Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật SVIP
I. Khái niệm sinh trưởng và phát triển ở sinh vật
1. Khái niệm
Sinh trưởng là quá trình gia tăng kích thước và khối lượng của cơ thể sinh vật.
Ví dụ: Sự tăng chiều cao của cây, sự tăng khối lượng cơ thể động vật.
Phát triển là quá trình biến đổi về cấu trúc và chức năng của tế bào, mô và cơ thể diễn ra trong quá trình sống của sinh vật.
Ví dụ: Sự phân hoá tế bào thành mô; sự nảy mầm của hạt thành cây con; sự phân hoá của mô phân sinh đỉnh thành mầm hoa.
Quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật thay đổi theo từng loài, từng giai đoạn và điều kiện sống của chúng.
Phát triển cơ thể biểu hiện ở ba quá trình có liên quan mật thiết với nhau là sinh trưởng, phân hoá tế bào và phát sinh hình thái.
2. Các dấu hiệu đặc trưng của sinh trưởng và phát triển ở sinh vật
Dấu hiệu đặc trưng của sinh trưởng ở sinh vật là sự gia tăng số lượng, kích thước và khối lượng tế bào dẫn đến sự gia tăng kích thước và khối lượng cơ thể.
Ví dụ: Cây ngô sau khi nảy mầm bắt đầu sinh trưởng bằng cách tăng chiều cao, tăng diện tích lá.
Dấu hiệu đặc trưng của phát triển ở sinh vật là sự phân hoá tế bào, phát sinh hình thái cơ quan, cơ thể theo đặc điểm di truyền của loài do sự hình thành các mô, cơ quan mới của cơ thể; kèm theo sự xuất hiện các chức năng sinh lí tương ứng.
Ví dụ: Bé trai đến tuổi dậy thì có sự biến đổi cơ thể như vỡ giọng, mọc râu, bắp thịt vạm vỡ,...
Sự phát triển của các cơ quan trong cơ thể có thời điểm bắt đầu, tốc độ khác nhau theo từng giai đoạn và được điều hoà bởi các yếu tố bên trong và bên ngoài.
3. Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển
Sinh trưởng và phát triển có liên quan mật thiết với nhau, là hai mặt của quá trình sống ở sinh vật.
Sinh trưởng là điều kiện cần thiết để phát triển. Ví dụ: Cây ra hoa khi đã đạt được một kích thước nhất định; động vật chuyển sang giai đoạn sinh sản khi cơ thể trải qua thời kì sinh trưởng ban đầu.
Phát triển có tác động làm thay đổi mức độ của sự sinh trưởng. Ví dụ: Cây sinh trưởng chậm lại khi chuyển sang giai đoạn ra hoa, tạo quả; ở giai đoạn phát dục, cơ thể động vật thường lớn nhanh.
Sinh trưởng và phát triển thường biểu hiện đan xen và khó tách biệt. Ví dụ: Hạt lúc nảy mầm thành cây con là quá trình phát triển, nhưng cùng khi đó, lại có sự tăng về số lượng và kích thước của tế bào, của các cơ quan như rễ, thân, lá của cây mầm,... là quá trình sinh trưởng.
II. Vòng đời và tuổi thọ của sinh vật
1. Khái niệm vòng đời và tuổi thọ
Vòng đời hay chu kì sống của sinh vật là quá trình lặp lại theo trình tự nhất định các thay đổi mà một cá thể sinh vật phải trải qua, bắt đầu từ khi được sinh ra, lớn lên, trưởng thành, sinh sản, rồi chết. Các cá thể cùng loài có vòng đời giống nhau.
Ví dụ: Vòng đời của cây thông trải qua các giai đoạn: Cây non, cây trưởng thành, nón đực mang tinh tử và nón cái mang noãn bào, hợp tử, phôi trong hạt; vòng đời của muỗi trải qua các giai đoạn: Trứng, ấu trùng, nhộng, muỗi trưởng thành.
Tuổi thọ dùng để chỉ thời gian sinh tồn của sinh vật, được tính từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi. Giới hạn tuổi thọ của loài được xác định bởi đặc điểm di truyền.
Ví dụ: Bộ Phù du (Ephemeroptera) sau khi lột xác lên bờ chỉ có thể sống trong vài giờ ngắn ngủi; rùa biển có thể sống từ 50 - 100 năm.
Theo thống kê dân số vào năm 2020, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,7 tuổi); trong đó tuổi thọ trung bình của nam giới là 71 tuổi và tuổi thọ trung bình của nữ giới là 76,4 tuổi. (Nguồn: Niên giám thống kê năm 2020, Tổng cục Thống kê).
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người
Yếu tố bên trong: Yếu tố di truyền có tác động đến tuổi thọ của con người; khoảng 25 % tuổi thọ do di truyền quyết định. Do vậy, tuổi thọ của con người liên quan mật thiết đến gene, tầm vóc, thể trạng, bệnh tật có thể di truyền qua gene.
Yếu tố bên ngoài:
- Môi trường sống: Người sống ở vùng không bị ô nhiễm, ít bệnh tật có tuổi thọ cao.
- Chế độ ăn uống: Người được ăn uống đầy đủ, khoa học, giúp cơ thể khoẻ mạnh làm tăng tuổi thọ.
- Chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lí, lối sống lành mạnh, thái độ sống tích cực, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao,... giúp cơ thể cường tráng, khoẻ mạnh, kéo dài tuổi thọ.
- Chế độ chăm sóc sức khoẻ, phòng chữa bệnh kịp thời, an ninh trật tự xã hội được đảm bảo,... giúp tăng cường tuổi thọ.
3. Ứng dụng hiểu biết về vòng đời của sinh vật trong thực tiễn
Đối với đời sống con người: Cần đảm bảo tốt các yếu tố ảnh hưởng đến sinh trưởng nhằm kéo dài tuổi thọ như dinh dưỡng tốt, chăm sóc sức khoẻ, đảm bảo vệ sinh môi trường, an sinh xã hội,...
Đối với vật nuôi, cây trồng: Cần nghiên cứu biện pháp, kĩ thuật nuôi trồng phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao về năng suất, chất lượng.
Ví dụ: Chọn giống tốt, bố trí thời vụ phù hợp, thâm canh, chế độ dinh dưỡng tốt.
Đối với sinh vật gây hại: Cần nghiên cứu chu kì sống và các đặc điểm sinh trưởng, phát triển của từng đối tượng để tìm biện pháp hạn chế tác hại ở mức thấp nhất.
Ví dụ: Loại bỏ các vật dụng chứa nước để tránh muỗi sinh sản.
1. Sinh trưởng là quá trình gia tăng kích thước và khối lượng của cơ thể sinh vật do sự gia tăng số lượng, kích thước, khối lượng của tế bào, mô, cơ quan.
2. Phát triển là quá trình biến đổi về cấu trúc và chức năng của tế bào, mô và cơ thể diễn ra trong quá trình sống của sinh vật.
3. Các dấu hiệu đặc trưng của sinh trưởng và phát triển ở sinh vật: Tăng kích thước và khối lượng cơ thể; phân hoá tế bào, phát sinh hình thái cơ quan, cơ thể kèm theo sự thay đổi các chức năng sinh lí tương ứng.
4. Sinh trưởng và phát triển có liên quan mật thiết với nhau, sinh trưởng tạo tiền đề cho phát triển và ngược lại phát triển là điều kiện thúc đẩy sinh trưởng.
5. Vòng đời (hay chu kì sống) của sinh vật là quá trình lặp lại theo trình tự nhất định các thay đổi mà một cá thể sinh vật phải trải qua, bắt đầu từ khi được sinh ra, lớn lên, trưởng thành, sinh sản, rồi chết.
6. Tuổi thọ dùng để chỉ thời gian sinh tồn của sinh vật, được tính từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Các yếu tố ảnh hưởng đến tuổi thọ của con người bao gồm các yếu tố bên trong (di truyền) và yếu tố bên ngoài (môi trường, xã hội).
7. Nghiên cứu chu kì sống và tuổi thọ để ứng dụng nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi và trồng trọt, hạn chế sinh vật gây hại, kéo dài tuổi thọ cho con người.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây