Cho đoạn thơ sau:

     VIỆT NAM CỦA CHÚNG TÔI

Ôi Việt Nam, Tổ quốc của chúng tôi

Nơi mẹ nuôi con khôn lớn thành người

Nơi mảnh đất cha ông tôi nằm xuống

Việt Nam ơi... Trang sử đẹp ngàn năm!

 

Quân Nam Hán, đại bại trận Bạch Đằng

Phòng tuyến Như Nguyệt, đập tan quân Tống

Hàm Tử Quan, bắt sống tướng Toa Đô

Ải Chi Lăng, giặc Minh phải hạ cờ

 

Tổ Quốc tôi, vẫn tươi đẹp trong thơ

Trong lịch sử chống ngoại xâm vĩ đại

Dân tộc tôi, khí anh hùng vang mãi

Trong sử thi cho đến tận bây giờ

 

Trận Điện Biên chấn động, giặp Pháp thua

Đuổi giặc Mỹ, non sông ta thống nhất

Một chín bảy nhăm, nước nhà độc lập

Người Việt Nam, yêu đất mẹ Việt Nam

 

Đất nước tôi vẫn tươi đẹp huy hoàng

Bắc, Trung, Nam, ba miền cùng cố gắng

Cùng đồng cảm, cùng dựng xây cuộc sống

Dân tộc Việt Nam, vẫn đậm nét Việt Nam.

                                                        Việt Cường

1. Có những sự kiện lịch sử nào được nhắc tới trong bài thơ trên?

2. Là một học sinh sống trong thời bình, em sẽ làm gì để tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc?

3. Hãy chia sẻ một câu chuyện mà em biết về Ngày giải phóng miền Nam 30 - 4.

Chúc mừng các bạn dưới đây đã nhận được giải thưởng Văn vui hàng tuần của OLM:

Giải nhất: Edogawa Conan
---------
Dưới đây là bài làm của bạn: Edogawa Conan

1. Các sự kiện lịch sử được nhắc đến trong bài là:

+Trận đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng;

+Trận chiến đánh tan quân Tống trên sông Như Nguyệt của Lí Thường Kiệt

+Hàm Tử Quan, bắt sống tướng Toa Đô

+Ải Chi Lăng, giặc Minh phải hạ cờ

+Trận Điện Biên chấn động, giặp Pháp thua

+Đuổi giặc Mỹ, non sông ta thống nhất

+Một chín bảy nhăm, nước nhà độc lập

2. Là một học sinh sống trong thời bình, em cần phải:

- Là một công dân tốt, thực hiện đầy đủ trách nhiệm công dân Việt Nam.

- Yêu nước, yêu quê hương, gia đình.

- Cống hiền hết sức mình vì quê hương, dân tộc.

- Kính trọng, biết ơn các anh hùng dân tộc.

- Luôn chăm ngoan, học giỏi để cùng nhau đưa đất nước trở thành một cường quốc về tri thức,

- Tiếp thu và phát huy truyền thống, tư tưởng của Đảng.

- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

3. Câu chuyện về ông Nguyễn Xuân Dụ:

Tháng 5/1974, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và cũng là nguyện vọng của bản thân, cùng với nhiều bạn bè đồng trang lứa, chàng thanh niên 19 tuổi Nguyễn Xuân Dụ lên đường nhập ngũ. Sau đó, ông được điều động đi B và được phân về C13-D6-E2-F9-Quân đoàn 4 Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đến ngày 23/2/1975, chàng binh nhất Nguyễn Xuân Dụ đã sát cánh cùng các đồng đội ở Tiểu đội hỏa lực Cối 60 trực tiếp đánh vào chi khu Dầu Tiếng - Bình Dương của địch. Sau nhiều ngày chiến đấu, với 3 tiểu đoàn, quân ta đã tiêu diệt tiểu đoàn Ngụy bảo vệ khu trung tâm Dầu Tiếng.

Trong trận chiến đấu này, khi quân ta làm chủ được khu Dầu Tiếng thì ông Nguyễn Xuân Dụ đã bị thương và được đưa về hậu phương chữa trị. Sau 15 ngày điều trị, ông tiếp tục trở về đơn vị tham gia giải phóng Sài Gòn - chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

“Lúc này, đơn vị tôi tiến công từ Campuchia về Tây Ninh và hướng đến Sài Gòn. Đến ngày 28 và 29/4/1975, đơn vị đã phục quân ở Hậu Nghĩa, giáp với Sài Gòn, để chờ lệnh tổng tiến công. Đêm 29/4/1975, đơn vị được lệnh đánh sâu vào Sài Gòn. Sau nhiều giờ hành quân chiến đấu, đến 6h sáng 30/4/1975 chúng tôi đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu của người dân khi tiến vào tiếp quản Bộ Tổng tham mưu của địch. Và, trưa ngày hôm đó, khi biết tin địch đầu hàng vô điều kiện mọi người đều rất phấn khởi, vỡ òa trong vui sướng, nhiều người đã khóc” - cựu chiến binh Nguyễn Xuân Dụ kể.

Đang chia sẻ với chúng tôi cảm giác vui sướng của mình trong giờ phút hào hùng của dân tộc, ông Dụ bỗng ngưng lại, đôi mắt nhìn xa xăm. Giọng ông nhẹ hẳn đi: “Sau giây phút hân hoan chiến thắng, chúng tôi bắt đầu nhớ đến những đồng đội của mình đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Những người không được thấy ngày đất nước thống nhất, nhưng lúc nào họ cũng nghĩ về ngày đó”.

Chiến tranh là gắn liền với mất mát, đau thương, điều này ai cũng biết, nhưng có lẽ cảm xúc thiêng liêng này chỉ những người như ông Dụ mới có thể cảm nhận được hết.

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, từ năm 1974 đến năm 1990, Đại úy Nguyễn Xuân Dụ tự hào nhất là được đóng góp công sức của mình vào thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trở về quê hương, phát huy tinh thần của người giải phóng quân, ông Dụ tiếp tục tham gia các công tác tại địa phương như: trưởng thôn Trung Thượng, bí thư chi bộ thôn Trung Thượng… Hiện, ông được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đại Hùng.

Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Xuân Dụ đã được Nhà nước tặng thưởng 1 Huy chương kháng chiến hạng Ba, 3 Huy chương niên hạn. Năm 2015, ông được trao tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.