Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bài 5: Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân ở Đông Nam Á SVIP
1. Quá trình xâm lược và cai trị của chủ nghĩa thực dân phương Tây ở Đông Nam Á
a) Quá trình xâm lược
- Từ đầu thế kỉ XVI, các nước phương Tây bắt đầu mở rộng quá trình xâm nhập vào các nước Đông Nam Á.
- Trong thời gian đầu, quá trình này được tiến hành thông qua các hoạt động buôn bán và truyền giáo. Thông qua các thương điếm, các nước châu Âu mở rộng giao thương và từng bước chuẩn bị cho quá trình xâm lược.
- Bối cảnh lịch sử: diễn ra khi phần lớn các nước Đông Nam Á bước vào thời kì suy thoái, khủng hoảng của chế độ phong kiến về chính trị, kinh tế, xã hội với nhiều cuộc nổi dậy chống lại chế độ phong kiến.
*Đối với Đông Nam Á hải đảo
- Là đối tượng đầu tiên thu hút sự chú ý của thực dân phương Tây. Vì đây là khu vực giàu tài nguyên, có nguồn hương liệu và hàng hóa phong phú, lại nằm trên tuyến đường biển huyết mạch nối liền phương Đông và phương Tây với nhiều thương cảng sầm uất.
+ Giữa thế kỉ XVI, thực dân Hà Lan bắt đầu quá trình xâm nhập In-đô-nê-xi-a. Nhưng phải đến giữa thế kỉ XIX, trải qua cuộc cạnh tranh quyết liệt với Bồ Đào Nha, Hà Lan mới hoàn thành việc kiểm soát nước này.
+ Thực dân Anh đến muộn hơn nhưng nhanh chóng mở rộng được ảnh hưởng ở khu vực này. Đầu thế kỉ XX, toàn bộ vùng lãnh thổ ngày nay của Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Bru-nây rơi vào tay người Anh dưới những hình thức cai trị khác nhau.
- Trải qua gần 4 thế kỉ (từ đầu thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XX), bằng những thủ đoạn khác nhau, từ buôn bán, xâm nhập thị trường, đến tiến hành chiến tranh xâm lược và cạnh tranh quyết liệt với nhau, thực dân phương Tây đã hoàn thành quá trình xâm lược các nước Đông Nam Á hải đảo.
*Đối với Đông Nam Á lục địa
- Quá trình xâm lược của thực dân phương Tây đối với khu vực này bắt đầu vào thế kỉ XIX, muộn hơn so với các nước Đông Nam Á hải đảo.
+ Thực dân Anh sau hơn 60 năm (1824 - 1885), tiến hành 3 cuộc chiến tranh mới chiếm được Miến Điện (Mi-an-ma).
+ Thực dân Pháp phải trải qua cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài gần nửa thế kỉ (1858 - 1893) mới hoàn thành việc xâm chiếm 3 nước Đông Dương.
- Đến đầu thế kỉ XX, các nước thực dân phương Tây đã hoàn thành quá trình thôn tính Đông Nam Á. Hầu hết các nước trong khu vực đều trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây.
- Vương quốc Xiêm (Thái Lan) tuy giữ được nền độc lập nhưng bị lệ thuộc vào nước ngoài về nhiều mặt và trở thành "vùng đệm" giữa khu vực thuộc địa của thực dân Anh và thực dân Pháp.
b) Chính sách cai trị
- Về chính trị
+ Thực dân phương Tây tiến hành thiết lập nền thống trị ở Đông Nam Á dưới các hình thức khác nhau, nhưng đều có điểm chung là bên cạnh sự cai trị của chính quyền thực dân thì các thế lực phong kiến địa phương vẫn được duy trì như một công cụ để thi hành chính sách cai trị thuộc địa.
+ Về hình thức cai trị, bên cạnh hình thức cai trị trực tiếp hay gián tiếp thì các quyền hành chính, lập pháp, tư pháp, ngoại giao, quân sự,... của các thuộc địa vẫn tập trung trong tay đại diện của chính quyền thực dân.
+ Chính sách "chia để trị" là phương thức phổ biến được thực dân phương Tây sử dụng nhằm chia rẽ, làm suy yếu sức mạnh dân tộc của các nước Đông Nam Á. Ngoài ra, chính quyền thực dân còn chú trọng việc xây dựng và sử dụng lực lượng quân đội người bản địa để bảo vệ bộ máy cai trị và đàn áp sự phản kháng của người dân thuộc địa.
- Về kinh tế
+ Chính quyền thực dân thực hiện chính sách bóc lột, khai thác các thuộc địa, biến các nước trong khu vực thành nơi cung cấp nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ hàng hóa, phục vụ lợi ích cho chính quốc.
- Về văn hóa - xã hội
+ Các nước thực dân phương Tây đã tìm mọi cách kìm hãm người dân ở các nước thuộc địa trong tình trạng lạc hậu, nghèo đói, đồng thời làm xói mòn giá trị truyền thống của các quốc gia Đông Nam Á.
+ Cùng với chính sách ngu dân, thực dân phương Tây thi hành chính sách đầu độc người dân bằng rượu, thuốc phiện để dễ bề cai trị. Hệ thống y tế lạc hậu khiến cho tỉ lệ tử vong vì ốm đau, bệnh tật tăng cao, đặc biệt là trẻ em.
2. Công cuộc cải cách ở Xiêm
- Bối cảnh lịch sử
+ Giữa thế kỉ XIX, Vương quốc Xiêm đứng trước sự đe doạ xâm lược của thực dân phương Tây.
+ Từ năm 1851, vua Ra-ma IV đã tiến hành cải cách, chủ trương mở cửa buôn bán với nước ngoài. Đặc biệt, từ năm 1868, dưới thời vua Ra-ma V, Xiêm đã tiến hành hàng loạt cải cách quan trọng về kinh tế, xã hội, hành chính, giáo dục, ngoại giao,...
Lĩnh vực | Nội dung cải cách |
Về kinh tế |
- Trong công nghiệp, Chính phủ khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp, đường sắt,... Với việc mở cửa nền kinh tế từ sau thế kỉ XIX, Băng Cốc trở thành trung tâm buôn bán của khu vực. - Trong nông nghiệp, năm 1874, Chính phủ Xiêm đã áp dụng biện pháp miễn trừ và giảm thuế nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển sản xuất nông nghiệp và khai khẩn đất hoang. Đến đầu thế kỉ XX, Chính phủ ban hành những quy định quản lí ruộng đất hiện tại. |
Về hành chính | Từ năm 1892, Ra-ma V tiến hành cải cách hành chính theo mô hình phương Tây. |
Về giáo dục | Công tác giáo dục được nhà vua đặc biệt chú trọng. Năm 1898, sau khi đi khảo sát nền giáo dục ở châu Âu, nhà vua cho công bố Chương trình giáo dục đầu tiên ở Xiêm. |
Về ngoại giao |
- Trước mối đe dọa về chủ quyền đất nước từ các cường quốc phương Tây, năm 1897, Ra-ma V tiến hành chuyến công du sang các nước châu Âu, gặp gỡ đại diện các chính phủ Anh, Pháp, Đức, Nga,... nhằm xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng đã kí trước đó. - Chính phủ Xiêm kí các hiệp ước với nội dung đồng ý cắt một số vùng lãnh thổ thuộc ảnh hưởng của Xiêm ở Lào, Cam-pu-chia cho Pháp (1907) và ở Mã Lai cho Anh (1909) để bảo vệ nền độc lập của nước mình. |
- Công cuộc cải cách đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, mở cửa cho hàng hóa xuất khẩu,... đưa Vương quốc Xiêm phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, từng bước hội nhập với thế giới trong những thập niên tiếp theo.
- Trên cơ sở những thành tựu của công cuộc cải cách, Chính phủ Xiêm có thực lực để thực hiện đường lối ngoại giao mềm dẻo, nhằm giữ vững nền độc lập và chủ quyền đất nước, không bị rơi vào tình trạng thuộc địa.
- Trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trong khu vực đều trở thành thuộc địa của thực dân, công cuộc cải cách của Xiêm chính là một trong những con đường ứng phó hiệu quả với làn sóng xâm lược của thực dân phương Tây ở Đông Nam Á.
Chúc các em học tốt !
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây