Cuộc sống với biết bao bộn bề toan tính thường ngày đôi khi vô tình cuốn ta vào guồng quay bất tận của cuộc sống. Không theo một quy luật nào, guồng quay ấy như “một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn và xô bồ” (Nguyễn Tuân). Đôi khi ta lạc lối trong mê cung tâm trí để tìm ra câu trả lời “Mọi sự giả dối đều xấu xa?”. Cho tới khi nghe được những câu thơ trong bài “Đừng quên” của Trần Nhuận Minh “Cái Ác vỗ vai cái Thiện/ Cả hai cùng cười đi về tương lai”, tôi mới nhận ra rằng trên thế giới vẫn còn tồn tại những biệt lệ, đâu đó vẫn ẩn chứa những “lời nói dối ngọt ngào” như ánh dương ấm áp ôm ấp cả bầu trời yêu thương trong tâm hồn.
Lời nói dối là phát ngôn sai, bóp méo sự thật ở hiện tại dùng cho mục đích lừa gạt đối phương. Nghe tưởng chừng lời nói dối chỉ hướng tới mục đích xấu bởi trong bất kì trường hợp nào “lừa dối” người khác là điều sai trái. Nhưng tôi vẫn tin rằng trên đời vẫn còn sự hiện diện của “lời nói dối ngọt ngào”- hiện thân của cái đẹp cứu rỗi con người khỏi “ngục tù lâu khổ”, thung lũng đau thương. Bạn có tin một lời nói dối có thể đưa con người từ hai đầu của một cái lò xo bật xa dần về khoảng cách đến với nhau bằng cái nhìn “cận nhân tình” ( Lữ Thừa Ân) hơn không? Quả thực, có những lời nói dối có sức mạnh chữa lành kì diệu đến thế.
Trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, giám mục Myriel đã nói dối cảnh sát nhằm đỡ tội cho Jean Valjean vì ăn cắp bộ đồ bạc quý giá trong nhà thờ. Nhờ lời nói dối của giám mục Myriel đã đánh thức tâm can của Jean Valjean để rồi sau này anh được giác ngộ trước ánh sáng của cái thiện trở thành ông thị trưởng nhân hậu và chính trực. Nếu xét bản chất thông thường của một lời nói dối thì giám mục Myriel đã sai khi sử dụng nó để che dấu tội lỗi của Jean Valjean nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Lời nói dối của Myriel đã cứu vớt Jean ra khỏi” đầm lầy tội lỗi” mà anh đã lún sâu bao lâu, đặt đôi chân của mình trên con đường hoàn lương. Vậy lời nói dối của vị giám mục đáng kính ấy không xứng đáng là một lời nói dối ngọt ngào sao? Những lời nói dối ngọt ngào như cách giám mục Myriel sử dụng để cứu vớt một con người lầm lỗi như Jean mang sức mạnh kì diệu hơn bất kỳ thứ ngôn ngữ yêu thương nào khác. Nó đã mở ra cánh cửa trái tim đóng khép của con người đang lạc lối trong mê cung rắc rối, những cái chùng chình, vòng vèo của cuộc sống trên hành trình tìm giá trị đích thực tìm thấy cánh cửa hướng ta đi tới ánh sáng của chân-thiện-mỹ.
Tôi từng nghe một câu nói “Đầu kim tuy nhỏ đâm trúng lại rất đau. Lưỡi tuy không xương nhưng có thể mang tới sự tổn thương sâu sắc”. Chắc chắn chúng ta không thể tránh khỏi vết thương từ lời nói do những người khác mang lại. Cuộc sống thật khó tránh khỏi những người luôn dùng lời nói sắc như dao để thỏa mãn thú vui của bản thân mà không để tâm rằng lưỡi dao ngôn từ ấy không chạm vào bề mặt vô tri mà đó là một trái tim chứa đầy cảm xúc. Có những lời nói tựa bồ dao găm nhưng cũng có những lời nói trở thành tấm khiên bảo vệ ta trong ấm áp yêu thương khỏi tổn thương từ muôn ngàn giáo mác từ miệng lưỡi cay độc của người đời. Lời nói dối ngọt ngào của người mẹ vĩ đại Nancy Elliot - mẹ của thiên tài Thomas Edison là một ví dụ. Năm 7 tuổi, Edison khi ấy theo học tại trường tiểu học Port Huron, bang Michigan. Một hôm, cậu nhận được một mẩu giấy từ thầy giáo, yêu cầu mang về nhà cho mẹ đọc. Khi Edison hỏi tờ giấy viết gì, bà Nancy đã trả lời "Con trai của bà là một thiên tài. Ngôi trường này và giáo viên của chúng tôi không đủ khả năng để đào tạo cậu bé. Bà hãy tự dạy dỗ con trai mình". Sau những tháng ngày bị phê bình, chỉ trích như một người thiểu năng, lời nói từ bức thư của thầy giáo đã tiếp thêm động lực cho Edison tin vào khả năng của chính mình có thể tạo ra bứt phá khác biệt. Lịch sử của nhân loại đã ghi nhận mọi nỗ lực của Edison khi ông trở thành một trong số nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ. Nhiều năm sau khi mẹ ông mất, ông lại tìm thấy bức thư đó trong ngăn kéo cũ với nỗi dung hoàn toàn khác "Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi sẽ không để nó đến trường nữa". Edison đã khóc trong nhiều giờ liền, sau đó viết vào nhật ký: "Thomas Alva Edison là một đứa trẻ đần độn, nhờ người mẹ anh hùng mà trở thành thiên tài của thế kỷ”. Liệu không có lời nói dối ngọt ngào của bà Nancy chúng ta có được chứng kiến sự xuất hiện của nhà khoa học Thomas Edison lừng danh không? “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ mình là ngu ngốc” ( Albert Einstein ). Suýt chút nữa nhân loại đã mất đi một biểu tượng sáng chế của nhân loại, một thiên tài mở ra thời đại điện khí của thế giới nếu không có “lời nói dối ngọt ngào” của người mẹ giàu tình yêu thương.
Ra khơi, lênh đênh trên biển cả nhân sinh, tôi mới nhận ra cuộc sống không hề đơn giản. Gọi tên “cuộc sống” chỉ mất hai giây nhưng để khám phá nó có lẽ phải mất cả một đời. Vì thế, con người trong guồng quay cuộc sống luôn cần có sự tỉnh táo. Chúng ta cần rèn luyện khả năng phân biệt đâu là” mật ngọt chết ruồi”,đâu là “mật ngọt” từ trái tim chân thành của người khác. “Mật ngọt chết ruồi” tôi nói ở đây chính là lời nịnh nọt, xu nịnh từ những người luôn mang lớp mặt nạ giả dối nhằm đưa ta rơi vào những cái bẫy được sắp đặt sẵn biến chúng ta thành “những con mồi ngon ngọt” để lợi dụng. Một triết gia đã từng nói “Trong số những con thú hoang dã thì con thú gièm pha là con thú đáng sợ nhất, còn những người trong nhà đáng sợ nhất là kẻ xu nịnh”. Võ khí những kẻ xu nịnh sử dụng là lời nói dối ngọt ngào ru ngủ con người trong mộng tưởng. Chúng ta trở thành người “đi giật lùi” với bước tiến của con người, chìm đắm trong sự ngọt ngào giả dối mà quên mất vị trí thật sự của mình ở đâu. Lời nói dối “ngọt ngào” dần trở thành thứ axit ăn mòn trí tuệ, thui chột trái tim và khả năng chinh phục giấc mơ của con người.
Có lẽ lời nói dối “ngọt ngào” mà nhân loại không thể nào quên được với trùm phát xít độc tài, tàn bạo nhất thế giới Adolf Hitler. Ông đã tuyên truyền cho tất cả mọi người rằng “Đức là con đê cuối cùng ngăn chặn làn sóng “cộng sản” đang hùng mạnh, bao trùm khắp thế giới” cùng vô số học thuyết khác như “Chủ nghĩa toàn German”,”thuyết chủng tộc cao đẳng” và đặc biệt là “Chủ nghĩa bài Do Thái” gây ra nạn diệt chủng Holocaust dẫn tới cái chết của sáu triệu người Do Thái vô tội. Hitler là một “thiên tài” trong thao túng tâm trí bằng việc kế thừa tư tưởng phản động cũ cộng hưởng cùng yếu tố thời đại ông đã pha ra một loại “cocktail” ngọt lịm làm tất cả lính Đức thời ấy răm rắp nghe lời,người dân đông đảo ủng hộ. Hậu quả để lại chúng ta đều thấy, đó là thế chiến thứ hai với bao tang thương, chết chóc trở thành nỗi đau hằn sâu trong lịch sử nhân loại. Vì những lời nói dối “ngọt ngào”, bởi những mộng tưởng được gieo rắc đằng sau những lời nói ấy mà con người lạc lối và mất đi khả năng phân biệt thiện ác,đúng và sai, khi ấy ta như bị thôi miên trở thành một con rối để mặc cho người khác giật dây, kiểm soát và chuộc lợi.
Cuộc đời đa sự, con người đa đoan, lòng người khó đoán.Trước những lời ngon ngọt, chúng ta cần phải lên dây cót tinh thần, cảnh giác cao độ. “Mật ngọt chết ruồi, giống như ruồi không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của mật ngọt, con người cũng chẳng muốn từ chối những lời ngọt ngào. Nhưng đứng trước sự ngọt ngào nào cũng cần lý trí tỉnh táo. Đó là tình cảm chân thành hay chỉ là “bả ngọt” khiến chúng ta trở thành những miếng mồi ngon rơi vào cái bẫy của những kẻ gian lợi dụng. “Lòng tốt cần một chút sắc sảo không chỉ là số không tròn trĩnh” ( Mộ Nhan Ca). Mục đích sử dụng lời nói dối của ta có thể hướng tới những điều tốt đẹp cho đối phương nhưng cần sự khôn khéo, thông minh nếu không nó sẽ trở thành “phản lực” làm tan vỡ mối quan hệ. Lời nói dối đầy thiện chí cũng cần áp dụng đúng lúc. Đôi khi, chúng ta vẫn cần phải lựa chọn sự thật trước những tội ác không thể dung chứa. Khi ấy, chúng ta chọn lời nói dối “ngọt ngào” để dung túng cho hành vi sai trái thì chính ta đã gieo trồng mầm mống tội ác, nuôi lớn nó trở thành “con sâu làm rầu nồi canh” trở thành tệ nạn đục khoét trong xã hội.
Bước đến trước ngưỡng cửa mười tám, tôi tự thấy mình vẫn còn là một cánh chim non nớt, chưa thấu trải hết những lẽ đời. Nhưng không vì thế tôi chối bỏ niềm tin ngự trị trong trái tim mình: trên đời này vẫn còn những lời nói dối ngọt ngào - ngôn ngữ của yêu thương. Tôi tự tri nhận cho mình một bài học nhận thức đáng giá về lời nói dối, có lẽ trên đời thật khó để tạo ra một ranh giới chính xác “Nên nói thật hay nói dối?” song tôi vẫn cho rằng dù lời nói thật hay lời nói dối chỉ cần là lời chân thành từ trái tim yêu thương cao cả thì đều là những lời nói “ngọt ngào”. Còn bạn, bạn định nghĩa thế nào về “lời nói dối ngọt ngào”?
Chào bạn. Hiện mình đang thành lập 1 nhóm chat chuyên viết văn với số lượng thành viên khiêm tốn, dành cho những bạn có khiếu viết văn hay, viết tốt. Mỗi bài văn bạn viết sẽ được mình gửi tiền qua tài khoản đàng hoàng. Kam kết! Nếu bạn có hứng thú với gr chat của mình, bạn hãy gửi link fb của bạn, mình sẽ acp và mời bạn vào gr chat sớm nhất. Nhiệm vụ viết bài đầu tiên sẽ được bắt đầu khi gr đủ thành viên yêu cầu. Hãy giới thiệu cho người bạn mà bạn cho là phù hợp với gr của mình. Xin cảm ơn!
FB : Tomioka Nhi