Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Hệ thần kinh và các giác quan ở người SVIP
1. Hệ thần kinh
➤ Tìm hiểu cấu tạo và chức năng của hệ thần kinh
Hệ thần kinh bao gồm bộ phận trung ương và bộ phận ngoại biên.
Bộ phận trung ương có chức năng tiếp nhận, tổng hợp, xử lí thông tin và đưa ra các tín hiệu để trả lời các kích thích.
Bộ phận ngoại biên có chức năng dẫn truyền xung thần kinh giữa các cơ quan và trung ương thần kinh.
Sự kết hợp giữa bộ phận trung ương và bộ phận ngoại biên giúp hệ thần kinh thực hiện chức năng điều khiển, điều hoà và phối hợp mọi hoạt động của các cơ quan, hệ cơ quan trong cơ thể thành một thể thống nhất, đảm bảo sự thích nghi với những thay đổi của môi trường bên trong cũng như môi trường bên ngoài cơ thể.
➤ Tìm hiểu một số bệnh về hệ thần kinh và cách phòng, chống
Thiếu máu não là tình trạng giảm tuần hoàn máu lên não. Bệnh gây ra các triệu chứng như giảm thị lực, chóng mặt, đau đầu,… Nguyên nhân gây thiếu máu não có thể do xơ vữa động mạch, thoái hoá đốt sống cổ, máu đông gây cản trở dòng tuần hoàn,…
Mất ngủ là các rối loạn ảnh hưởng đến não, tuỷ sống và dây thần kinh. Cơ thể bị mất ngủ do căng thẳng; bị rối loạn giấc ngủ vì thay đổi lịch làm việc hoặc do chênh lệch múi giờ; sử dụng các chất gây nghiện, các chất kích thích (như cà phê, trà, thuốc lá, rượu,…);…
Sức khoẻ con người phụ thuộc chủ yếu vào trạng thái hoạt động của hệ thần kinh. Để phòng bệnh liên quan đến hệ thần kinh, cần:
- Đảm bảo giấc ngủ hằng ngày để phục hồi khả năng làm việc của hệ thần kinh sau một ngày làm việc căng thẳng.
- Tránh suy nghĩ lo âu.
- Xây dựng một chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lí, có chế độ dinh dưỡng hợp lí.
- Tránh sử dụng, lạm dụng các chất kích thích, chất gây nghiện gây hại cho hệ thần kinh.
Một số chất gây hại cho hệ thần kinh:
- Caeine: Gây chứng mất ngủ, ảnh hưởng đến hệ tim mạch, tăng nhịp tim, tăng cholesterol trong máu, huyết áp tăng, ảnh hưởng tới chức năng của gan,…
- Nicotine có trong thuốc lá: Làm giảm số lượng các tế bào thần kinh.
- Alcohol: Ức chế hệ thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tập trung chú ý, đau đầu, khó thở dẫn đến rối loạn tâm thần.
- Ma tuý: Lúc đầu tạo cảm giác hưng phấn, lâu dần lệ thuộc vào thuốc dẫn đến đầu óc hay mơ hồ, giảm trí nhớ, mất tập trung, dễ dẫn đến tai biến, đột quỵ,…
2. Các giác quan
➤ Tìm hiểu cấu tạo, chức năng của mắt; một số bệnh, tật về mắt và cách phòng, chống
Mắt - cơ quan thị giác thực hiện chức năng quan sát, thu nhận lại hình ảnh, màu sắc của sự vật chuyển về trung ương thần kinh (não bộ) để xử lí và lưu trữ.
Cấu tạo ngoài của mắt gồm các bộ phận: Lông mày, lông mi, mi mắt,…
Chúng ta có thể nhìn được vật là do các tia sáng phản chiếu từ vật đi tới màng lưới qua một hệ thống môi trường trong suốt gồm màng giác, thuỷ dịch, thuỷ tinh thể, dịch thuỷ tinh.
Tật khúc xạ ở mắt
Tật cận thị (mắt chỉ có khả năng nhìn gần)
- Nguyên nhân: Cầu mắt dài hoặc thuỷ tinh thể quá phồng (do không giữ đúng khoảng cách khi đọc, viết,…).
- Hậu quả: Ảnh của vật thường ở phía trước màng lưới.
- Cách khắc phục: Đeo kính cận (kính phân kì, kính lõm hai mặt).
Tật viễn thị (mắt chỉ có khả năng nhìn xa)
- Nguyên nhân: Cầu mắt ngắn hoặc ở người già thuỷ tinh thể bị lão hoá, mất tính đàn hồi không phồng được.
- Hậu quả: Ảnh của vật thường hiện phía sau màng lưới.
- Cách khắc phục: Đeo kính lão (kính hội tụ).
Các bệnh về mắt
Viêm kết mạc (đau mắt đỏ) do virus, vi khuẩn xâm nhập. Bệnh có khả năng lây lan nếu dùng chung khăn mặt, chậu với người bệnh,… Bệnh gây đau, sưng, ngứa, đỏ, chảy nước mắt, có thể giảm thị lực,… Để phòng bệnh đau mắt đỏ, nên vệ sinh mắt thường xuyên; hạn chế dụi mắt, không nên dùng chung khăn mặt, đồ dùng cá nhân với người bệnh;…
Đục thuỷ tinh thể (đục nhân mắt) có thể do lão hoá, chấn thương mắt, tiếp xúc với tia tử ngoại, di truyền,… Bệnh gây giảm thị lực, nhìn mờ, thậm chí có thể dẫn đến mù loà,…
Để phòng bệnh, nên bảo vệ mắt khỏi tác hại của ánh sáng; không để mắt tiếp xúc trực tiếp với tia UV; không sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài, liên tục; cung cấp vitamin A, E;...
➤ Tìm hiểu các bệnh/tật về mắt trong trường học, tuyên truyền chăm sóc và bảo vệ mắt
a. Mục tiêu
- Trình bày một số bệnh/tật về mắt trong trường học: Tên bệnh/tật, nguyên nhân, cách phòng ngừa,…
- Tuyên truyền chăm sóc và bảo vệ đôi mắt qua các hình thức khác nhau: Thuyết trình, phỏng vấn,…
b. Chuẩn bị: Sổ ghi chép, bút, máy ghi âm, phiếu khảo sát phỏng vấn, phiếu điều tra,…
c. Sản phẩm dự kiến: Bảng kết quả, tranh, ảnh, phim tài liệu,… giới thiệu các bệnh/tật về mắt; tuyên truyền chăm sóc và bảo vệ mắt.
d. Thực hiện dự án: Học sinh tiến hành tìm hiểu theo hướng dẫn của giáo viên.
➤ Tìm hiểu cấu tạo của tai; một số bệnh về thính giác và cách phòng, chống
Tai - cơ quan thính giác đảm nhiệm chức năng cảm nhận âm thanh và điều chỉnh thăng bằng cho cơ thể.
Sóng âm thanh từ nguồn âm phát ra được vành tai hứng lấy, truyền qua ống tai và làm rung màng nhĩ. Khi sóng âm đến màng nhĩ, làm cho màng nhĩ rung động. Các rung động truyền qua chuỗi xương tai đến ốc tai. Các tế bào thần kinh cảm giác trong ốc tai chuyển đổi các rung động này thành các xung thần kinh, sau đó, truyền về não bộ và cho ta nhận biết âm thanh.
Một số bệnh về thính giác:
- Viêm tai ngoài là tình trạng viêm xảy ra ở niêm mạc ống tai ngoài, do tổn thương hoặc bị vi khuẩn xâm nhập vào da. Các triệu chứng ngứa, đau tai; có cảm giác bùng lỗ tai;…
- Viêm tai giữa là tình trạng viêm nhiễm, tích tụ dịch mủ ở trong tai giữa; gây các triệu chứng đau nhức trong tai thường xuyên, đau đầu kéo dài, ù tai, có dịch trong tai,…
Để phòng bệnh về tai, cần giữ vệ sinh tai, mũi, họng; tránh nơi có tiếng ồn hoặc tiếng động mạnh,…
1. Hệ thần kinh bao gồm bộ phận trung ương (não bộ, tuỷ sống), bộ phận ngoại biên (dây thần kinh, hạch thần kinh). Hệ thần kinh có chức năng điều khiển, điều hoà và phối hợp hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
2. Để phòng, chống bệnh về hệ thần kinh nên ngủ đủ giấc; làm việc, nghỉ ngơi hợp lí; tránh lo âu, phiền muộn; tránh sử dụng các chất có hại cho hệ thần kinh,…
3. Cầu mắt có cấu tạo gồm các bộ phận: màng giác, thuỷ dịch, thuỷ tinh thể, dịch thuỷ tinh,…
4. Quá trình thu nhận ánh sáng: Ánh sáng phản chiếu từ vật tới mắt giúp ta nhận biết về hình dạng, độ lớn của vật và màu sắc.
5. Để phòng, chống bệnh, tật về mắt, cần giữ vệ sinh mắt, rửa mắt bằng nước muối sinh lí, đọc sách nơi đủ ánh sáng, không dùng chung khăn, …
6. Tai gồm các bộ phận: Vành tai, ống tai, màng nhĩ, chuỗi xương tai, vòi nhĩ, ốc tai.
7. Tai có chức năng cảm nhận âm thanh. Sóng âm di chuyển từ bên ngoài qua vành tai, ống tai vào làm rung màng nhĩ; sau đó, sóng âm truyền qua chuỗi xương tai vào tai trong, đến ốc tai.
8. Để phòng, chống các bệnh về tai, cần giữ vệ sinh tai, mũi, họng; tránh nghe âm thanh có cường độ cao;…
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây