Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bài soạn SVIP
HƯỚNG DẪN HỌC BÀI
Câu 1: Bài văn có bố cục 3 phần:
- Phần 1: “Hỡi đồng bào cả nước… không ai chối cãi được”: Cơ sở pháp lí của bản tuyên ngôn.
- Phần 2: Tiếp đến “dân tộc đó phải được độc lập”: Cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn.
- Phần 3: Còn lại: Tuyên bố nền độc lập và ý chí, quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
Câu 2:
- Mở đầu bản tuyên ngôn của nước Việt Nam, Bác đã trích dẫn lời trong hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và của Pháp:
+ “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mĩ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
+ “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
- Từ đó, Bác khẳng định quyền của con người: quyền độc lập, quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi cá nhân; khẳng định đó là những quyền hiển nhiên, tất yếu và bất khả xâm phạm “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
- Từ quyền tự do và bình đẳng của con người, Bác đã suy rộng ra "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Như vậy, Bác đã nâng quyền con người, quyền cá nhân thành quyền dân tộc.
=> Ý nghĩa của việc trích dẫn:
- Đặt trong bối cảnh lịch sử đương thời: thực dân Pháp đang âm mưu trở lại nước ta, đế quốc Mĩ cũng đang bộc lộ rõ ý đồ xâm lược, ta sẽ thấy việc trích dẫn còn mang một ý nghĩa nhắc nhở, cảnh tỉnh: nếu Pháp và Mĩ xâm phạm quyền tự do và độc lập của dân tộc Việt Nam thì có nghĩa đã phản bác lại chính cha ông tổ tiên của mình. Ở đây, với chiến thuật “gậy ông đập lưng ông” mạnh mẽ, dứt khoát, Người đã khiến kẻ thù không thể chối cãi, không thể chống đỡ được.
- Ngầm ý đặt ba cuộc cách mạng của nhân loại ngang bằng nhau, đưa dân tộc ta đàng hoàng bước lên vũ đài chính trị thế giới, sánh vai với các cường quốc năm châu. Hơn thế, cách mạng Việt Nam đã cùng một lúc thực hiện nhiệm vụ của cả hai cuộc cách mạng Pháp và Mĩ.
- Để đảm bảo yêu cầu của một bài văn nghị luận: tạo sức thuyết phục - nghĩa là cách lập luận và lí lẽ phải được triển khai từ một tiên đề có giá trị như một chân lí không ai chối cãi được. Tiền đề được đưa ra ở đây chính là quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi con người.
Câu 3:
a. Bác đã vạch trần những tội ác mà thực dân Pháp gieo rắc trên đất nước ta trong suốt hơn 80 năm theo lối bác bỏ:
* Pháp nhân danh "khai hóa", Bác đã vạch trần tội ác của chúng trên 2 phương diện:
- Tội ác gây ra trên mọi mặt đời sống:
+ Về chính trị:
1- tước đoạt tự do dân chủ.
2- thi hành luật pháp dã man, chia để trị.
3- lập nhà tù nhiều hơn trường học, chém giết những chiến sĩ yêu nước của ta, tắm cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu.
4- thi hành chính sách ngu dân.
5- đầu độc dân ta bằng rượu cồn, thuốc phiện, làm giống nòi ta suy nhược.
+ Về kinh tế:
1- bóc lột tước đoạt.
2- độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
3- sưu thuế nặng nề, vô lý đã bần cùng nhân dân ta.
4- đè nén khống chế các nhà tư sản ta, bóc lột tàn nhẫn công nhân ta.
=> Kết quả:
· Gây ra thảm họa làm cho hơn 2 triệu đồng bào ta bị chết đói năm 1945
· Gây tội ác cho mọi đối tượng tầng lớp: dân cày, dân buôn, tư sản, công nhân, học sinh…
=> Đặc sắc nghệ thuật:
· Nghệ thuật liệt kê, điệp từ. -> tội ác chồng chất của kẻ thù trên mọi phương diện.
· Cách ngắt đoạn, câu ngắn. -> gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc.
· Dùng nhiều từ ngữ giàu giá trị gợi tả và gợi cảm “tắm”, “ngu dân”, “xương tủy”,…
* Pháp nhân danh "bảo hộ", Bác nêu rõ: “Chúng chẳng những không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật”.
- Lần bán nước thứ nhất: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”
- Lần bán nước thứ hai: “Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng”
=> Luận điệu bịp bợm, tuyên bố nực cười.
* Pháp nhân danh Đồng minh, giải giáp quân đội Nhật nhưng khi Việt Nam yêu cầu hợp tác để chống Nhật thì Pháp đều quay lưng, thậm chí còn cấu kết với Nhật để cùng bóc lột nhân dân ta.
=> Nghệ thuật: Bác dùng những đoạn, câu văn dài để người đọc có cảm giác khi đọc như đang được lật giở hồ sơ vụ án, chắc chắn thêm những luận tội để kết tội kẻ thù.
* Pháp luôn tuyên bố, rêu rao luận điệu bịp bợm với công luận thế giới rằng: Đông Dương là thuộc địa của Pháp, Pháp có quyền trở lại Đông Dương. Đây là luận điệu hoàn toàn xảo trá. Bác vạch rõ:
- “Sự thực là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa”.
- “Sự thât là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”.
-> Đông Dương đã trở thành thuộc địa của Nhật và nhân dân ta đứng lên giành lại quyền độc lập từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp.
=> Nghệ thuật: Điệp cấu trúc “Sự thực là… chứ không phải” -> gạt bỏ luận điệu bịp bợm của kẻ thù.
* Pháp đã nhân danh lòng nhân đạo: Pháp trước khi tháo chạy khỏi Việt Nam và dâng Việt Nam cho Nhật, chúng còn giết nốt số đông tù chính trị của Việt Nam. Đây là hành động vô cùng đê tiện, không phải là hành động nhân danh lòng nhân đạo.
=> Bác đã nêu ra 5 luận điệu của kẻ thù và bẻ gãy hết những sự thật bị bóp méo ấy. Nhờ đó mà Bác đã vừa vạch trần được kẻ thù, vừa tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân ưa chuộng hòa bình thế giới.
b. Khẳng định và chứng minh chính Việt Minh và nhân dân VN đã bền bỉ đấu tranh giành chính quyền:
* Quá trình đấu tranh bền bỉ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Việt Minh:
- Trước ngày 9/3/1945, Việt Minh đã nhiều lần kêu gọi người Pháp liên minh chống Nhật. Như vậy, Việt Minh quả thực đã cùng chiến tuyến với phe Đồng minh đẩy lùi thảm hoạ phát xít trong thế chiến thứ II. Nhưng Pháp không chấp nhận.
- Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, phe phát xít thất thế trong thế chiến II, Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân cả nước giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
* Kết quả:
- Sau quá trình đấu tranh bền bỉ ấy, dân tộc Việt Nam đã giành được những kết quả vô cùng to lớn, được tác giả thể hiện trong đoạn văn ngắn gọn “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.
+ Câu 1 chỉ có 9 chữ nhưng đã cùng một lúc xác nhận sự hết thời của cả thực dân, phát xít và chế độ quân chủ phong kiến trên đất nước ta.
+ Câu 2 khẳng định chiến quả đánh đổ thực dân để giành lại độc lập dân tộc.
+ Câu 3 khẳng định chiến quả đánh đổ quân chủ để lập nên chính thể mới - chế độ Dân chủ Cộng hoà.
-> cách điệp cấu trúc đã khẳng định được chiến thắng toàn diện của ta.
* Tuyên bố:
- “Bởi thế cho nên” cho thấy sự nối kết và sự tự tin của Bác sau khi đưa ra hàng loạt những cơ sở pháp lí và thực tiễn ở trên, để từ đó đưa ra lời tuyên bố hùng hồn mà đanh thép.
- Tuyên bố hướng về phía thực dân Pháp: Tuyên bố “Thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết các hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”
-> Dùng từ chính xác, chỉ thoát li “quan hệ thực dân” còn quan hệ ngoại giao với Pháp thì vẫn có thể tiếp tục.
-> Dùng từ chính xác “kí về” -> chỉ những hiệp ước mà Pháp đơn phương kí, không có mặt của Việt Nam, không có lợi cho Việt Nam.
-> Dùng từ chính xác “tất cả mọi đặc quyền” -> không chấp nhận xương máu đồng bào dân tộc bị bóc lột.
=> Cách nói nhấn mạnh (thoát li hẳn, quan hệ thực dân, xóa bỏ hết, kí về, xóa bỏ tất cả) để khẳng định Pháp không còn một chút quyền hành nào trên đất nước Việt Nam.
- Tuyên bố về phía nhân dân Việt Nam: Tuyên bố khối đoàn kết toàn dân “trên dưới một lòng” kiên quyết chống lại âm mưu của thực dân Pháp.
-> Khẳng định khối đoàn kết toàn dân. Không cho phép và không để âm mưu xâm lược của kẻ thù chia rẽ khối đoàn kết toàn dân ấy.
-> Lời tuyên bố ấy quả là sau này đã được chứng minh. Khi Pháp quay trở lại xâm lược đã hứng chịu lấy đại bại. Chiến công ấy đã đi vào lịch sử và in dấu mãi trong thơ ca: “Chín năm làm ở Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
c. Khẳng định và chứng minh quyền độc lập trên trường quốc tế.
- Bác lần lượt đưa ra cả cơ sở pháp lí và cơ sở thực tiễn.
- Cơ sở pháp lí: “Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam”.
+ Nếu như ở phần trước, Bác đưa ra cơ sở pháp lí dựa trên quan điểm truyền thống thì tới đây Bác còn đưa ra cơ sở pháp lí quốc tế trên quan điểm hiện đại, tại sự kiện hội nghị nóng hổi vừa mới diễn ra.
+ Nếu công luận quốc tế đã thừa nhận nguyên tắc độc lập của các nước thành viên tại hai hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn thì cũng sẽ phải thừa nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.
- Bác còn đưa ra cơ sở thực tiễn để phủ nhận quyền của thực dân Pháp và khẳng định quyền của dân tộc Việt Nam.
“Một dân tộc dã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!”
+ Biện pháp lặp cấu trúc và từ ngữ “một dân tộc đã gan góc chống lại” được điệp lại 2 lần. Cách nói đầy khẩu khí, đưa ra thực tiễn, để khẳng định ý chí, quyết tâm, sự dũng cảm can trường của cả dân tộc để giành lại độc lập.
+ Điệp ngữ “dân tộc đó phải được” đã khẳng định quyền lợi hiển nhiên, tất yếu, bất khả xâm phạm của dân tộc. Đó là quyền hiển nhiên mà nhân dân Việt Nam đã đổ máu xương để xây đài tự do cho dân tộc mình.
Câu 4: Tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập thể hiện phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh trong văn chính luận: lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, ngôn ngữ hùng hồn.
a. Lập luận chặt chẽ:
- Tác giả đưa ra cơ sở pháp lí của những nước lớn để tăng độ tin cậy và sức thuyết phục. Sau đó tác giả đưa ra cơ sở thực tiễn – gắn với hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Và cuối cùng mới là tuyên bố về chủ quyền dân tộc và khẳng định quyết tâm của nhân dân cả nước giữ vững nền độc lập ấy.
- Cụ thể:
+ Mở đầu bản tuyên ngôn, tác giả đã trích dẫn những lời bất hủ về quyền con người trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1791 của Pháp để trên cơ sở đó tác giả suy rộng ra quyền con người, quyền dân tộc, chốt lại bằng một khẳng định đanh thép: “đó là lẽ phải không ai có thể chối cãi được”.
+ Tiếp đó, ở phần 2, tác giả tố cáo tội ác của Pháp trong hơn 80 năm đô hộ, khẳng định sự nỗ lực của Việt Minh trong việc hỗ trợ đồng minh và đấu tranh giành độc lập dân tộc. Và tác giả cũng khẳng định và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới.
+ Cuối cùng Bác mới đưa ra những tuyên bố về quyền độc lập, tự do của dân tộc. Và khẳng định quyết tâm của nhân dân cả nước kiên quyết giữ vững quyền độc lập ấy.
b. Lí lẽ sắc bén, ngôn ngữ hùng hồn:
- Bác đưa ra 5 tội ác về chính trị và 4 tội ác về kinh tế để buộc tội Pháp trên mọi mặt trận.
- Ngôn ngữ hùng hồn sắc bén mà cũng rất cương quyết, logic: “Bởi thế cho nên”, “Vì những lẽ trên”,… => Mỗi kết luận được đưa ra đều dựa trên những căn cứ xác đáng, không thể chối cãi, không thể phủ nhận.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây