Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Hệ nội tiết ở người SVIP
1. Các tuyến nội tiết
➤ Tìm hiểu các tuyến nội tiết
Các tuyến nội tiết sản xuất ra hormone đưa vào máu, các hormone này được máu vận chuyển đến các cơ quan trong cơ thể và tham gia điều hoà hoạt động của các cơ quan đó. Hormone có tính đặc hiệu, mỗi loại hormone chỉ ảnh hưởng đến một hoặc một số cơ quan nhất định (cơ quan đích).
Tuyến yên:
- Điều hoà hoạt động của các tuyến nội tiết khác và quá trình sinh trưởng của cơ thể.
- Ví dụ: Tuyến yên tiết hormone TSH kích thích tuyến giáp sản sinh hormone thyroxine; tuyến yên cũng tiết ra hormone GH kích thích sự phân chia và tăng kích thước tế bào, kích thích phát triển xương.
Tuyến tùng:
- Điều hoà nhịp sinh học ở cơ thể người.
- Ví dụ: Tuyến tùng tiết hormone melatonine tham gia điều hoà giấc ngủ.
Tuyến giáp:
- Tham gia điều hoà quá trình trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng của tế bào.
- Ví dụ: Hormone thyroxine do tuyến giáp tiết ra có vai trò tăng quá trình chuyển hoá trong tế bào, tăng sinh nhiệt,…
Tuyến ức:
- Hỗ trợ cho hệ thống miễn dịch ở người.
- Ví dụ: Kích thích sản sinh và hoạt hoá các tế bào lympho T
Tuyến trên thận:
- Hỗ trợ cho hoạt động của hệ thần kinh, thận; tăng quá trình phân giải chất hữu cơ (lipid, protein,…); kích thích phát triển các đặc tính ở nam giới.
- Ví dụ: Adrenaline do tuỷ tuyến trên thận tiết ra có tác dụng gây co mạch, tăng huyết áp,…
Tuyến tuỵ:
- Điều hoà hàm lượng đường trong máu.
- Ví dụ: Khi hàm lượng glucose trong máu tăng, tuyến tuỵ tiết hormone insulin kích thích tế bào gan và cơ chuyển hoá glucose thành glycogen dự trữ, nhờ đó đưa hàm lượng glucose về mức bình thường. Ngược lại, glucagon kích thích quá trình phân giải glycogen thành glucose.
Tuyến sinh dục:
- Tế bào kẽ trong tinh hoàn tiết hormone testosterone, các tế bào nang trứng trong buồng trứng tiết hormone estrogen. Các hormone này tham gia điều hoà quá trình sinh sản, gây nên các biến đổi của cơ thể ở tuổi dậy thì.
2. Một số bệnh liên quan đến hệ nội tiết và cách phòng tránh
➤ Tìm hiểu bệnh tiểu đường
Tiểu đường là bệnh phổ biến hiện nay do rối loạn quá trình chuyển hoá carbohydrate, dẫn đến hàm lượng đường trong máu và nước tiểu tăng cao. Bệnh tiểu đường gồm có hai loại:
Tiểu đường loại I (còn gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin): Nguyên nhân do các tế bào tuyến tuỵ không sản sinh đủ lượng insulin để chuyển hoá glucose thành glycogen dẫn đến hàm lượng glucose trong máu tăng cao, vượt ngưỡng tái hấp thu ở thận nên được bài tiết qua nước tiểu.
Tiểu đường loại II (còn gọi là tiểu đường không phụ thuộc insulin): Trong trường hợp này, người bệnh vẫn tiết đủ hoặc thừa lượng insulin nhưng các tế bào gan và cơ không đáp ứng với hormone này dẫn đến glucose không được chuyển hoá thành glycogen dự trữ.
Để phòng tránh bệnh tiểu đường cần có chế độ ăn uống khoa học (không ăn nhiều các loại thức ăn chế biến sẵn hoặc có chứa hàm lượng đường cao, không sử dụng đồ uống có gas,…), thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng nhằm hạn chế ảnh hưởng đến quá trình sản sinh hormone insulin.
➤ Tìm hiểu bệnh bướu cổ do thiếu iodine
Bướu cổ là bệnh lí do sự tăng lên về kích thước của tuyến giáp. Nguyên nhân là do trong khẩu phần ăn hằng ngày thiếu iodine làm cho hormone thyroxine (có thành phần chính gồm iodine và amino acid tyrosine) không được tiết ra, lúc này tuyến yên sẽ tiết hormone TSH kích thích tuyến giáp tăng cường hoạt động tạo ra sản phẩm và tích luỹ trong nang tuyến giáp ngày càng nhiều dẫn đến tuyến giáp phình to.
Việc bổ sung đầy đủ iodine trong khẩu phần ăn hằng ngày giúp cơ thể sản sinh đủ lượng thyroxine, nhờ đó, giảm nguy cơ mắc bệnh bướu cổ; kích thích quá trình chuyển hoá cơ bản dẫn đến tăng tốc độ sinh trưởng, tăng sinh nhiệt; kích thích phát triển xương và mô thần kinh ở trẻ em.
➤ Tìm hiểu bệnh lùn và bệnh khổng lồ
Bệnh khổng lồ và bệnh lùn ở người là do hoạt động của tuyến yên bị rối loạn gây ảnh hưởng đến quá trình sản sinh hormone GH. Khi lượng hormone GH cao hơn mức bình thường sẽ kích thích sự phân chia mạnh mẽ của các tế bào sụn và tế bào tạo xương gây bệnh khổng lồ (cao hơn 2 m); ngược lại, khi lượng hormone GH thấp hơn mức bình thường sẽ gây bệnh lùn (thấp hơn 1,2 m).
Để phòng chống các bệnh về hệ nội tiết, cần có chế độ ăn uống khoa học và lối sống lành mạnh; không lạm dụng rượu, bia, thuốc tránh thai,...; thường xuyên kiểm tra sức khoẻ.
1. Một số tuyến nội tiết ở người: Tuyến yên, tuyến tùng, tuyến giáp, tuyến ức, tuyến trên thận, tuyến tuỵ, tuyến sinh dục (tinh hoàn ở nam giới và buồng trứng ở nữ giới).
2. Các tuyến nội tiết sản xuất hormone, được máu vận chuyển đến các cơ quan đích tham gia điều hoà các hoạt động sống của cơ thể.
3. Khi hoạt động của các tuyến nội tiết bị rối loạn sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hoá trong cơ thể và gây nên nhiều bệnh liên quan đến hệ nội tiết: Bệnh tiểu đường, bệnh bướu cổ do thiếu iodine, bệnh lùn, bệnh khổng lồ,…
4. Để phòng tránh các bệnh nội tiết cần có lối sống lành mạnh; chế độ dinh dưỡng, lao động và nghỉ ngơi hợp lí; tránh tiếp xúc với các chất độc hại; thường xuyên luyện tập thể thao; khám sức khoẻ định kì để phát hiện sớm các bệnh nội tiết;…
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây