Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bảo vệ môi trường SVIP
I. Tác động của con người đối với môi trường qua các thời kì phát triển xã hội
1. Thời kì nguyên thuỷ
Con người chủ yếu khai thác thiên nhiên thông qua hình thức hái lượm và săn bắn. Con người đã biết dùng lửa để nấu chín thức ăn, xua đuổi thú dữ, sưởi ấm và đốt rừng để săn thú.
2. Thời kì xã hội nông nghiệp
Con người bắt đầu biết trồng cây lương thực như lúa nước, lúa mì, ngô,... và chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu,...
3. Thời kì xã hội công nghiệp và hậu công nghiệp
Trong thời kì cách mạng công nghiệp, con người đã bắt đầu cơ giới hoá sản xuất dựa vào các loại máy móc; nguồn nguyên, nhiên, vật liệu như sắt, than đá,... và năng lượng mới là hơi nước. Sự thay đổi này đã tác động mạnh mẽ tới môi trường sống. Đặc biệt, việc sử dụng năng lượng điện và sự ra đời của các dây chuyền sản xuất hàng loạt quy mô lớn, công nghiệp sản xuất phát triển mạnh mẽ, con người đã thúc đẩy mạnh khai thác các loại tài nguyên khoáng sản để phục vụ cho sản xuất, kéo theo sự gia tăng các loại khí thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp.
Từ nửa thế kỉ XX, điện tử và công nghệ thông tin được ứng dụng để tự động hoá sản xuất đã tạo điều kiện tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực xã hội trong việc tạo ra cùng một khối lượng hàng hoá tiêu dùng.
Hiện nay, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) có sự kết hợp các công nghệ với nhau.
II. Ô nhiễm môi trường
1. Khái niệm ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lí, hoá học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kĩ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người, sinh vật và tự nhiên.
2. Một số nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
a. Ô nhiễm do chất thải từ hoạt động công nghiệp và sinh hoạt
Các chất khí thải ra từ hoạt động công nghiệp và sinh hoạt như CO, SO2, CO2, NO2,... có ảnh hưởng không tốt tới cơ thể sinh vật. Bên cạnh đó, chúng là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính.
b. Ô nhiễm do hoá chất bảo vệ thực vật
Sản xuất nông nghiệp sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,... Những hoá chất này góp phần làm tăng năng suất cây trồng nhưng có thể gây hại cho sức khoẻ con người và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái nếu sử dụng không đúng cách.
c. Ô nhiễm do các chất phóng xạ
Nguồn ô nhiễm phóng xạ chủ yếu đến từ các hoạt động thử và sản xuất vũ khí hạt nhân, các nhà máy điện nguyên tử,... Các chất phóng xạ có khả năng gây biến đổi vật chất di truyền ở người và các loài sinh vật, từ đó làm phát sinh một số bệnh, tật di truyền.
d. Ô nhiễm do vi sinh vật gây bệnh
Vi sinh vật gây bệnh cho người và động vật có thể phát triển mạnh trong môi trường chứa các chất thải như phân động vật, rác, nước thải sinh hoạt, rác thải từ các bệnh viện,... không được thu gom và xử lí đúng cách.
3. Một số biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường
- Xử lí chất thải công nghiệp và sinh hoạt.
- Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
- Trồng nhiều cây xanh.
- Ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất.
- Tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục để nâng cao hiểu biết và ý thức của mọi người trong việc bảo vệ môi trường.
III. Biến đổi khí hậu
1. Khái niệm
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi giá trị trung bình của các yếu tố khí hậu giữa các giai đoạn, mỗi giai đoạn từ vài thập kỉ đến hàng thế kỉ.
Tác động của con người là nguyên nhân chủ yếu gây biến đổi khí hậu.
2. Các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu
- Xây dựng hệ thống đê điều kiên cố.
- Trồng rừng phòng hộ.
- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi phù hợp.
- Xây nhà chống lũ.
IV. Bảo vệ động vật hoang dã
Mỗi loài sinh vật là một mắt xích trong hệ sinh thái. Nếu một loài bị biến mất sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái, làm giảm đa dạng nguồn gene, giảm đa dạng sinh học, gây mất cân bằng sinh thái.
Nhiều loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt quá mức. Để duy trì cân bằng sinh thái và phát triển bền vững, các loài động vật này cần được bảo vệ theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã, bảo vệ phục hồi môi trường sống của chúng cũng như gìn giữ thiên nhiên hoang dã.
💡Trong tầng bình lưu của khí quyển Trái Đất (độ cao từ 15 km đến 35 km) tồn tại tầng ozone (O3), có tác dụng hấp thụ phần lớn các tia cực tím (UV) từ Mặt Trời. Tia cực tím có thể gây bỏng giác mạc, ung thư da, ức chế miễn dịch, gây lão hoá,...
1. Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, tác động của con người đến môi trường ngày càng lớn.
2. Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lí, hoá học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kĩ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người, sinh vật và tự nhiên.
3. Biến đổi khí hậu là sự thay đổi giá trị trung bình dài hạn của các yếu tố khí hậu.
4. Để hạn chế ô nhiễm môi trường, cần thực hiện các biện pháp như kiểm soát nguồn chất thải công nghiệp và sinh hoạt, tăng cường trồng cây xanh, bảo vệ rừng,...
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây