Hãy nhập câu hỏi của bạn vào đây, nếu là tài khoản VIP, bạn sẽ được ưu tiên trả lời.
Đối với tôi, ba mẹ là những người quan trọng nhất ở trên đời. Bởi thế, tôi rất nghe lời ba mẹ, không dám làm sai điều gì. Tôi nhớ có một lần, tôi đã liều lĩnh, lén lút giúp ông lão ăn mày ở đầu hẻm. Ba mẹ biết được, nhận ra tấm lòng tốt của con nên đã rất tự hào.
Đêm phủ trùm xuống phố. Ánh đèn đường bắt đầu chập choạng sáng lên. Hôm nay, ba lại về muộn. Ba lại tăng ca. Gần tết nên công việc công ty nhiều hơn. Thương ba quá. Chắc giờ này ba lại đi ăn cơm hộp rồi.
Mẹ đã sẵn sàng bữa cơm tối và bảo chúng tôi ăn trước rồi còn học bài. Bữa ăn trôi qua nhanh chóng. Mẹ ăn qua loa rồi lại lo đi sắp xếp lại đồ đạc trong tủ lạnh cho gọn gàng. Thằng Tuấn em trai tôi hay nghịch ngợm nên mỗi khi lấy đồ gì, nó cứ xới tung lên. Mẹ đã nhắc mấy lần mà nó vẫn cứ chứng nào tật ấy.
Tôi nhanh chóng ăn hết phần ăn của mình và lặng lẽ giấu đi cái bánh mì có kẹp xúc xích. “Chắc giờ này ông cũng chưa ăn gì!” – tôi thầm nghĩ – “Có cái này chắc ông sẽ vui lắm đây!”. Sau bữa ăn, tôi cầm cái bánh mì, co cẳng chạy đến chạy ra ngã tư, dúi mạnh chiếc bánh vào tay ông lão bảo ông ăn đi rồi vội vã chạy về, sợ mẹ biết sẽ la. Ông lão chua kịp nhìn thì tôi đã chạy mất tiêu rồi.
Tôi nấp sau bức tường quan sát. Ông run rẩy cắn từng miếng to rồi nhai lấy nhai để. Chắc là ông đói lắm. Có lẽ từ sáng tới giờ ông chưa được ăn gì. Tôi chỉ lo ông ăn vội mà bị nghẹn thôi. Thoáng một cái, ông đã ăn xong. Uống ngụm nước trong cái chai giắt ở bên túi, ông ngơ ngác nhìn quanh tìm kiếm. Ông tìm ai đó vừa cho ông thức ăn để cảm ơn. Hay ông nghĩ một thiên thần nào đó vừa đến giúp ông chăng? Nghe tiếng mẹ gọi, tôi giật mình, vội chạy ngay về.
Đó là ông lão ăn mày vừa đến ở khu phố tôi. Không biết ông từ đâu đến. Một buổi sáng, khi ba chở anh em tôi đi học, tôi đã thấy ông ngồi ở đó, bên ngã tư đường, rách rưới và đói khát. Ánh mắt ông mờ đục nhìn dòng người lại qua. Khuôn mặt khắc khổ, đen sạm vì đen sạm gió, ánh mắt mờ đục bởi những khổ đau. Ông ngồi đó hết ngày này qua ngày khác. Ai thương, cho gì ông đều nhận lấy. Nghe mấy cô bác nói ông ở quê lên, không còn gia đình nữa. Ông không nhà, không cửa, không cháu con, một mình ở giữa cõi đời. Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường.
Mấy ngày nay trời đất cứ âm u, gió thổi vù vù trên mấy ngọn cây. Ngọn đèn đường cứ chập chờn sáng tối. Hôm nay, ba lại tăng ca không về. Bữa cơm tối chỉ có ba mẹ con. Mẹ nhắc em tôi sánh mai đi học nhớ mặc thêm áo ấm. Em tôi dạ rồi lại cắm cúi ăn. Nó thích món trứng sốt cà chua mẹ làm nên hôm nay nó vui vẻ lắm.
