"Hãy lắng nghe những câu chuyện nhỏ,để thấy trái tim ta biết yêu thương". Lời bài hát ấy đã gợi lên trong tôi nhiều suy nghĩ về việc trải nghiệm và cảm nhận bởi chỉ khi ta sống thật đủ,thật sâu ta mới có thể đắm mình trong mật ngọt cuộc sống, khám phá những ngóc ngách, khía cạnh đa chiều của cuộc đời như nhà thơ Trụ Vũ có viết:
Bởi vì mắt ngó trời xanh
Cho nên mắt cũng long lanh màu trời
Bởi vì mắt ngó biển khơi
Cho nên mắt cũng xa vời đại dương.
Những vần thơ tràn đầy cảm xúc với nhịp điệu khỏe khoắn đã đem đến cho độc giả một thông điệp sâu sắc :ấy là chỉ khi ta chịu hướng mắt ra xa, trải nghiệm nhiều hơn ta mới có thể tạo cho mình một "ô cửa sổ tâm hồn" rộng mở, "long lanh" , "xa vời". Khi "mắt ngó trời xanh" ngắm nhìn bầu trời trong vắt , dường như sắc xanh kia cũng đang pha lẫn với tâm hồn con người, gột rửa đi những lo toan, mệt nhọc, muộn phiền để đem đến cho ta một "màu trời" vốn có nơi ánh mắt. Người xưa có câu " Tức cảnh sinh tình" ,"Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ " cảnh sắc thiên nhiên và tâm trạng của con người dường như có một sợi dây liên kết vô hình vì thế khi ngắm nhìn vẻ đẹp của trời xanh,vũ trụ ,con người như gặp được người bạn tri âm ,tri kỉ đã quen từ lâu để bộc bạch nỗi niềm cảm xúc. Chính những nhà thơ nổi tiếng cũng tìm đến vị cố nhân "thiên nhiên" để chuyện trò và san sẻ. Đó là Nguyễn Trãi với bài thơ viết khi ẩn cư núi rừng :
"Trong rừng có bóng trúc râm
Dưới màu xanh ngát ta ngâm thơ nhàn".
(Côn Sơn ca)
Hay đó là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với thú an nhàn chốn thôn quê :
"Thu ăn măng trúc,đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen,hạ tắm ao"
(Nhàn)
Thiên nhiên luôn là nguồn sáng tác dồi dào cho các thi nhân và nhà thơ Trụ Vũ cũng đã mượn hình ảnh thiên nhiên "trời xanh" và "biển khơi" để gửi gắm triết lý để ta mở mang trái tim và tầm mắt đó là chính chúng ta phải nhìn cuộc sống bằng một đôi mắt "long lanh" , "xa vời" . "long lanh" là cái nhìn trong sáng,bao dung và nhìn vào những mặt tốt,loang loáng của sự vật. Đầu tiên ta cần có một cái nhìn tổng quát nhưng tiếp đó ta cần tìm sâu hiểu kĩ bởi chỉ khi "mắt ngó biển khơi" ,mắt mới có thể "xa vời đại dương",mới hiểu thật toàn diện cả bên trong lẫn bên ngoài của sự vật,hiện tượng. Hơn thế nữa để đánh giá đúng bản chất của vạn vật xung quanh, chúng ta cần có cho mình một tầm nhìn đúng đắn,một trái tim nhân ái,một tinh thần sẵn sàng học tập và trải nghiệm. Chỉ khi ta dám nghĩ,dám tìm hiểu ta mới có thể tích cóp cho bản thân những kinh nghiệm thực tế mà không phải những lý thuyết sách vở khô khan. Sự trải nghiệm sẽ đem đến cho con người những hiểu biết mới mẻ,rộng mở không những về thiên nhiên,con người ,sự vật hiện tượng mà còn là sự tự nhận thức về bản thân. Xuân Quỳnh khi viết về hành trình "sóng" " tìm ra tận bể" để tìm kiếm tình yêu đích thực thực chất là ẩn dụ cho quá trình nhà thơ nhận thức rõ và sâu sắc hơn về khát vọng của bản thân và hành trình trải nghiệm đầy nhấp nhô ấy cũng giúp nữ thi sĩ dần hoàn thiện chính mình. Có thể thấy, khi đôi mắt được "ngó bầu trời", "ngó biển khơi" được chứng kiến những không gian rộng lớn thì tầm nhìn và suy nghĩ của con người cũng có sự thay đổi. Để không trở thành một người "ếch ngồi đáy giếng " , chúng ta phải luôn sẵn sàng hành động và trải nghiệm để nhận ra sự hữu hạn của bản thân,học cách khiêm tốn tiếp thu và khám phá thêm nhiều điều hay ho,mới lạ. Đặc biệt,sự chỉ dẫn của gia đình,bạn bè,xã hội cũng góp phần rất quan trọng trong việc động viên mỗi người bước ra khỏi vùng an toàn của mình, đặc biệt là với trẻ nhỏ bởi những bước đi đầu tiên,những trải nghiệm đầu đời sẽ góp phần tạo nên nhân sinh quan,thế giới quan của trẻ . Chính vì thế, trên bước đường trải nghiệm của mình, chúng ta cũng cần biết giúp đỡ ,trao đổi kinh nghiệm với mọi người xung quanh . Chỉ khi trải nghiệm với một tâm thái kiên trì,lạc quan, giúp đỡ mọi người chúng ta mới có thể đi xa hơn trên đường đời đầy những khó khăn,thách thức như ai đó đã từng nói :"Nếu muốn đi nhanh,hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa,hãy đi cùng nhau".
Chắc chắn một tâm hồn yêu thương, dũng cảm sẽ có được đôi mắt "long lanh màu trời", "xa vời biển khơi" bởi chính chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài thơ " Đi đường " cũng từng khẳng định sau một hành trình trải nghiệm ,rèn luyện gian nan, con người sẽ đạt được tầm nhìn cao rộng:
"Đi đường mới biết gian lao
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng
Núi cao đi đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non"