Thế giới phẳng là cách gọi của tác giả nói về xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Thế kỷ XXI với sự bùng nổ của công nghệ số đã khiến thế giới ngày một “phẳng” hơn. Ở thời đại này, chỉ cần một chiếc máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối mạng là con người có thể làm bất kỳ điều gì, thậm chí điều chỉnh cả thế giới. Và có thật là con người chỉ có lợi khi thế giới… “phẳng” đi?

Lợi ích của toàn cầu hóa đối với con người là giúp chúng ta tự tin và linh động hơn khi làm việc hay tạo lập các mối quan hệ. Nhưng, thế giới “phẳng” cũng tạo ra rất nhiều thử thách mà con người phải đối mặt. Bên cạnh sự bùng nổ về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hội nhập giữa nhiều quốc gia, thế giới phải đối mặt với những vấn nạn v​ề tất cả lĩnh vực, rõ nhất là toàn cầu hóa đã và đang gây áp lực nặng nề đối với tự nhiên, làm cho môi trường sống bị ảnh hưởng. Ở Việt Nam, có một số giá trị văn hóa truyền thống chưa phát huy tương xứng; một bộ phận người dân thay đổi lối sống, nảy sinh tư tưởng thực dụng, thậm chí tha hóa đạo đức… Vì vậy, cuốn sách “Thế giới phẳng” sẽ giúp độc giả hiểu được bản chất của toàn cầu hóa và giúp mỗi người chủ động hơn trong thời đại hội nhập.

Để bước vào thế giới “phẳng”, tác giả Thomas khuyên, quốc gia nào cũng nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết lập hệ thống giáo dục tiên tiến, kịp thời thay đổi chính sách quản lý, hệ thống pháp luật và khuyến khích những cá nhân có tư duy mở, sáng tạo phù hợp với thế giới. Ông cho rằng, thế giới “phẳng” đi phần lớn do sự góp mặt của công nghệ thông tin, những bước đột phá trong hệ thống chuỗi cung ứng. Đây cũng chính là sân chơi lành mạnh để những người trẻ thỏa sức thể hiện năng lực của mình. Khi toàn cầu hóa, người lao động sẽ chủ động thay đổi để không bị nền kinh tế đào thải. Họ bắt đầu làm quen và thành thạo những công việc không thể bị thay thế bởi máy móc. Nền giáo dục cũng cần thay đổi để giúp trẻ phát huy được hết khả năng tiềm ẩn. Việc học thuộc bài để có điểm giỏi cũng sẽ không còn phù hợp mà thay vào đó, giáo dục đòi hỏi sự linh hoạt hơn để tạo ra hứng thú cho học sinh.