Hôm nay không có bánh mì nhưng tôi cũng kịp dành cho ông lão gói xôi tôi mua từ chiều nhưng chưa kịp. Như những lần trước, tôi chạy vội ra, dúi vào tay ông lão rồi co cẳng chạy về, không kịp nhìn. Vì trời gió to nên tôi không nán lại xem ông ăn.
Khép cửa sổ, cài chốt cẩn thận, tôi phụ mẹ dọn mấy thứ ở ngoài sân vào nhà. Mẹ bảo lên lầu kéo rèm và cột chặt lại kẻo gió giật rách mất. Tôi nhanh chóng làm xong mọi việc rồi lên bàn học bài.
Trời bắt đầu mưa. Nhưng giọt mưa đầu mùa tí tách rơi trên mái rồi nặng hạt dần. Mưa phủ mịt mờ khắp phố. Ngọn đèn trên cao cũng mờ mờ bởi màn mưa phủ. Tôi giật mình nghĩ về ông lão. Trời, cơn mưa đến nhan thế, không biết ông có kịp tránh mưa không? Mà mưa to thế này, biết tránh đi đâu. Tôi liền nghĩ đến việc mang cho ông một cái áo mua. Nghĩ rồi làm, tôi lặng lẽ xuống bếp, tìm trong kệ lấy một cái áo mưa cũ kỹ. Đội cái mũ lên đầu, tôi khẽ mở cửa chạy thẳng đến ngã tư. Ông lão đứng nép mình trong góc, run rẩy dưới làm mưa, quần áo đã ướt sũng. Có một người nữa đang đứng trước mặt, vừa đưa ông lão một cái gì đó. Có lẽ là thức ăn. Tôi không kịp nhìn, dúi vội vào tay ông lão bảo ông mặc vào đi rồi co cẳng chạy về.
Tôi về, lau khô người, thay vội bộ quần áo thì ba cũng về. Ba bước vào cửa, tôi bỗng giật mình. Tôi nhận ra dáng ba chính là người đàn ông bí ẩn lúc nãy đưa gói thức ăn cho ông lão. Thôi chết tôi rồi, ba sẽ là và đánh cho tôi một trận cho coi. Tôi sợ hãi, lẳng lặng lên phòng và chờ đợi. mặt tôi căng thằng, khiến em tôi lấy làm lạ lắm. Nó lại gần khẽ hỏi: “Có chuyện gì vậy chị hai?”. Tôi không nói nên lời, chỉ chực muốn khóc thôi.
Cửa phòng khẽ mở, ba mẹ tôi bước vào, khuôn mặt nghiêm nghị. Biết có chuyện chẳng lành, em tôi vội ngồi lên bàn học, giả vờ làm bài tập. Mẹ đến bên tôi, ôm tôi vào lòng. Nước mắt tôi chảy xuống, tôi thủ thỉ xin lỗi mẹ, xin lỗi ba. Ba mẹ tôi không những không trách mắng tôi mà còn khen tôi khiến tôi bất ngờ đến sửng sốt.
Mẹ bảo, mẹ biết chuyện tôi dành phần thức ăn cho ông lão từ lâu nhưng không nhắc nhở vì đó là việc tốt. Biết giúp đỡ người nghèo khó, người trong nghịch cảnh là hành động cao quý. Ba nói, mỗi ngày làm về, ba cũng mua cho ông lão thứ gì đó để ăn. Hôm thì cái bánh, hôm thì hộp cơm. Ông lão là người đáng thương, rất cần giúp đỡ. Ông lão khoe với ba rằng có một cô bé ở trong hẻm vẫn thường đem cho ông thức ăn. Ba chỉ mỉm cười. Ba còn nói, ba thấy tôi đưa ông lão cái áo mưa ba cũng ngạc nhiên lắm. Ba về muộn hơn tôi vì ba còn giúp ông lão mặc cái áo vào.
Thế là từ đó, mỗi buổi tối, tôi đều dành cho ông lão một ít thức ăn. Nhà tôi cũng nghèo khó, thức ăn cũng chẳng có gì ngon lành nhưng đối với ông lão đó là sự sống, là hạnh phúc ở trên đời .
