Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bình giảng SVIP
1. Tính chặt chẽ trong lập luận
Phần chính trong bài tựa là xác định những khó khăn trong việc sưu tầm di sản thơ ca. Đó là công việc tưởng như không thể nào làm được. Nhưng không thể không làm. Vấn đề đặt ra mang tính xung đột, mâu thuẫn ấy có sức va đập vào nhân thức của người nghe. Có đến bốn lí do, bốn trở ngại cản đường về phương diện chủ quan:
- Chỉ thi nhân mới thấy được cái hay, cái đẹp của thơ ca.
- Người có học lại ít để ý hoặc bận rộn không có thời gian để ý đến thơ ca.
- Kẻ để ý đến thơ ca thì không đủ năng lực hoặc sự kiên trì.
- Việc lưu truyền thơ ca lại vô cùng khó khăn và hạn chế.
Còn về phương diện khách quan thì đó là thời gian tàn phá, là binh lửa nặng nề. Cả hai khó khăn ấy kết hợp lại lớp lớp tầng tầng làm cho công việc sưu tầm đối với bất kì ai cũng trở nên quá sức. Đoạn văn còn thuyết phục chúng ta bằng tấm lòng người viết: "Vì bốn lí do kể trên bó buộc, trải qua mấy triều đại lâu dài, dẫu đến những vật bền như đá, như vàng, lại được quỷ thần ủng hộ, cũng còn tan nát, trôi chìm. Huống chi bản thảo sót lại, tờ giấy mỏng manh để cho cái níp cái hòm, trải qua mấy lần binh lửa, thì còn giữ mãi thế nào được mà không rách nát tan tành?" Việc tập hợp, sưu tầm trong hoàn cảnh vừa nêu như đãi cát, tìm vàng, như Ngu Công dời núi, nhưng với Hoàng Đức Lương không thể không làm vì những thôi thúc của chính bản thân ông. Đến đây, tính chặt chẽ trong lập luận nhường chỗ cho sự cảm thông. Đó là sắc thái trữ tình trong đoạn văn có tính chất giãi bày tâm sự.
2. Sắc thái trữ tình
Sắc thái trữ tình trong đoạn văn nói về tâm nguyện sưu tầm di sản của Hoàng Đức Lương thật chân thành và tha thiết. Sắc thái ấy xuất phát từ tinh thần tự chủ, từ chí khí tự cường: vì sao nước ta có một nền văn hiến riêng mà không tạo lập cho mình một nền thơ văn: "Than ôi! Một nước văn hiến, xây dựng đã mấy trăm năm, chẳng lẽ không có quyển sách nào có thể làm căn bản, mà phải tìm xa xôi để học thơ văn đời nhà Đường. Như thế chả đáng thương xót lắm sao!". Chưa đủ, việc sưu tầm di sản đối với riêng ông còn là món nợ tinh thần, là trách nhiệm thiêng liêng, vừa là với tiền nhân, vừa là với hậu thế. Hoàng Đức Lương tự nguyện là chiếc cầu nối cho quá khứ với tương lai. Ông muốn tránh cho lịch sử văn học nước nhà một sự gián đoạn không đáng có, lặp lại nhiều thời: ta thì đổ lỗi cho cha ông còn con cháu ta lại cứ nhằm vào ta mà trách cứ như một món nợ truyền kiếp. Cả hai sự đổ lỗi ấy vừa đúng vừa sai. Nó đúng ở chỗ: Di sản văn hóa, văn học cần được lưu truyền. Nhưng cái sai ở chỗ, nếu không ai tự mình nhận lấy sứ mạng thì bao giờ sự truyền nối mới diễn ra như lẽ ra nó phải diễn ra? Đây là tâm sự sâu sắc, thấm thía của "người trong cuộc" của Hoàng Đức Lương: "Mỗi khi nhặt nhạnh ở giấy tàn, vách nát được một vài câu, thường cầm sách than thở, có ý đổ lỗi bậy cho hiền nhân quân tử lúc bấy giờ". Ông cố gắng bù đắp vào sự thiếu sót của người xưa (vừa sưu tầm vừa cho in phụ thêm sáng tác của mình vào cuối sách - với mục đích: làm sách dạy trong gia đình, nghĩa là rất khiêm tốn mà thôi) với hi vọng: "Rồi những người thích bình phẩm thơ ca sẽ đem truyền rộng, may ra tránh được lời chê trách của người đời sau, chẳng khác gì hiện nay ta chê trách người xưa vậy". Ngoài ra, ẩn trong một bài tựa không dài là niềm tự hào dân tộc, một niềm tin vào thi nhân tài tử nước ta. Chẳng hạn một câu hỏi đặt ra mà tự nó đã là một cách trả lời: "Nước ta từ nhà Lí, nhà Trần dựng nước đến nay, vẫn có tiếng là nước văn hiến, những bậc thi nhân, tài tử đều đem sở trường của mình thổ lộ ra lời nói, lẽ nào không có người hay?"
3. Một vài quan điểm về thơ ca, nền móng lí luận của văn học nước nhà
Mặc dù dụng ý của bài tựa không bàn sâu đến những vấn đề lí luận hay nói đúng hơn, lí luận chỉ là điểm xuất phát để đi đến công việc sưu tầm di sản nhưng cái sự xuất phát ấy bộc lộ hệ thống quan điểm về những vấn đề rất quan trọng, rất cơ bản của thơ ca.
a. Thơ văn là một nhu cầu không thể thiếu của đời sống tinh thần. Thơ văn ấy là một thứ văn hoc vị nhân sinh mà con người cần có. Nó thỏa mãn nhu cầu về cái đẹp của con người. Thử đọc lại câu văn mở đầu bài tựa:
"Đối với thơ văn, cổ nhân ví như khoái chá, ví như gấm vóc; khoái chá là vị rất ngon trên đời, gấm vóc là màu rất đẹp trên đời, phàm người có miệng, có mắt, ai cũng quý trọng mà không vứt bỏ, khinh thường".
Thì ra, con người, ngoài cơm ăn áo mặc còn có những đòi hỏi tinh thần không thể thiếu. Vượt ra khỏi sự tầm thường của bản năng, con người còn có những ý thức về lẽ sống, còn có nhu cầu hưởng thụ cái đẹp do chính con người tạo ra. Xác định những thành tựu của con người phải kể đến nền văn hóa vật thể và nền văn hóa phi vật thể chính là vì vậy. Nó là dòng chảy không ngừng nghỉ vượt lên mọi thời gian, không gian. Đó là sự trường tồn, vĩnh cửu của thơ ca.
b. Những thơ ca nói riêng và văn học nói chung lại có những đặc trưng không giống bất cứ một loại hình nào khác về phương diện tinh thần. Là cái đẹp, thơ có quy luật của cái đẹp. Giống như hội họa, âm nhạc,... cái mà ta có thể nhìn thấy hay nghe thấy lại không quan trọng bằng cái mà ta cảm thấy. Đặc trưng của cái đẹp ấy được Hoàng Đức Lương diễn tả như sau:
"Đến như văn thơ, thì lại là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được".
Lí luận về "tảng băng trôi" của thời hiện đại, về "ý tại ngôn ngoại" của người xưa đã được cảm nhận một cách tinh vi, sâu sắc. Cả những khái niệm như sự trực cảm nguyên khối, sức liên tưởng bí ẩn đa tầng... có vai trò rất đặc trưng trong cảm quan nghệ thuật cũng sớm được bao hàm trong đó.
Bàn về thơ ca như thế là đã đề cập đến những gì quan trọng bậc nhất của thơ ca. Sự hàm sức ấy đã được thể hiện bằng một giọng văn giản dị mà khiêm cung mang tính gợi mở hơn là áp đặt có tác dụng khai tâm mà vẫn như một kẻ tri âm đồng điệu muôn đời. Giọng điệu ấy, phong cách ấy, phong cách ấy là một mẫu mực trong cách ứng xử của khách văn chương.
(Trích cuốn Gợi ý đọc - hiểu và lời bình - Vũ Dương Quỹ, Lê Bảo)
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây