“Tôi vẫn nhớ tất cả những lần tối rồi mà ông vẫn chưa về nhà, tất cả những lần tôi ăn tối một mình. Tôi thường hỏi ông Ali rằng Baba đâu, khi nào thì cha tôi trở về nhà, mặc dầu tôi thừa biết ông ở công trường xây dựng để trông nom chỗ này, giám sát chỗ kia. Như thế không cần kiên nhẫn sao? Tôi đâm ra căm ghét tất cả những đứa trẻ mà ông đang xây trại mồ côi cho. Đôi khi tôi mong chúng chết đi theo cha mẹ chúng.
- Khi con giết một con người, con ăn cắp một cuộc đời. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?”
(Người đua diều – Khaled Hosseini)
Hãy nêu cảm nhận của em về bài học mà Baba đã dạy cho cậu bé Amir trong mẩu chuyện trên.
-------------
Chúc mừng các bạn dưới đây đã nhận được giải thưởng Văn vui hàng tuần của OLM:
Giải nhất: Nguyễn Thị Thảo Linh
Giải nhì: Easy Steps
Giải ba: Trần Thùy Dương
-------------
Dưới đây là bài làm của bạn: Nguyễn Thị Thảo Linh
Cuộc sống của chúng ta luôn ẩn chứa nhiều bài học đáng quý. Những bài học ấy có thể ở bất cứ đâu, trong cuộc sống, trong xã hội, trong con người, và cả trong những câu chuyện, những bài văn truyền cảm hứng. Ở câu chuyện trên, cậu bé Amir vẫn còn là một đứa trẻ, vẫn chưa hiểu rõ cuộc sống, vốn dĩ rất ngây thơ, trong sáng, nhưng cậu cảm thấy mình bị thiếu thốn tình cảm của cha. Cha cậu luôn về nhà muộn vì phải chỉ đạo việc xây dựng các công trình, các trại trẻ mồ côi. Đó là một hành động hết sức thiết thực, thể hiện tình yêu thương với những mảnh đời éo le, bất hạnh. Cũng chính vì điều ấy mà Amir cảm thấy ghen tị với những đứa trẻ mồ côi đó, cậu chán ghét họ, thậm chí muốn những đứa trẻ đáng thương ấy chết đi. Chúng ta hiểu rằng cậu rất buồn, nhưng không có nghĩa là cậu có thể nghĩ tiêu cực như vậy. Cậu nên tự hào về cha cậu. Và để cậu hiểu ra, Baba đã nói với cậu rằng: "Khi con giết một con người, con ăn cắp một cuộc đời. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. Con có hiểu không?"
Ăn cắp là một tội lỗi, ăn cắp cũng chia ra nhiều loại, ăn cắp về vật chất và tinh thần. Con người chúng ta chỉ vì cái "tôi" mà đánh cắp rất nhiều thứ, làm những việc xấu xa, sai trái. Ở đây, đầu tiên, nếu chúng ta giết một người, chính là cướp đi một cuộc đời. Họ có quyền sống, có quyền mơ ước, có quyền đam mê, không ai trong chúng ta được phép đánh mất quyền lợi sống còn của họ. Đó là lỗi lầm không thể tha thứ. Giết một người đàn bà, một người đàn ông, đồng nghĩa với việc ta đặt dấu chấm hết trong cuộc đời của họ. Họ còn biết bao nghĩa vụ phải làm với gia đình mình, làm vợ, làm chồng, làm mẹ, làm cha. Chính tôi có thể khẳng định rằng, kẻ làm ra loại chuyện như vậy sẽ không bao giờ sống yên ổn, sẽ bị pháp luật trừng trị, lương tâm sẽ hết sức bi thảm. Không chỉ vậy, sự thật là một điều mà những người trong cuộc có quyền biết, không ai trong chúng ta che dấu được chúng. Sự thật sẽ luôn được sáng tỏ, dù chúng ta có giữ kín thế nào đi chăng nữa. Vậy nên, tốt nhất, ngay từ đầu chúng ta nên nói thật, nói thật vì con tim, vì lí tưởng, vì chân lí, đó là lòng tự tôn tuyệt đối. Song song với nó là không được giả dối, chúng ta luôn hoang mang, lo sợ vì một ngày nào đó lỡ như điều ta dối trá bị bại lộ, mọi người sẽ nhìn ta bằng ánh mắt khinh bỉ, coi thường. Thay vì thế, tại sao ta không dũng cảm nhận lỗi nếu chúng ta đã lỡ làm sai, tại sao chúng ta không thể trung thực mà sống tiếp, tại sao chúng ta không thể tin tưởng vào mọi người mà phải đi nói dối? Phải chăng sự ngay thẳng đã dần biến mất trong nhân cách con người. Tất cả những điều trên chính là lời răn dạy, khuyên bảo của Baba tới Amir, vừa nghiêm khắc vừa thấm thía. Nhưng đó không chỉ là nói với Amir, mà tất cả chúng ta đều phải tự coi lại, kiểm điểm bản thân, bởi những bài học này không bao giờ là lời thìa, mà nó là những lời triết lí đầy sâu sắc.
Thực chất, sau này chính Amir vẫn luôn ám ảnh về tội lỗi của mình, sự hèn nhát không dám nhận lỗi, không dám đứng ra bảo vệ Hassan và để cho Assef bạo hành Hassan - đứa em cùng cha khác mẹ của mình. Nhưng mọi ám ảnh ấy luôn được cứu rỗi bởi câu nói của chú Kharim: "Luôn có một con đường tốt lành để trở lại!". Và sự thực là Amir đã hàn gắn vết thương, chuộc tội lỗi của mình bằng cách tìm, cứu và nuôi đứa con của em trai. Câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh Amir thả diều cùng thằng bé, thằng bé nhút nhát nhưng nụ cười hé mở trên môi.