Chiều nay đi học về, tôi không còn thấy ông lão ngồi ở ngã tư ấy nữa. Một gốc phố trống trải, u buồn. Người ta nói, ông lão đã đi rồi. Ông đi đâu đó không ai biết ông đã đi đâu nữa.
Văn lớp 8 của mình nha
Um.... tôi nghĩ bn nên đọc nhiều văn mẫu hơn lên mạng mà tham khảo nhiều văn hay lắm đấy
Hồng là một cậu bé sống trong một hoàn cảnh vô cùng bất hạnh. Em sinh ra bởi một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, rồi cha qua đời vì nghiện ngập, mẹ em phải tha hương cầu thực, xa quê, xa gia đình, em sống với người họ hàng giàu có nhưng cay nghiệt. Dù cho bà cô luôn nói những lời cay nghiệt, không ngừng gieo rắc vào tâm hồn ngây thơ của cậu những hoài nghi, khinh miệt mẹ nhưng em không hề để tâm và luôn nhớ về mẹ với những kí ức đẹp đẽ nhất. Tình yêu thương mẹ khiến cậu có những suy nghĩ mạnh mẽ, dứt khoát, muốn hết lòng bảo vệ mẹ. Cậu ước những cổ tục giống như hòn đá hay cục thủy tinh, cậu sẽ nhai, sẽ nghiến cho vụn nát mới thôi. Đoạn trích đã thể hiện được những cung bậc cảm xúc của cậu bé Hồng, một tâm hồn trẻ thơ đầy những tổn thương nhưng tình yêu dành cho mẹ vẫn dạt dào, mãnh liệt, thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng và cao đẹp.
nhớ tk nha
Bài mẫu 1:
Ca dao dân ca là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng chúng ta từ thuở lọt lòng. Dòng sữa tinh thần ấy lan xa theo hương lúa, cánh cò, trầm bổng ngân nga theo nhịp chèo của con thuyền xuôi ngược, âu yếm thiết tha như lời ru của mẹ... như khúc hát tâm tình quê hương đã thấm sâu vào tâm hồn tuổi thơ mỗi người. Em nhớ mãi lời ru của bà của mẹ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Lời ca dao tuy giản dị mà ý nghĩa thật lớn lao, nó ca ngợi công lao trời biển của cha mẹ và nhắc nhở đạo làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu.
Vẫn là thi pháp thường thấy trong ca dao, các tác giả dân gian dùng cách nói ví von để tạo ra hai hình ảnh cụ thể, song hành với nhau: Công cha đi liền với nghĩa mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta mượn hình ảnh núi Thái Sơn và nước trong nguồn vô tận để so sánh với công lao nghĩa mẹ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Cha mẹ sinh con ra, nuôi con mau lớn thành người. Tấm lòng cha mẹ dành cho con thật vô tận, nó chỉ có thể sánh với núi sông hùng vĩ trường cửu mà thôi. Công cha lớn lao như núi, cha thức khuya dậy sớm làm lụng vất vả lo cho con có cơm ăn áo mặc, học hành, khôn lớn thành người. Người cha như chỗ dựa tinh thần và vật chất cho con, cha nâng niu ôm ấp chăm chút cho con, ai có thể quên công lao trời biển ấy. Chín tháng mang nặng rồi đẻ đau, mẹ chắt chiu từng giọt sữa ngọt ngào nuôi con khôn lớn. Lúc con khỏe mạnh cũng như khi ốm đau lòng mẹ giành cho con: như biển Thái Bình dạt dào. Không có cha mẹ làm sao có chúng ta được: con có cha mẹ, không ai ở lỗ nẻ mà lên, tục ngữ đã dạy ta bài học đó. Câu ca dao đã nâng công lao của cha mẹ lên tầm kỳ vĩ sánh với vũ trụ, đất trời. Những hình ảnh tuy giản dị đơn sơ mà thấm đượm lòng biết ơn vô hạn của con cái với mẹ cha.
Công lao trời biển của cha mẹ sao kể hết bằng lời. Trong những dòng trữ tình hàm súc ấy ẩn chứa một chân lí ngàn đời, chân lí ấy phải được chuyển hoá thành hành động, hành động của lòng biết ơn:
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Ông cha ta dạy kẻ làm con phải: thờ mẹ kính cha phải giữ tròn phận sự của kẻ làm con. Đạo làm con phải làm tròn chữ hiếu. Hiếu ở đây là hiếu thuận, hiếu nghĩa, là cư xử làm sao cho kính trọng, yêu thương. Đó cũng là cách sống, cách thức làm người, lẽ sống của con người. Với cha mẹ phải thương yêu ngoan ngoãn vâng lời, lúc nhỏ thì chăm ngoan học giỏi, lớn lên trở thành người công dân tốt, đứa con hiếu thuận trong gia đình. Phải tuân theo những cách thức ứng xử hợp đạo lý. Hai chữ một lòng thế hiện niềm thuỷ chung, son sắt không thay đổi.
Luật gia đình của chúng ta ngày nay quy định bậc con cái phải có nghĩa vụ kính trọng cha mẹ, săn sóc cha mẹ khi già yếu chính là kế tục truyền thống tốt đẹp muôn đời của dân tộc ta uống nước nhớ nguồn. Những kẻ đi ngược lại đạo lý ấy thì sẽ không bao giờ tốt với ai hết, và dĩ nhiên kẻ ấy không bao giờ trở thành một công dân tốt cho xã hội. Những kẻ ấy nếu sống ở trên đời sẽ là những ung nhọt bệnh hoạn của gia đình, xã hội mà chúng ta thường gọi là bất nhân bất nghĩa.
Chúng ta được cha mẹ sinh ra để làm một con người, hãy sống cho xứng đáng là con người. Trên thực tế không phải ở mọi lúc, mọi nơi những đứa con giữ tròn đạo hiếu. Có biết bao cảnh con khinh rẻ cha mẹ, thậm chí đối xử tệ bạc với những người đã sinh ra và nuôi dưỡng mình. Những cách sống của những kẻ như vậy phải bị xã hội trừng trị. Bài ca dao đã đánh thức những kẻ đã và đang sống thiếu lương tri, đồng thời cũng như luồng ánh sáng chiếu rọi vào trái tim mỗi chúng ta - những đứa con.
Ngày nay chữ hiếu không chỉ dừng ở góc độ gia đình, rộng hơn là hiếu với dân, với nước. Có được như vậy mới nhằm xây dựng một xã hội lành mạnh, đẹp đẽ hơn, mà trước hết phải từ gia đình sống với nhau hiếu thuận có đạo đức.
Bài ca dao trên cũng như phần lớn các bài ca dao khác với nghệ thuận so sánh ví von, lời thơ cân xứng hài hoà, hình ảnh giản dị mà hàm xúc... đã nhằm nói lên được tình cảm gia đình sâu sắc. Tính truyền cảm, nội dung giáo dục mạnh mẽ đã làm cho nó sống mãi với chúng ta bao đời nay.
Bài mẫu 2:
Người Việt Nam ta rất coi trọng đời sống tình cảm, nhất là tình cảm gia đình. Có lẽ không ai không biết đến bài ca dao đã trở thành lời ru quen thuộc tự bao đời:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Nói về công lao của cha mẹ đối với con cái, câu ca dao trên đã đưa ra những hình ảnh giàu sức biểu cảm để so sánh và chỉ ra những hình ảnh vĩ đại như núi Thái Sơn, như nước trong nguồn mới diễn tả hết công lao so sành ấy. Thái Sơn là một ngọn núi cao nổi tiếng ở Trung Quốc, tượng trưng cho những gì lớn lao, vĩ đại. Khi so sánh Công cha như núi Thái Sơn, nhân dân ta muốn nhấn mạnh công lao của người cha trong việc nuôi dạy con cái trưởng thành. Còn hình ảnh nước trong nguồn thể hiện tình yêu thương vô hạn của người mẹ đối với các con.
Người xưa đã ví công cha với ngọn núi cao nhất, còn nghĩa mẹ lại so sánh với nước trong nguồn bất tận. Đọc kĩ bài ca dao, ta sẽ ngạc nhiên trước sự tinh tế này. Người xua đã phản ánh rất đúng đặc điểm tâm lí và cách biểu hiện tình cảm của cha mẹ đối với con cái để từ đó chọn chữ và dùng hình ảnh so sánh cho hợp lí. Vì thế chữ công để nói về cha, chữ nghĩa để nói về mẹ. Hai hình ảnh núi Thái Sơn và nước trong nguồn tuy khác xa nhau nhưng đều phù hợp với vai trò và vị trí của mỗi người.
Công sinh thành của cha mẹ rất lớn. Không có cha mẹ thì không có các con. Bất cứ một anh hùng hay vĩ nhân nào cũng đều được sinh ra từ cha mẹ của mình. Cha mẹ đã dứt ruột sinh ra các con, đã chia sẻ một phần xương thịt để các con có mặt trên đời. Chính vì vậy, công ơn sinh thành của cha mẹ sánh ngang với núi cao, biển rộng.
Cha mẹ cũng là người nuôi dưỡng các con từ khi mới chào đời cho đến lúc trưởng thành. Mẹ nuôi con bằng dòng sữa ngọt lành. Cha mẹ thay nhau chăm sóc đàn con mỗi khi trái gió trở trời. Cha mẹ ra sức làm lụng để nuôi các con khôn lớn.Từ một hình hài nhỏ xíu cho đến khi biết đi, rồi biết đọc, biết viết, biết nấu cơm, quét nhà, biết làm lụng để tự nuôi thân đâu phải là chuyện ngày một, ngày hai. Các con lớn dần lên cũng là lúc cha mẹ già yếu đi. Cha mẹ đã dành cho đàn con tất cả tâm huyết và sức lực của mình.
Không chỉ nuôi con lớn, cha mẹ còn dạy dỗ cho các con nên người. Cha mẹ dạy con bằng chính những việc làm, những hiểu biết về đời sống, về đạo làm người của mình. Sau này, dù được thầy cô dạy dỗ, được người đời khuyên răn, nhưng cha mẹ vẫn là người thầy đầu tiên, người thầy gần gũi nhất của các con.
Hạnh phúc thay cho những đứa con được ấm ủ, yêu thương trong vòng tay cha mẹ! Vậy làm con phải đối xử với cha mẹ như thế nào để đền đáp chữ hiếu? Câu cuối của bài ca dao nhắc nhở chúng ta bổn phận làm con:
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Đạo con là đạo đức, trách nhiệm làm con. Bổn phận của con cái là phải bày tỏ lòng biết ơn và thái độ kính mến, chăm sóc cha mẹ lúc già yếu. Tình cảm đối với cha mẹ phải chân thành và được thể hiện qua những thái độ, hành động xứng với đạo làm con.
Trong dân gian xưa nay đã lưu truyền những câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ qua Nhị thập tứ hiếu (Gương sáng của hai mươi bốn người con hiếu thảo). Nàng Cúc Hoa dắt mẹ đi ăn mày, gặp cảnh ngặt nghèo đã cắt thịt ở cánh tay mình để dâng mẹ ăn cho đỡ đói. Có lẽ đó cũng là một cách nói cường điệu để ca ngợi đức hiếu thảo. Còn trong đời thường, lòng biết ơn cha mẹ được thể hiện qua những lời nói và việc làm cụ thể hằng ngày như cốc nước mát ân cần trao tận tay cha mẹ khi đi làm về nắng nôi, mệt nhọc; là bát cháo nóng bưng cho cha mẹ khi ốm mệt; là sự cảm thông với hoàn cảnh khó khăn của cha mẹ mà không đua đòi ăn diện quần nọ, áo kia... Điều quan trong nhất đối với lứa tuổi học sinh là chúng ta phải phấn đấu học tập, rèn luyện để trở thành người con ngoan, trò giỏi, thành niềm vui, niềm tự hào của cha mẹ.
Năm tháng qua đi, em ngày một trưởng thành. Em tự nhủ phải học tập thật giỏi để sau này trở thành người hữu ích cho gia đình, xã hội và thực sự trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của cha mẹ lúc tuổi già. Bài ca dao Công cha như núi Thái Sơn ... luôn nhắc nhở em giữ trọn đạo làm con.