Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bài 15. Đặc điểm tự nhiên, môi trường và tài nguyên vùng biển Việt Nam SVIP
1. Đặc điểm tự nhiên các vùng biển đảo Việt Nam
a. Địa hình
- Các dạng địa hình ven biển nước ta rất đa dạng, bao gồm: vịnh cửa sông, bờ biển mài mòn, tam giác châu, các bãi cắt phẳng, cồn cát, đầm phá, vũng vịnh nước sâu,...
- Địa hình thềm lục địa có sự tiếp nối với địa hình trên đất liền: nông và bằng phẳng ở phía Bắc và phía Nam, hẹp và sâu ở miền Trung.
- Địa hình đảo:
+ Các quần đảo xa bờ bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.
+ Ngoài ra, nước ta có hệ thống đảo ven bờ phân bố tập trung ở vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hoà, Kiên Giang,... Các đảo ven bờ có diện tích lớn nhất là Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà (Hải Phòng) và Cái Bầu (Quảng Ninh).
•
•
b. Khí hậu
Khí hậu vùng biển đảo nước ta mang tính chất nhiệt đới gió mùa.
- Nhiệt độ bề mặt nước trung bình năm là 26oC. Vào mùa hạ, nhiệt độ giữa các vùng biển ít chênh lệch; trong khi vào mùa đông, nhiệt độ giảm khá nhanh từ vùng biển phía Nam lên vùng biển phía Bắc. Biên độ nhiệt độ trung bình năm ở biển đảo nhỏ hơn trên đất liền.
- Hướng gió thay đổi theo mùa:
+ Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, gió mùa mùa đông và Tín phong có hướng Đông Bắc chiếm ưu thế.
+ Từ tháng 5 đến tháng 9, gió mùa hướng Đông Nam chiếm ưu thế.
+ Gió trên biển mạnh hơn trên đất liền rõ rệt.
- Lượng mưa trên biển thường nhỏ hơn trên đất liền, khoảng trên 1 100 mm/năm; các đảo có lượng mưa lớn hơn.
- Vùng biển nước ta là nơi chịu nhiều thiên tai: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc,... Trung bình mỗi năm có 3 - 4 cơn bão trực tiếp đổ bộ vào vùng biển Việt Nam.
c. Hải văn
- Độ muối trung bình của vùng biển Việt Nam khoảng 32‰ - 33‰, có sự biến động theo mùa và theo khu vực.
- Dòng biển ven bờ ở nước ta có sự thay đổi theo mùa, cả về hướng chảy và cường độ.
+ Vào mùa đông, dòng biển có hướng Đông Bắc - Tây Nam.
+ Vào mùa hạ, dòng biển chảy theo hướng ngược lại, là Tây Nam - Đông Bắc.
+ Dòng biển mùa đông chảy mạnh hơn dòng biển mùa hạ.
- Trên vùng biển Việt Nam còn xuất hiện các vùng nước trồi, vận động theo chiều thẳng đứng, kéo theo nguồn dinh dưỡng cho các loài sinh vật biển.
- Chế độ triều dọc bờ biển Việt Nam rất đa dạng.
+ Bao gồm: nhật triều đều, nhật triều không đều, bán nhật triều và bán nhật triều không đều.
+ Trong đó, chế độ nhật triều đều (một ngày đêm có một lần nước lên và một lần nước xuống) rất điển hình, đặc biệt ở vịnh Bắc Bộ.
+ Độ cao triều cũng thay đổi tuỳ đoạn bờ biển: cao nhất là từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá, thấp nhất là vùng ven bờ đồng bằng sông Cửu Long.
2. Môi trường biển đảo Việt Nam
a. Đặc điểm môi trường biển đảo Việt Nam
- Môi trường biển là một bộ phận quan trọng trong môi trường sống của chúng ta. Môi trường biển ở nước ta bao gồm:
+ Các yếu tố tự nhiên: nước biển, bờ biển và các bãi biển, thềm lục địa và đáy biển, đa dạng sinh học biển.
+ Các yếu tố vật chất nhân tạo: các công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất ven biển và trên biển như đê, kè, cảng, xí nghiệp, dàn khoan dầu khí,...
- Hiện trạng môi trường biển đảo:
+ Môi trường nước biển: chất lượng nước biển ven bờ còn khá tốt với hầu hết các chỉ số đặc trưng nằm trong giới hạn cho phép. Đối với môi trường nước xa bờ, chất lượng nước biển tương đối ổn định và ít biến động qua các năm.
+ Môi trường bờ biển, bãi biển: vùng bờ biển nước ta có nhiều dạng địa hình tiêu biểu như các vịnh cửa sông, các tam giác châu có bãi triều rộng, các bãi cát phẳng, cồn cát, đầm phá,... tạo nên những cảnh quan đẹp và phân hoá đa dạng. Các hệ sinh thái vùng bờ biển cũng rất phong phú, nhất là rừng ngập mặn và hệ sinh thái vùng triều có tính đa dạng sinh học cao.
+ Tuy nhiên, môi trường biển đảo có sự xuống cấp nghiêm trọng:
•
•
• Vẫn còn tình trạng xả thải ra biển chưa qua xử lí.
• Các hệ sinh thái biển đang bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững dẫn đến tình trạng suy giảm đa dạng sinh học,...
=> Chính vì thế, bảo vệ và cải thiện môi trường biển chính là điều kiện cấp thiết đảm bảo cho sự phát triển kinh tế biển của nước ta.
b. Vấn đề bảo vệ môi trường biển đảo Việt Nam
Bảo vệ môi trường biển đảo là trách nhiệm của mỗi người dân trong cộng đồng. Mỗi địa phương cùng đồng hành với cả nước tích cực tham gia vào công cuộc bảo vệ môi trường biển đảo bằng những hành động cụ thể sau:
- Tham gia vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thực của cộng đồng địa phương về bảo vệ môi trường biển, đảo.
- Thường xuyên và tích cực tham gia các hoạt động làm sạch bờ biển, làm đẹp cảnh quan, môi trường biển đảo, tổ chức trồng cây và bảo vệ, chăm sóc cây.
- Tích cực tham gia vào các hoạt động khắc phục và làm giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra tại địa phương.
- Tổ chức học tập và thực hành các kĩ năng sống, thích ứng với những thay đổi của tự nhiên vùng biển đảo,...
3. Tài nguyên biển và thềm lục địa
a. Tài nguyên sinh vật
- Phong phú, có tính đa dạng sinh học cao.
+ Vùng biển Việt Nam có hơn 2 000 loài cá, trong đó có khoảng 110 loài có giá trị kinh tế cao.
+ Ngoài ra, còn có các loài động vật giáp xác, thân mềm, trong đó nhiều loài là thực phẩm được ưa thích, có giá trị dinh dưỡng cao như tôm, mực, hải sâm,...
+ Vùng triều ven bờ có nhiều loài rong biển được sử dụng trong công nghiệp thực phẩm và xuất khẩu. Đã phát hiện trên 600 loài rong biển, khoảng 400 loài tảo biển cùng nhiều loài cỏ biển có giá trị.
- Năm 2019, vùng biển nước ta có trữ lượng thuỷ sản là 3,97 triệu tấn và khả năng khai thác là gần 1,55 triệu tấn.
b. Tài nguyên du lịch
- Bờ biển dài, có nhiều bãi cát, vịnh, hang động đẹp, nước biển trong xanh, hệ sinh thái biển phong phú, khung cảnh thiên nhiên các đảo đa dạng, là điều kiện thuận lợi phát triển du lịch biển.
- Một số địa điểm thu hút khách du lịch ở nước ta là vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Mỹ Khê (Đà Nẵng), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hoà), Mũi Né (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang),...
c. Tài nguyên khoáng sản
- Dầu mỏ, khí tự nhiên:
+ Tập trung ở các bể (bồn trũng) trong vùng thềm lục địa, như các bể Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Malay - Thổ Chu, Tư Chính - Vũng Mây, bể Trường Sa và Hoàng Sa.
+ Các khoáng sản khác bao gồm 35 loại khoáng sản, phân bố dọc vùng ven biển, sườn bờ và dưới đáy biển. Trong đó, có giá trị nhất là ti-tan, cát thuỷ tinh, muối,... Băng cháy cũng là một loại khoáng sản có tiềm năng sử dụng lớn trong tương lai.
- Muối:
+ Nước ta có đường bờ biển dài, biển có độ muối trung bình cao, kết hợp nền nhiệt độ cao và nhiều nắng nên có điều kiện thuận lợi để sản xuất muối.
+ Những cánh đồng muối lớn phân bố chủ yếu ở một số tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ của nước ta như Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Ninh Thuận,...
- Một số tài nguyên khoáng sản khác
+ Titan là một trong những vật liệu quan trọng của kĩ thuật mới. Ở Việt Nam, quặng titan có nhiều trong sa khoáng ven biển miền Trung với trữ lượng dự báo khoảng 650 triệu tấn, tập trung nhiều ở khu vực ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu.
+ Vùng ven biển nước ta còn có tiềm năng lớn về cát thuỷ tinh. Cát thuỷ tinh nước ta có hàm lượng SiO2, độ tinh khiết và độ trắng cao, đủ điều kiện để sản xuất các mặt hàng thuỷ tinh đa dạng. Cát thuỷ tinh phân bố ở nhiều nơi như vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, ven biển khu vực Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế,...
+ Ngoài ra, vùng Biển Đông Việt Nam còn có phốt pho ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; băng cháy, đồng, chì, kẽm,... phân bố ở đáy biển hoặc nằm trong lòng đất dưới đáy biển.
d. Các tài nguyên khác ở vùng biển và thềm lục địa Việt Nam
- Nước ta nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, gió thổi thường xuyên với tốc độ trung bình ở nhiều nơi đạt trên 6 m/s (vùng biển phía Nam). Chính vì vậy, tiềm năng và triển vọng năng lượng điện gió ở nước ta là rất lớn.
- Bên cạnh đó, nước ta còn có nguồn năng lượng thuỷ triều ổn định. Hai khu vực có tiềm năng lớn về năng lượng thuỷ triều có thể xây dựng các nhà máy điện để phục vụ sinh hoạt và sản xuất là:
+ Khu vực từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Thanh Hoá.
+ Khu vực từ Mũi Ba Kiệm (Bình Thuận) đến Cà Mau.
- Ngoài ra, dọc theo bờ biển nước ta có nhiều khu vực nước sâu, thuận lợi để xây dựng cảng biển, nhất là các cảng nước sâu như: Cái Lân (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Dung Quất (Quảng Ngãi),...
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây