tích bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè và vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ “Cảnh ngày hè”.
Mở bài
Nguyễn Trãi là nhà thơ của thiên nhiên. Ông đến với thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh: thời chiến, thời bình, lúc buồn, lúc vui, lúc bận rộn, khi thư giãn… Trong hoàn cảnh nào, tâm hồn nhà thơ cũng rộng mở đón nhận thiên nhiên “Túi thơ chứa hết mọi giang san.” Tình yêu mến gắn bó với thiên nhiên không những làm cho Nguyễn Trãi có một cảm quan tinh tế đối với cuộc sống mà còn giúp nhà thơ trong khi quan sát, ngắm nhìn phát hiện ra những quy luật khách quan, những chân lí cuộc sống. Bài thơ “Cảnh ngày hè” không chỉ thể hiện bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè và vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi.
Thân bài
1. Giới thiệu khái quát
Nguyễn Trãi trong thời chiến là một bậc anh hùng dân tộc, một nhân vật toàn tài hiếm có, trong thời bình lại là người chịu nhiều oan khiên thảm khốc dưới chế độ phong kiến. Trong cuộc đời chịu nhiều sóng gió ấy, vẫn có những giây phút bình yên Nguyễn Trãi dành cho tâm hồn mình. Bởi thế trong thơ ông, bên cạnh những vần thơ suy tư về thời thế, lo lắng cho quốc thái dân an, vẫn có những vần thơ thiên nhiên núi sông hùng vĩ và thơ mộng. Với Nguyễn Trãi, cuộc sống gần gũi thiên nhiên thật tự do, thú vị, tâm hồn ông như con thuyền chở trăng dạt dào cảm hứng. Ông để ngỏ cửa cho trăng vào cùng thưởng thức thơ, gọi hộ gió đến khẽ mở bức thư tình còn phong kí trên nõn chuối thanh xuân. Tâm hồn nhạy cảm và nhân hậu ấy như nghe được hơi thở của sự vật, hiểu được tình cảm của cỏ hoa và mở rộng lòng chia sẻ.
“Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi hiện còn 254 bài, không có nhan đề, được chia thành nhiều phần khác nhau. Đây là bài thơ số 43 trong phần “Bảo kính cảnh giới”. Các bài thơ trong “Bảo kính cảnh giới” hàm chứa nội dung giáo huấn trực tiếp nhưng bài thơ này rất đậm đà chất trữ tình, toát ra từ vẻ đẹp thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn tác giả.
2. Phân tích
2.1. Bức tranh thiên nhiên ngày hè
Đề tài mùa hè, cảnh hè được nói đến nhiều trong thơ văn dân tộc. Cùng viết về cảnh mùa hè, cũng với sự giao cảm mạnh mẽ nhưng bộc trực, các tác giả thời Hồng Đức đã đem đến cho người đọc một bức tranh với vẻ đẹp mộc mạc và có phần thô ráp:
Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi
Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè
(Lại vịnh nắng hè, bài 3)
Mùa hè thường oi bức, khó chịu nhưng mùa hè qua cảm nhận của tác giả không hề ấn tượng nóng nực, chói chang mà trái lại mang cảm giác về cảnh hè đầy thân thiện, chan hòa sự sống. Bài thơ này là một thi phẩm tiêu biểu cho ngôn ngữ thi ca Ức Trai. Nó nói lên cảnh sắc mùa hè làng quê và mong ước của nhà thơ về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Câu thơ đầu tiên bình dị như một lời nói vui vẻ, thoải mái, hồn nhiên:
Rồi hóng mát thuở ngày trường
Đằng sau vần thơ là hình ảnh một cụ già tay cầm quạt giấy đang đi dạo mát. Lúc bấy giờ, Ức Trai không bị ràng buộc bởi vòng danh lợi nữa mà được vui thú nơi ruộng vườn, làm bạn với thiên nhiên. “Rồi” là tiếng cổ, nghĩa là rỗi rãi, thong thả, nhàn hạ. Từ “rồi” đặt đầu câu tách câu thơ làm một nhịp riêng, tạo ấn tượng ban đầu về tư thế ung dung, tự tại; tâm thế nhàn nhã, thảnh thơi của tác giả. Đồng thời, trạng thái rỗi rãi ấy cũng lí giải cho hành động “hóng mát thuở ngày trường” của tác giả bởi khi còn làm quan, ông không phút nào được nghỉ ngơi thanh nhàn. “Ngày trường” là ngày dài. Ý thơ ở đây có hai cách hiểu: có thể hiểu là ngày hè dài, cũng có thể hiểu đó là cảm giác về thời gian của người nhàn rỗi, khi đó thời gian trở thành thời gian tâm lí. Nếu hiểu là thời gian tâm lí sẽ thấy nỗi buồn của nhà thơ. Cả cuộc đời vì dân vì nước, đến nay con người ấy không được trọng dụng, về ở ẩn chỉ có thể “hóng mát” cả ngày để vơi đi những tâm sự trong lòng. Đó là nỗi buồn không bút lực nào tả xiết khi khát vọng, hoài bão cống hiến cho đất nước chưa trọn nhưng đã sớm phải cáo quan. Câu thơ thứ nhất với nhịp ngắt 1/2/3 gợi sự thư thái nhưng cũng mang chút ngậm ngùi, xót xa. Thẳm sâu trong lòng Nguyễn Trãi vẫn thấy có một nỗi niềm canh cánh, con người ấy thân nhàn mà tâm không nhàn.
Sau khi phác họa tư thế và tâm thế của mình, tác giả hướng tới miêu tả vẻ đẹp của hình ảnh, màu sắc, hương thơm của thiên nhiên ngày hè:
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Trật tự không gian trải từ cao xuống thấp, điểm nhìn của thi sĩ cũng di chuyển từ tầng không qua hiên nhà rồi xuống ao sen. Ở tầng nào của thiên nhiên, sức sống bên trong cũng như đang trào ra. Các tạo vật thiên nhiên không chịu tĩnh mà động. Màu xanh lục của lá hòe thì “đùn đùn” như cuộn lên từng khối biếc, tán hòe thì “rợp giương” như giương ô. Màu đỏ của hoa lựu không lặng lẽ tô son điểm sắc, cũng không lập lòe dậy lên vài đốm lửa như trong thơ Nguyễn Du “Dưới trăng quyên đã gọi hè – Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông” mà nhất loạt phun trào “thức đỏ”, tựa pháo hoa hừng sáng cả hiên nhà. Từ dưới ao, hoa sen cũng hưởng ứng bằng sắc hồng chín ửng cùng mùi hương dậy lên bay tỏa không gian. Mật độ dày của các động thái “đùn đùn”, “rợp giương”, “phun”, “tiễn” đã tạo nên sự sôi động bên trong mỗi loài thảo mộc. Động thái mạnh lại được cộng hưởng với sắc độ gắt của gam màu đã làm dậy lên sức sống của thiên nhiên đang kì toàn thịnh. Chưa hết, chúng ta còn thấy Nguyễn Trãi tinh tế hơn nhiều. Thi sĩ đã bắt được một nhịp vận hành vô hình hối thúc, xô đẩy tạo vật nữa. Chỉ cần chú ý một chút thôi sẽ thấy điều này: thảo mộc thì tiếp nối liên tục từ cao xuống thấp, động thái thì liên tiếp từ trong ra ngoài, lá – hoa – hương thì tiếp ứng nhau, nhất là cái nhịp độ khẩn trương “Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ - Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”. Loài này đang thì loài kia đã, hô ứng nhau, chen nhau gợi ra một không khí các tạo vật đua nhau phô sắc khoe hương. Hương sen, sắc lựu tiếp ứng nhau, ganh đua nhau cùng hợp nên vẻ toàn thịnh của ngày hè, tất cả làm nên một bức tranh rực rỡ sắc màu và tràn đầy sức sống.
Ăn nhập với thiên nhiên rực rỡ là một đời sống rộn rã. Theo đó, bức tranh ngày hè toàn thịnh vốn đã đầy màu sắc lại tràn ngập cả âm thanh:
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.
Nghĩ cũng thú vị, chợ là một hình ảnh vô cùng điển hình của cuộc sống này. Lúc đương đông buổi chợ là hình ảnh vui của một cuộc sống sầm uất đi lên. Còn khi chợ tàn là hình ảnh rã đám của một cuộc sống đương đi xuống. Chỉ cần nhìn vào diện mạo chợ, cũng có thể thấy được âm vang của đời sống. Âm thanh “lao xao” từ chợ cá của làng ngư phủ đã nói lên vẻ sầm uất của cuộc đời xung quanh. Cả hình ảnh bóng tịch dương nữa. Nắng tắt, bóng tối dâng lên vây kín bốn bề, âm thanh sinh hoạt cũng dần dần thưa thớt. Dù không gian là chiều tối nhưng không hề hiu quạnh bởi đã bị xua tan bởi nhạc ve. Tiếng ve dóng giả inh ỏi như một bản đàn làm cho hoàng hôn cũng trở nên náo nhiệt. Phải là một tâm hồn mở, một điệu hồn náo nức thì mới có thể nghe tiếng ve inh ỏi thành tiếng đàn “cầm ve” như thế! Từ làng ngư phủ xa xa của dân nghèo lớp dưới đến lầu son gác tía của người lớp trên, chỗ nào cũng rộn rã vui tươi. Cái nhìn khái quát đã thâu tóm được toàn cảnh cuộc sống trong đôi nét bút tài hoa. Trước, vẽ thiên nhiên thì từ cao xuống thấp; giờ, vẽ đời sống lại trải từ thấp đến cao, từ xa lại gần. Lối viết đảo ngược cú pháp, đặt những âm thanh “lao xao” và “dắng dỏi” lên đầu mỗi câu tạo nên những điểm nhấn. Hai âm thanh phản ánh rõ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Ta ngỡ như người viết đang muốn phổ vào không gian cả một dàn âm thanh rộn rã. Cảnh hung thịnh của ngày hè, nhờ thế, mà càng trở nên phồn thịnh hơn.
Với sáu câu thơ đầu, thi nhân đã huy động mọi giác quan (thị giác, thính giác, khứu giác) để vẽ nên một bức tranh phong cảnh ngày hè sôi động, tràn đầy sức sống. Bức tranh ấy được tạo nên bởi sự kết hợp giữa màu sắc, đường nét, cảnh vật và con người. Qua đó, ta thấy được tình yêu thiên nhiên và tình yêu cuộc sống của thi hào Nguyễn Trãi.
2.2. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi
Nếu chỉ dừng lại ở cảnh không thôi cũng đã phần nào thấy được lòng người vẽ cảnh. Qua cảnh tượng ấy đâu chỉ nói với ta về sự tinh tế của một tâm hồn mà còn có sự phấn chấn của một tấm lòng thiết tha với đời sống. Nhưng ta có dịp được hiểu về tấm lòng ấy trực tiếp hơn qua chính lời ước ao bộc trực của thi sĩ:
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương.
Lẽ ra nên có cây đàn của vua Thuấn, ta sẽ gảy khúc Nam phong cầu cho dân giàu đủ khắp muôn phương. Là một người hết lòng lo cho dân cho nước, lại đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, Nguyễn Trãi hết sức trân trọng và biết rõ giá trị của những ngày tháng hòa bình trên đất nước mình. Tâm sự ưu thời mẫn thế lo cho dân cho nước là một mạch tâm sự chủ đạo trong thơ Nguyễn Trãi. Có nhiều câu thơ cho thấy tấm lòng vì dân vì nước của ông:
Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn
Dường ấy ta đã phỉ sở quyền.
Theo truyền thuyết, Ngu là tên một triều đại thái bình thịnh trị lí tưởng thời cổ do vua Thuấn lập nên. Ngu cầm là đàn của vua Thuấn, ông thường gảy khúc Nam phong (gió nam) mong cho gió nam mát mẻ, gió nam thổi đúng lúc để dân giàu có, ca ngợi cuộc sống ấm no, thái bình. Trong mong ước của Nguyễn Trãi muốn có cây đàn của vua Thuấn, gảy lên khúc “Nam phong” ca ngợi cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thái bình của nhân dân cũng có một chút ưu tư của con người suốt đời lo cho dân cho nước. Dù cảnh tượng của bức tranh mùa hè trên kia là hiện thực đang hưng thịnh nhưng nó vẫn chưa khiến ông thỏa nguyện. Ông muốn cầm cây đàn của vua Thuấn gảy khúc Nam phong để cầu mong cho dân tình phong túc hơn nữa. Ông mong muốn một cuộc sống thực sự thanh bình và no đủ, nghĩa là một thiên hạ thực sự thái bình. Đó là khát khao sâu kín và cháy bỏng suốt một đời Nguyễn Trãi. Mong ước lớn nhất đời ông là “Dân giàu đủ khắp đòi phương”, mong muốn nhân dân có một cuộc sống đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, hạnh phúc cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp và cuộc sống đó sẽ được duy trì mãi mãi. Vì mong muốn đó ông đã phải trả giá bằng cả sinh mạng và tôn tộc của mình. Chẳng thế mà ông phải đúc nó vào một câu lục ngôn, một câu đột nhiên ngắn lại như để ghim lại điều đau đáu của cõi lòng. Đó chẳng phải là khát khao Nghiêu Thuấn của một con người suốt đời “âu việc nước” hay sao?
Trong thơ Ức Trai, hai câu kết luôn luôn là sự hội tụ bừng sáng những tư tưởng tình cảm cao cả, đẹp đẽ. Vì thế mà câu kết đã để lại trong tâm hồn người đọc những ấn tượng mạnh mẽ:
Bui một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.
(Thuật hứng, bài 5)
Hai câu kết bài thơ toát lên một tình yêu lớn. Con người Nguyễn Trãi lúc nào cũng hướng về nhân dân, mong ước cho nhân dân được ấm no và nguyên hi sinh hết mình cho hòa bình, hạnh phúc của dân tộc. Ước vọng đó nâng tầm vóc Nguyễn Trãi vừa là bậc trung quân, vừa là người lương tướng.
Kết bài
Bài thơ Nôm ra đời gần 600 năm về trước miêu tả cảnh tình mùa hè nơi đồng quê, đã đem đến cho chúng ta nhiều cảm nhận đặc sắc. Một giọng thơ thâm trầm, hồn hậu, đáng yêu; nhiều tiếng cổ, cấu trúc thơ thất ngôn xen lục ngôn làm bừng sáng lên một tấm lòng tha thiết vì dân vì nước. Ức Trai đã gửi gắm một tình yêu thiên nhiên nồng hậu, một tấm lòng thiết tha với cuộc sống, một niềm mong ước tốt đẹp cho hạnh phúc của nhân dân. Bài học thương yêu dân mà ông nói đến, lúc nào cũng mới mẻ và đậm đà.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây