Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bài soạn SVIP
Câu 1:
* Bố cục bài phú gồm 4 đoạn:
- Đoạn 1 (từ đầu đến "luống còn lưu"): cảm xúc lịch sử của nhân vật khách trước cảnh sắc của sông Bạch Đằng.
- Đoạn 2 (tiếp đến "nghìn xưa ca ngợi"): Lời của các bô lão kể cho khách về những chiến công lịch sử trên sông Bạch Đằng.
- Đoạn 3 (tiếp đến "chừ lệ chan"): Suy ngẫm bình luận của các bô lão về những chiến công xưa.
- Đoạn 4 (còn lại): Lời ca khẳng định vai trò và đức độ của con người.
* Sông Bạch Đằng là nơi ghi dấu nhiều chiến thắng, chiến tích của cha ông và trở thành đề tài khá quen thuộc trong văn học với những tác phẩm như: Bạch Đằng giang (Trần Minh Tông), Bạch Đằng giang (Nguyễn Sưởng), Bạch Đằng hải khẩu (Nguyễn Trãi), Hậu Bạch Đằng giang phú (Nguyễn Mộng Tuân),...
Câu 2: Hình tượng nhân vật "khách":
- Mục đích dạo chơi thiên nhiên, chiến địa của "khách": tìm hiểu lịch sử dân tộc qua các chuyến đi về những miền đất nổi tiếng trong lịch sử.
- Qua việc nhắc đến những địa danh lịch sử của Trung Quốc và miêu tả những địa danh lịch sử của đất Việt, ta thấy: "Khách" là người có tráng trí (chí lớn), có tâm hồn phóng khoáng, mạnh mẽ, là một "tao nhân mặc khách" ham thích du ngoạn, đi nhiều, biết rộng, làm bạn với gió trăng, sông bể.
=> "Khách" là người có tâm hồn ưu ái đối với cảnh trí non sông và cũng có tình yêu nước sâu sắc.
Câu 3: Cảm xúc của "khách" trước khung cảnh thiên nhiên sông Bạch Đằng:
- Khách vui, tự hào vì: cảnh non sông hùng vĩ, thơ mộng (nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu), tự hào trước dòng sông từng ghi bao chiến công hiển hách.
- Khách buồn, tiếc nuối vì: những dấu tích oanh liệt ngày xưa, nay đã trở nên trơ trọi hoang vu. Dòng thời gian đã vùi lấp bao giá trị vào quá khứ.
Buồn vì thảm cảnh, đứng lặng giờ lâu.
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu!
=> Cảm xúc của "khách" là vừa phấn khởi, tự hào; vừa buồn thương, tiếc nuối.
Câu 4:
* Vai trò của hình tượng các bô lão trong bài phú:
- Các bô lão là hình ảnh của tập thể vừa đại diện cho nhân dân địa phương, vừa là chứng nhân của lịch sử, đồng thời cũng có sự phân thân của tác giả.
- Nhân vật các "bô lão" bên sông có ý nghĩa rất quan trọng. "Khách" đến từ nơi khác nên cần lời kể của những người cao tuổi là dân sở tại như những người đã chứng kiến hoặc đã được nghe từ các bậc tiền bối chứng kiến về những chiến công oanh liệt trên sông Bạch Đằng. Như thế, hình tượng các "bô lão" địa phương tạo nên một sự tin cậy, tính xác thực cho câu chuyện về lịch sử. Đó không phải là sự tưởng tưởng mà là sự thực được kể lại bởi những người già - chứng nhân lịch sử, những người lưu giữ kí ức về lịch sử.
* Chiến tích trên sông Bạch Đằng được gợi lên qua lời kể của các "bô lão": đó là chiến trận từ thời Ngô Quyền đến Trần Hưng Đạo nhưng trọng tâm vẫn là chiến thắng "buổi trùng hưng"... với trận thủy chiến ác liệt, dòng sông nổi sóng, khí thế "hùng hổ", giáo gươm "sáng chói"...:
"Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã,
Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao..."
* Thái độ giọng điệu, ngôn ngữ kể của các "bô lão": trang trọng, hào hùng, cảm hoài trước chiến tích trên sông Bạch Đằng.
* Qua lời bình luận của các bô lão, ta thấy được yếu tố con người là yếu tố quyết định, quan trọng nhất tạo nên chiến thắng Bạch Đằng.
Câu 5:
- Lời ca của các "bô lão" mang âm hưởng của dòng sông sử thi, dòng sông cuộc đời. Chân lí được đưa ra là: bất nghĩa thì tiêu vong, anh hùng thì lưu danh thiên cổ.
- Lời nối tiếp của "khách": có ý nghĩa tổng kết, vừa ca ngợi công đức của 2 vị vua anh minh, vừa bày tỏ khát vọng hòa bình muôn thuở, nhấn mạnh: "Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao". Đó là tư tưởng nhân văn hết sức cao đẹp của dân tộc ta.
Câu 6:
a. Giá trị nội dung:
- Bài phú thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc về truyền thống anh hùng, bất khuất và truyền thống đạo lí nhân nghĩa sáng ngời của dân tộc Việt Nam.
- Bài phú cũng thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc qua việc đề cao vai trò, vị trí của con người.
b. Giá trị nghệ thuật:
- Kết cấu đối đáp giữa chủ (bô lão) - khách (tác giả) độc đáo.
- Bố cục rõ ràng, chặt chẽ.
- Hình tượng nghệ thuật sinh động vừa gợi hình vừa giàu triết lí.
- Ngôn từ: trang trọng, tráng lệ, lắng đọng, giàu suy tư.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây